Thường thì quốc gia đầu tiên mà tân Thủ tướng Nhật chọn để công du là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách ngoại giao của tân chính quyền Nhật. Đầu tiên tân Thủ tướng Abe muốn công du Hoa Kỳ vào tháng giêng này, nhưng vì vào ngày 21/01/2013 sắp đến là ngày lễ nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ hai nên lịch trình làm việc của ông Obama đầy ắp không điều chỉnh được phải dời qua tháng 2.
Tại sao chuyến công du đầu tiên của tân Thủ tướng Nhật là Vietnam, Thailand và Indonesia
Mở đầu cho tiết mục Từ Á Sang Âu tuần này là đề tài nói đến tại sao ông Abe, tân Thủ tướng Nhật, chọn ba quốc gia Việt,Thái và Indonesia để thăm viếng trước khi bắt đầu nhiệm kỳ mới của mình.
Thường thì quốc gia đầu tiên mà tân Thủ tướng Nhật chọn để công du là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách ngoại giao của tân chính quyền Nhật. Đầu tiên tân Thủ tướng Abe muốn công du Hoa Kỳ vào tháng giêng này, nhưng vì vào ngày 21/01/2013 sắp đến là ngày lễ nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ hai nên lịch trình làm việc của ông Obama đầy ắp không điều chỉnh được phải dời qua tháng 2. Nghẹt một nổi là hạ tuần tháng giêng này, Quốc hội Nhật nhóm họp khóa thường niên nên tân Thủ tướng Abe cần phải có một chuyến công du để khởi đầu công việc ngoại giao của mình. Ông Abe không thể chọn Trung quốc làm chuyến thăm viếng đầu tiên của mình được vì tình hình ngoại giao giữa hai nước này đang căng thẳng bởi Bắc Kinh muốn xâm chiếm quần đảo Senkaku của Nhật, qua việc cho tàu bè thường xuyên xâm phạm lãnh hải Nhật. Sang thăm Hàn quốc vào thời điểm này cũng không được vì tình hình tranh chấp hòn đảo nhỏ Liang Court, tiếng Nhật gọi là Takeshima (Trúc đảo) còn tiếng Hàn gọi là Dokdo (Độc đảo) vẫn đang căng thẳng.
Chọn ba nước Việt Nam, Thái Lan và Indonesia vừa ổn vừa có thể viện trợ kinh tế để tạo thế liên minh nhằm duy trì ổn định tình hình ở biển Hoa Đông và biển Đông, không để cho Trung quốc muốn làm gì thì làm. Trước khi lên đường, Thủ tướng Abe tuyên bố rõ rằng Nhật Bản chỉ muốn đẩy mạnh ban giao với quốc gia nào tôn trọng tự do, dân chủ và nhân quyền. Ông Abe tuyên bố như thế cũng đúng thôi vì bản thân ông Abe là người tích cực ủng hộ việc đòi nhân quyền cho người dân Tây Tạng, hơn nữa lời tuyên bố đó phù hợp với chính sách ngoại giao của Nhật cho dù là các chính phủ trước đây của quốc gia luôn coi việc trao đổi mậu dịch là hàng đầu chứ ít khi lên tiếng chỉ trích sự vi phạm nhân quyền của những chế độ độc tài.
Tối ngày 16/01, tại Hà Nội, ông Abe đã có một cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của chính quyền CSVN. Trong cuộc hội đàm này Thủ tướng Abe đã hứa sẽ cho Việt Nam vay 500 triệu mỹ kim theo vốn ưu đãi để phát triển hạ tầng cơ sở nhằm phát triển kinh tế.
Khi tin này được loan báo rộng rãi thì trong các đài truyền hình Nhật trong mục bình luận đã nêu lên một thắc mắc như sau: Trước khi lên đường, Thủ tướng Abe đã tuyên bố rằng chỉ muốn đẩy mạnh ban giao với quốc gia nào tôn trọng tự do. dân chủ và nhân quyền, nhưng Việt Nam hiện nay là một quốc gia có nhiều vi phạm nhân quyền đứng hàng đầu thế giới, vậy lời nói của ông Abe có đi đôi với việc làm của ông ta không?
Các tổ chức Nhân quyền ở Nhật thì nói rõ hơn về chuyện chính quyền Hà Nội bắt người tùy tiện, rồi kết án họ thật nặng chỉ vì những người đó không cùng một quan điểm với chính quyền như trường hợp của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, nhà báo tự do Nguễn Văn Hải (Điếu Cày), Tạ Phong Tần…. và chỉ mới đây thôi, trong tháng giêng này chính quyền CSVN đã xử 17 thanh niên Việt Nam bằng một bản án có trước rất nặng.
Trước những chỉ trích đó, giới chức Nhật tìm cách giải đáp như sau: Hứa cho vay là một chuyện mà giải ngân hay không còn tùy thuộc vào việc cãi thiện tình trạng nhân quyền của chính quyền Việt Nam.
Sóng gió đầu năm trong làng báo Trung quốc.
Để kết thúc tiết mục Từ Á Sang Âu tuần này là đề tài nói đến việc lính Trung quốc được lịnh tập trận để chuẩn bị chiến tranh xâm lược biển đảo các quốc gia trong vùng.
Mới vào đầu năm Dương lịch, chính quyền Bắc Kinh đã khai pháo bằng một hội nghị Công tác hải dương toàn quốc cho năm 2013 với chủ trương sắt đá là phải đấu tranh quyết liệt hơn để duy trì chủ quyền biển đảo. Phải chiến đấu can đảm hơn để đòi lại quần đảo Điếu Ngư / Senkaku. Về phần biển Đông thì phải bằng mọi cách bẻ gảy lập luận của một vài nước trong vùng còn chủ trương chúng ta, tức là Trung quốc, vi phạm biển đảo của họ.
Ngày 14/01/2013, nghĩa là sau hội nghị này 4 ngày, người ta thấy tờ Giải phóng quân Trung quốc loan tin cho hay Bộ Tổng tham mưu Nhân dân Giải phóng quân Trung quốc vừa mới ra lịnh cho cho toàn quân của họ hay rằng nhiệm vụ trong năm 2013 của chúng ta là chuẩn bị chiến tranh với Nhật. Qua ngày hôm sau, đài truyền hình Trung ương Trung quốc (CCTV) cũng như một số đài khác đã đặc biệt cho phát hình liên tục trong mấy ngày về một cuộc chiến tranh với Nhật theo sự tưởng định của Trung quốc.
Theo các chuyên gia quan sát quân sự thì do việc tàu bè Trung quốc phải rút lui khi bị lực lượng tuần duyên và không quân Nhật rượt đuổi tại vùng quần đảo Senkaku nên những người lãnh đạo ở Trung Nam Hải nghĩ rằng thế nào cũng cóngày đụng độ với quân Nhật ở đó, nên vào tháng 11 năm ngoái đã chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu ra lịnh bắt toàn quân phải tập trận bắn trong điều kiện hết sức khắt nghiệt như đánh trận thật. Cũng theo các chuyên gia quan sát này thì sau cuộc chiến với Việt Nam vào năm 1979, đến nay lính Trung quốc hầu như chưa bao giờ ra trận nên đây cũng là một dịp để bắt lính tập trận, hơn nữa lính Trung quốc đều là con một, được cha mẹ chìu chuộng từ nhỏ nên bướng bỉnh và chịu khổ dỡ cần phải tập luyện. Về phim Chiến tranh Senkaku mà nhiều đài truyền hình ở Trung quốc vừa mới cho chiếu có sự diễn xuất của ông Thiếu tướng La Viện, Phó Bí thư Viện Khoa học quân sự Trung quốc và ông Thiếu tướng Duẫn Trác, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Hải quân Trung quốc. Cuốn phim này khi làm thì chỉ có trong nội bộ biết mà thôi, tuyệt đối dấu kín không cho các đồng chí học giả muốn giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao, bằng hòa đàm biết. Trong thời gian gần đây, tại Trung quốc trong các buổi hội thảo liên quan đến vấn đề quần đảo Điếu Ngư / Senkaku giữa các giới chức trong đảng và nhà nước, vấn đề đưa ra tranh luận để chứng minh quần đảo đó thuộc về chủ quyền của mình không dựa trên tài liệu lịch sử, trên lý luận mà là dựa trên sức mạnh quân sự.
Người thì cho rằng phải giải quyết bằng một cuộc xung đột quân sự quy ước, kẻ thì chủ trương một cuộc chiến tranh toàn diện. Người chủ trương cần có một cuộc chiến tranh nhỏ để giải quyết được cho là phe bồ câu, còn phe muốn chiến tranh toàn diện thì mới gọi là phe diều hâu, những học giả khuyên cần phải giải quyết bằng ngoại giao, bằng hòa đàm thì bị gọi là những kẻ nhút nhát. Nói chung cánh quân đội lấn lướt hơn cả trong vấn đề tranh chấp với Nhật về quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku.
Theo các bình luận gia về vấn đề chính trị Trung quốc thì ông Tập Cận Bình ngay từ đầu đã không có sự ủng hộ mạnh của cánh quân đội nên bây giờ phải lấy lòng qua việc thỏa hiệp để cho các tướng lãnh chủ động trong việc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư / Senkaku với Nhật, trong việc khống chế biển Đông bằng sức mạnh quân sự. Quốc gia nào nhượng bộ chắc chắn Trung quốc sẽ lấn tới.
Trước các diễn tiến đó, Tokyo một mặt tăng cường phòng vệ, một mặt lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh ngưng ngay những hành động xâm phạm lãnh hải, lãnh đảo của Nhật và các nước trong vùng biển Đông. Manila ngoài việc yêu cầu Washington tích cực hơn nữa trong hiệp ước bảo an với Philippines, còn mời tân Ngoại trưởng Nhật sang để yêu cầu hiệp tác trong việc diễn tập cứu người trên biển và tăng cường năng lực cho lực lượng tuần duyên của Philippines. Hai bên đã thõa thuận tốt đẹp với nhau qua việc Nhật hứa sẽ viện trợ 10 tàu tuần duyên trị giá 18 tỷ yen. Một câu hỏi đặt ra là tại sao Nhật Bản và Philippines tìm đủ mọi cách để bảo vệ biển đảo, quyết không cho Trung quốc xâm lược thì chính quyền Hà Nội vẫn im tiếng trước mọi động thái vừa rồi của Trung quốc. Chẳng lẽ không làm gì cả sẽ được Trung quốc tha không xâm lược?, chẳng bao giờ có chuyện này. Hay là tố cáo Bắc Kinh cướp đất, cướp đảo thì sợ bị mất Đảng, mất quyền lực cai trị. Không lý Việt Nam đến thời mạt vận rồi hay sao mà để cho những kẻ cầm quyền bán nước như thế.
Đến đây đã chấm dứt chương trình Từ Á Sang Âu, Nguyễn Khanh và Nam Phương xin kính chào tạm biệt và kính mời quý thính giả nhớđón nghe chương trình này vào tuần sau cũng vào giờ này trên làn sóng trung bình 1503 kí lô chu kỳ của đài Chân Trời Mới.