83% Người dân Ấn cảm thấy bất an bởi Trung quốc
Ngày 19 tháng 5 vừa qua, ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng Trung quốc, đã đến New Delhi để bắt đầu chuyến viếng thăm Ấn độ trong ba ngày. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Cường kể từ ngày lên nhậm chức. Tại sao ông Cường không chọn Hoa Kỳ để công du mà lại sang Ấn Độ vào lúc này khi mà quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi đang căng thẳng do vụ lính Trung quốc xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ vào tháng trước. Mặc dù theo lời giải thích của ông Lý Khắc Cường là do những ký ức đẹp từ chuyến thăm Ấn Độ cách đây 27 năm đã khiến tôi chọn New Delhi là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du các nước lần này, còn về phía chính quyền Bắc Kinh thì nói rằng Thủ tướng Lý Khắc Cường đã dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên cho Ấn Độ để nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng trong quan hệ giữa hai nước cùng là thành viên của nhóm các nền kinh tế đang trổi dậy. Thế nhưng theo các bình luận gia ngoại giao thì ông Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ không chọn được Hoa Kỳ vì phải để cho ông Tập Cập Bình công du trước vào đầu tháng 6 sắp tới. Cũng theo các bình luận gia này thì khi tân chính quyền Trung quốc chưa quyết định rõ chính sách ngoại giao của mình mà việc ông Bình sang Hoa Kỳ để hội đàm với Tổng thống Obama là điều dị thường, nhưng do nhu cầu phải giải tỏa sự chỉ trích của nhiều nước bởi hành động quá hung hăng của Trung quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Trở lại với đề tài thì về phía chính quyền New Delhi lẽ đương nhiên đánh giá cao quyết định của ông Cường trong việc chọn Ấn Độ là nước đầu tiên để công du, nhưng cho biết mọi vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận một cách thẳng thắng, bao gồm cả việc tranh chấp biên giới, thương mại để tìm cách giải quyết chứ không vì lý do gì mà bỏ qua. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ là ông Salman Khurshid trong một cuộc hội đàm với ông Cường đã nói thẳng là Ấn Độ rất bất bình trước việc lính Trung quốc xâm nhập sâu 20 cây số vào lãnh thổ Ấn Độ và những hoạt động của Trung quốc tại vùng Kashmir ở phía Pakistan kiểm soát. Thủ tướng Ấn Độ, ông Manmohan Sigh cũng đã nhắc lại vấn đề này trong cuộc hội đàm tay đôi với ông Lý Khắc Cường, cộng thêm với chuyện cán cân mậu dịch giữa hai nước không cân xứng đã làm cho Ấn Độ bị lỗ đến 29 tỉ mỹ kim trong năm qua do việc hàng hóa của Ấn Độ bị hạn chế xuất khẩu sang Trung quốc. Ông Cường đã giải thích các vấn đề này một cách quanh co đến nỗi Thủ tướng Sigh phải thốt lên một câu rằng tôi chẳng hiểu ông muốn nói gì.
Liên quan đến việc cộng đồng tị nạn người Tây Tạng thì ông Cường cho hay Trung quốc rất bất mãn khi Ấn Độ để cho Đạt Lai Lạt Ma đặt bản doanh ở đây để chống phá sự đoàn kết của nhân dân Trung quốc, cũng như gây phân hóa đất nước chúng tôi. Đáp lại Thủ tướng Ấn Độ nói rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma là người lãnh đạo tinh thần đáng kính trọng, chúng tôi đâu có thể cấm Ngài đi truyền giảng đạo Phật, khi thuyết pháp thì Ngài có nói đến những khổ đau của nhân loại, trong đó có người dân Tây Tạng, trước những chính quyền si mê quyền lực.
Về phía người dân Ấn Độ thì đã có nhiều cuộc biểu tình phản đối chuyến công du của ông Lý Khắc Cường và yêu cầu chính quyền New Delhi không thể nhượng bộ thêm bất cứ gì nữa đối với Bắc Kinh. Cũng trong dịp này nhóm Think Tank thuộc viện Nghiên cứu về Chính trị Quốc tế của Úc đã cho công bố kết quả thăm dò ý kiến của người dân Ấn Độ đối với Trung quốc như sau: 83% người dân Ấn Độ cảm thấy bất an trước một Trung quốc có vũ khí hạt nhân, trước một Trung quốc luôn tìm cách thu vén tài nguyên các nước và trước một Trung quốc luôn gây rối ở biên giới cũng như muốn bành trướng sức mạnh quân sự ở Ấn Độ dương lẫn vùng biển Đông.
Thưa quý thính giả, không một chính phủ nào muốn quan hệ ngoại giao căng thẳng với đối tác của mình, nhưng không phải vì thế mà im lặng trước những quyền lợi quốc gia đang bị thiệt hại bởi đối tác. Chuyện chính quyền New Delhi thẳng thắng đặt vấn đề với ông Lý Khắc Cường cũng như phản ứng của người dân Ấn Độ đối với Trung quốc qua chuyến công du của ông Cường là điều tự nhiên của một quốc gia thật sự độc lập. Nếu xét về phương diện này thì Việt Nam còn bị Trung quốc ức hiếp gấp trăm ngàn lần Ấn Độ, thế mà chính nhà nước Cộng sản Việt Nam vẫn ngậm câm như hến, nếu có thì chỉ phản đối chiếu lệ, nhưng tuyệt đối cấm người dân lên tiếng chống đối. Bản án nặng nề đối với hai sinh viên yêu nước Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên mới đây là một bằng chứng tô đậm thêm sự lệ thuộc quá nhiều của Hà Nội đối với Bắc Kinh. Chừng nào mà chế độ Cộng sản không còn ngự trị trên đất nước thì khi đó người dân Việt Nam mới có thể bày tỏ ý kiến của mình như người dân Ấn Độ đang làm đối với Trung quốc. Thưa có đúng không quý thính giả ?
Bắc Hàn Tiếp Tục bắt tàu đánh cá Trung quốc xâm phạm lãnh hải
Ngày 19 tháng 5 vừa qua, chính quyền Bắc Kinh cho hay đã mở cuộc điều tra về vụ một tàu đánh cá Trung quốc với 16 ngư phủ bị bắt hôm mồng 6 tháng 5 khi đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Hải, cách bờ biển Bắc Triều Tiên chừng 70 cây số. Theo lời khai của chủ tàu là ông Vu Học Quân ở Đại Liên là ông ta tình nghi tàu đánh cá của mình bị một nhóm hải tặc Bắc Hàn bắt cóc, đòi tiền chuộc 600 ngàn đồng nguyên (tương đương với 76 ngàn euro). Báo đài Trung quốc chụp ngay lời khai của ông Vu rồi cho đi ngay những bản tin nhanh với những hàng tít lớn như: Hải tặc Bắc Hàn bắt tàu đánh cá Trung quốc đòi tiền chuộc, hoặc Hải tặc Bắc Hàn lộng hành trên biển…
Ngày 20/05/2013, thay vì phản bác lại những tin tức mà báo đài Trung quốc loan tải thì đài truyền thanh và truyền hình Trung ương Bình Nhưỡng chính thức loan tin lực lượng tuần duyên Bắc Triều Tiên ở biển Hoàng Hải đã bắt 16 ngư phủ trên một tàu đánh cá Trung quốc đang hành nghề trong lãnh hải của Bắc Triều Tiên. Nếu muốn được thả thì trước tiên chính phủ Bắc Kinh phải lên tiếng xin lỗi, cam kết cấm không cho tàu đánh cá Trung quốc tái vi phạm và đương nhiên chủ tàu phải nạp phạt một số tiền theo luật định. Ngay sau khi tin này được loan đi thì truyền thông Trung quốc không còn sử dụng hai chữ hải tặc nữa mà cho rằng Bình Nhưỡng điên cuồng trả thù việc Trung quốc ủng hộ Quyết nghị chế tài Bắc Triều Tiên của Liên hiệp quốc, trả thù việc ngân hàng Trung quốc phong tỏa các trương mục của Bắc Hàn. Phát ngôn viên Hồng Lỗi của bộ Ngoại giao Trung quốc thì họp báo cho biết là đang giao thiệp với chính quyền Bình Nhưỡng để yêu cầu thả tự do cho 16 ngư phủ Trung quốc sớm ngày nào tốt ngày đó.
Mặc dù ông Hồng Lỗi không đề cập đến số tiền mà Bình Nhưỡng đòi chủ tàu nạp phạt vì nói ra là coi như thừa nhận việc tàu đánh cá Trung quốc xâm phạm lãnh hải Bắc Hàn, thế nhưng các quan sát viên theo dõi tình hình bán đảo Triều Tiên thì cho rằng thái độ của Bình Nhưỡng rất cứng rắn, không đóng tiền phạt thì không thả.
Thật ra đây không phải là lần đầu tiên tàu tuần duyên Bắc Triều Tiên bắt tàu đánh cá Trung quốc xâm phạm lãnh hải mình. Mới đây nhất vào tháng 5 năm 2012, Bình Nhưỡng đã bắt 29 ngư phủ Trung quốc trên 3 tàu đánh cá thả neo hành nghề trong hải phận Bắc Hàn ở biển Hoàng Hải.
Là một nước đang lệ thuộc nhiều vào Trung quốc về kinh tế lẫn chính trị thế mà Bắc Triều Tiên vẫn phải bắt tàu đánh cá Trung quốc vi phạm lãnh hải, chứng tỏ những người cầm quyền ở Bình Nhưỡng cương quyết không để cho bất cứ ai xâm phạm lãnh hải của mình. Trong khi đó, tại biển Đông và ở các quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa của Việt Nam thì đủ loại tàu của Trung quốc từ tàu đánh cá, tàu hải giám, tàu điều tra hải dương và cả tàu chiến tha hồ làm mưa làm gió, kể cả thọc sâu vào hải phận Việt Nam để cắt cáp tàu thăm dò dầu khí, tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam, nhưng chính quyền Hà Nội chỉ phản đối gọi là cho có. Về mặt này thì thấy rõ cậu út Kim Chính Ân còn có nhiều tự trọng và tinh thần bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, hơn xa bộ sậu lãnh đạo đảng CSVN rất nhiều.