Khai thác mỏ ở Việt Nam gây nhiều tác hại kinh tế, đời sống lẫn môi trường

- Quảng Cáo -

Khai thác mỏ ở Việt Nam gây nhiều tác hại kinh tế, đời sống lẫn môi trường
Theo Trung tâm Con người và Thiên nhiên (viết tắt là PAN) trong một nghiên cứu về “Khoáng sản – phát triển – môi trường: Đối chiếu giữa lý thuyết và thực tế”, thì cung cách quản lý, điều hành hoạt động khai thác khoáng sản tại Việt Nam đã và đang gây ra rất nhiều tác hại cho cả kinh tế, đời sống lẫn môi trường.
PAN cho rằng, vì giàu khoáng sản, Việt Nam xem công nghiệp khai thác khoáng sản (khai khoáng) là một trong những ngành mũi nhọn để tạo việc làm, tăng ngân sách cho địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên kết quả khảo sát của PAN cho thấy, công nghiệp khai khoáng hiện chỉ gây ra những tác động tiêu cực.
Sau khi khảo sát mỏ sắt Tân Pheo ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, PAN cho biết, hoạt động khai thác đã ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu đất trong khu vực. Vào mùa mưa, đất đá từ núi trôi xuống ruộng và suối khiến độ sâu của suối giảm từ 1 m xuống còn 20 cm, thậm chí một số đoạn đã bị lấp. Trong khi hệ thống suối là nguồn cung cấp nước cho sinh hoạt, tưới, tiêu và nuôi thủy sản của cả ngàn gia đình.
Tại thời điểm khảo sát, nguồn lợi thủy sản gần như không còn, nước suối cạn, có màu đặc trưng của oxide sắt. Quá trình tuyển quặng và sau tuyển quặng không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế cho dân chúng.
Tương tự, quá trình khai thác quặng bauxite tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã gây tác hại nghiêm trọng cho môi trường (bụi, nước thải, bùn đỏ). Do đường vận chuyển quặng là đường đất, hơn 150 gia đình sống ven đường phải chịu cảnh bụi bặm vào mùa nắng và lầy lội vào mùa mưa.
Việc trồng trọt cũng bị ảnh hưởng nặng. Hoạt động khai thác bauxite còn phá vỡ cấu trúc địa chất, làm bề mặt đất bị hạ thấp từ 5 mét đến 9 mét, lớp đất bazan bị thay thế bởi đất sét nên mùa mưa, nhiều chỗ bị ngập úng, xói lở với cường độ mạnh.
Tuy khoáng sản được xem như tài sản toàn dân song PAN cho rằng, trên thực tế, phần lớn lợi nhuận đang chảy vào túi các doanh nghiệp, để mặc cộng đồng dân chúng địa phương gánh chịu thiệt thòi.
Bên cạnh đó, cách quản lý, điều hành công việc khai khoáng chính là nguyên nhân khiến khai khoáng giống như hủy diệt. Luật Khoáng sản năm 2005 cho phép các tỉnh, thành phố được cấp giấy phép khai thác các mỏ có quy mô nhỏ, không nằm trong quy hoạch của chính phủ. Vì vậy, số giấy phép khai khoáng đã tăng vọt.
Trên giấy tờ, khai khoáng đóng góp khoảng 9% tổng GDP nhưng PAN khẳng định, các tổn thất trong quá trình khai thác khoáng sản lớn hơn thế nhiều lần.
Cũng theo PAN, khi xin giấy phép khai khoáng, các doanh nghiệp luôn khẳng định sẽ giải quyết việc làm cho dân địa phương nhưng kết quả khảo sát cho thấy, rất ít mỏ dùng lao động địa phương. Công nhân các mỏ chỉ được trả lương rất thấp. không có bảo hiểm và chịu nhiều rủi ro từ môi trường lao động thiếu an toàn.
Điểm đáng chú ý là đa số dân chúng sống quanh các mỏ không được thông báo về dự án khai khoáng, các tác động cũng như các hoạt động mở rộng sản xuất. Thậm chí lãnh đạo xã, phường cũng không có thông tin về việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, dù theo quy định hiện hành, quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường phải lấy ý kiến cộng đồng bị ảnh hưởng và phải có sự đồng thuận của họ. Cũng theo các quy định hiện hành, hàng năm, nhà cầm quyền các tỉnh và thành phố phải xây dựng khung giá đất để có căn cứ cho việc đền bù, giải tỏa. Tuy nhiên, theo PAN, kết quả khảo sát cho thấy, khung giá đất (đặc biệt là đất nông lâm nghiệp) thường thiếu cơ sở và xa rời thực tế. Giá một mét vuông đất canh tác tại nhiều địa phương thấp hơn giá của… một ký gạo chất lượng trung bình tại cùng thời điểm nhưng người dân vẫn phải chấp nhận, nếu không sẽ bị cưỡng chế.

Luật sư Dương Hà tố cáo cán bộ trại giam Thanh Hóa cố ý hãm hại Cù Huy Hà Vũ
Trong lá đơn đề ngày 27/05/2013, luật sư Nguyễn Thị Dương Hà tố cáo cán bộ trại giam số 5 của Bộ Công an tại Thanh Hóa cố ý giết chồng của bà.
Bị giam cầm trong điều kiện khắc nghiệt, thiếu tiện nghi tối thiểu, sức khỏe của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ suy sụp.
Luật sư Dương Hà cho biết :
“Cuộc sống của anh Vũ thì cũng như các tù nhân khác thôi, rất là khó khăn. Tuy nhiên trại giam Thanh Hóa ở giữa những núi đá nóng như thế, mà có một cái quạt suốt từ mùa hè năm ngoái đến giờ vẫn hỏng … Cũng do điều kiện ăn ở khó khăn và cực kỳ nóng bức như thế , huyết áp của anh Vũ lên cao và tối ngày 12/05/2013 thì anh bị đau tim dữ dội, và chiều ngày 13 thì anh ấy mệt quá ngã vật ra. Người cùng phòng phải gào lên gọi bác sĩ tiêm thuốc trợ tim…
Bà đại sứ Đức tại Việt Nam có gửi cho chồng tôi hai quyển sách từ tháng Hai mà cho đến hôm qua vẫn chưa nhận được… Từ Tết đến giờ những tấm “các”, nhiều chục cái mà chồng tôi gửi về đều không được (trại giam) gửi ra.. Cũng vì những sự bất công ấy là anh Vũ đã quyết định là ngày hôm nay anh ấy sẽ tuyệt thực phản đối…”
Vụ án Cù Huy Hà Vũ bị quốc tế lên án là ngụy tạo: từ hai bao cao su được gọi là “ tang vật” lúc đầu,chính quyền Việt Nam kết buộc tiến sĩ luật đào tạo tại Pháp tội danh “âm mưu tuyên truyền chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa” với bản án 10 năm tù giam và quản chế.

Đất thu hồi bị bỏ hoang, trong khi nông dân thiếu đất sinh kế
Trong báo cáo trước Quốc hội về tình hình sử dụng đất trên cả nước, chế độ Hà Nội vừa thừa nhận thực trạng thu hồi đất tràn lan để xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị, sân gôn rồi bỏ hoang trong khi nông dân không có đất, mất sinh kế.
Theo báo cáo vừa kể, tính đến cuối năm ngoái, Việt Nam chỉ còn 26.4 triệu héc ta đất nông nghiệp, chiếm khoảng 80.6% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó đất trồng lúa chỉ còn 4 triệu héc ta. Ở nhóm đất phi nông nghiệp, riêng các khu công nghiệp đã chiếm 0.2% tổng diện tích đất tự nhiên, với 90,728 héc ta. Báo cáo về tình hình sử dụng đất ghi nhận, tuy nhiều khu công nghiệp đã được quy hoạch đang bỏ hoang, song nhiều nhà đầu tư vẫn xin đất để mở thêm các khu công nghiệp khác.
Cũng theo nhà cầm quyền Hà Nội, việc dễ dãi chấp thuận các dự án đầu tư, xây dựng các khu kinh tế, khu đô thị, khu liên hợp nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ đã dẫn đến tình trạng đất đai bị bao chiếm, đầu tư hạ tầng tốn kém, dàn trải nhưng khả năng thu hút đầu tư thấp. Nhiều địa phương đã lạm dụng quy hoạch, sử dụng đất trồng lúa để xây dựng các khu công nghiệp dẫn đến tình trạng nông dân thiếu đất, mất sinh kế. Dù “Báo cáo tình hình sử dụng đất” của chính phủ CSVN có nhìn nhận một số điểm bất hợp lý trong quản lý – sử dụng đất đai . Nhưng nhà cầm quyền CSVN không cho biết sẽ giải quyết ra sao những kẻ phê duyệt các kế hoạch thu hồi đất để thực hiện những dự án đầu tư, xây dựng các “khu kinh tế, khu công nghiệp, khu liên hợp nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ, khu đô thị” rồi bỏ hoang, khiến tình hình khiếu nại, tố cáo càng ngày càng “có chiều hướng diễn biến phức tạp”.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here