Có những thứ thuộc về định mệnh, mặc dù không có điểm chung nhưng lại rất chung, từ số phận vùng miền cho đến số phận lịch sử và cả những đường chạy thiên tai, nhân họa, dường như giữa Phi Luật Tân và miền Trung Việt Nam đều có gì đó tương đồng, tương cảm, khó nói. Nhất là trong lúc này, khi trận bão Goni tràn vào đất Phi, càn quét và tiếp tục dày xéo, quật ngã những gì còn sót lại sau bão Molave, có lẽ, câu chuyện giữa người phi và người miền Trung Việt Nam lại bị đánh thức bởi một điều gì đó sâu xa mà cũng rất gần.
Từ chuyện Phi Luật Tân là một trong năm quốc gia tham chiến tại Việt Nam với vai trò là đồng minh của Hoa Kỳ, trợ lực cho Việt Nam Cộng Hòa trong công cuộc chống Cộng sản phía Bắc, nếu xét về quá trình tham chiến, quân đội Phi gần như không để lại vết máu nào trên đất Việt, trên thân thể dân tộc Việt. Đại Hàn, Mỹ, Newzealand, Úc, Thái Lan đều có dấu ấn lớn nhỏ khi tham chiến. Thế nhưng, quân đội Phi tham chiến và đóng căn cứ ở miền Trung mà không hề gây thù chuốc oán với người miền Trung, không có cuộc tàn sát làng mạc để tìm Cộng sản như quân đội các nước còn lại. Nếu họa hoằn lắm thì có quân đội Úc cũng hơi giống quân đội Phi, không để lại tội ác chiến tranh.
Nhưng không ít thì nhiều, nếu Đại Hàn để lại hàng loạt các vết thù, Mỹ cũng để lại một Mỹ Lai đau đớn, Newzealand khét tiếng với những chuyến càn quét đồng bằng sông Cửu Long, Úc mạnh mẽ, can trường và có phần sắt máu trên chiến trường miền Nam, Thái Lan nổi tiếng với bùa chú, dùng rắn độc để loại trừ đặc công Cộng sản… Thì, ngoại trừ Phi Luật Tân, họ sang Việt Nam chỉ để đóng căn cứ, tuần tra, có giao tranh thì nổ súng, mà cũng không rõ họ bắn được bao nhiêu mục tiêu. Nhưng chắc chắn là họ không để lại những vết đau như các nước còn lại.
Và sau 1975, họ, những người Phi Luật Tân tốt bụng đã che chở, đón nhận, san sẻ và cưu mang hàng triệu thuyền nhân Việt, họ không cướp và giết người Việt lênh đênh trên biển như người Thái Lan, họ không rẻ rúng, coi thường người Việt, họ đã hết mực ân cần, chia sẻ và tạo cho hàng triệu người Việt cơ hội sống sót, tồn tại để đi đến bến bờ tự do. Đây là ơn đức vô cùng lớn mà không chỉ một lần người Phi dành cho người Việt.
Buồn ở chỗ, cứ mỗi lần bão hình thành trên Đại Tây Dương, thì miền Trung Phi Luật Tân và miền Trung Việt Nam phải hứng trọn. Trong đó, hứng nặng nề nhất phải nói tới miền Trung Phi Luật Tân, bão qua đây quần thảo rồi giảm cường độ trước khi tiến vào Thái Binh Dương, vào Việt Nam. Dường như đường đi của bão cũng là đường đi số phận của hai khúc ruột hai đất nước cách xa nhau gần một đại dương. Và mỗi khi có thiên tai, miền Trung Phi Luật Tân khóc trước, hai, ba ngày sau, miền Trung Việt Nam rớt nước mắt, chưa có lần nào khác lần nào, có chăng là cấp độ nặng, nhẹ khác nhau.
Năm nay, trận Molave vào cuốn đi không ít tài sản, nhân mạng của Phi Luật Tân thì sau đó hai ngày, nó tiến vào miền Trung Việt Nam cuốn đi nhiều tài sản của người dân Quảng Ngãi và để lại hàng loạt tang thương ở Trà Leng, Trà My, Quảng Nam. Đương nhiên những cái chết ở Tây Quảng Nam, Việt Nam không chỉ đơn thuần do bão gây ra, cũng như không ít cái chết ở Phi Luật tân không chỉ đơn thuần do bão gây ra mà trong đó có cả vấn đề tham nhũng, khai thác tài nguyên bất cập và cả vấn đề tệ nạn xã hội khiến cho sức lao động chính gần như kiệt quệ, thay vào đó là những gia đình tạm bợ, lây lất, bão đến và quét đi một cách dễ dàng. Tại Trà My, Quảng Nam, Việt Nam, câu chuyện đau lòng Trà Leng cũng không chỉ đơn giản là bão tạo mưa nhiều, sạt lở núi mà vấn đề thủy điện, khai thác rừng mới là câu chuyện đáng nói.
Bởi ai từng đến Trà My, đến Nam Trà My, đến thủy điện Sông Tranh 2, từng gặp những người K.Dong trong khu tái định cư mới hiểu được đời sống khổ nạn và đau thương của họ. Sự khổ nạn này, xin nhấn mạnh, không phải do chính phủ hay chế độ gây ra mà do sự sơ xuất và thỏa hiệp của chế độ trước những chính sách có tính bịp bợm của thủy điện, của các nhóm lợi ích gây ra. Nói một cách nghiêm túc thì hầu hết những người dân đã di dời, tái định cư để nhường đất cho thủy điện Sông Tranh 2 đều sống và chết với tư cách chủ nợ chưa được thanh khoản toàn vẹn. Nghĩa là sao?
Nghĩa là khi thu hồi đền bù đất nhà, đất rừng, những gia đình có nhà ngay khu vực qui hoạch được lên đơn giá đền bù từ 400 triệu đồng đến 700 triệu đồng (giá trị lúc đó tương đương với chừng 2 tỉ đồng bây giờ). Người dân vui vẻ ký nhận đền bù. Thế nhưng tiền đền bù không được trả đủ và bị chia năm xẻ bảy, trong đó, một phần lớn là 70% tiền đền bù bị qui ra nhà, nghĩa là người ta xây dựng khu nhà tái định cư và trừ 70% tiền đền bù của dân vào đó. Những căn nhà tái định cư nhìn bề ngoài bóng bẩy nhưng bên trong trống hoác, cửa bằng gỗ tạp và xây dựng cẩu thả chưa bao giờ giúp người dân K.Dong sống yên ổn. Bởi sau khi nhận nhà thì liên tục động đất, nhà tái định cư bị nứt tường, có nhà đổ ngói, xiêu vách… Người dân phải che tạm bợ những cái chòi bằng tre nứa ven rừng để đề phòng động đất. Trẻ em K.Dong kể từ khi có thủy điện Sông Tranh 2 đến nay chưa bao giờ ngủ ngon giấc và không thiếu những đứa trẻ bị trầm cảm do liên tục bị đánh thức, hốt hoảng mỗi khi động đất.
Và để xoa dịu tình hình, thủy điện Sông Tranh 2 trích thêm vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng cho mỗi gia đình. Xin nhấn mạnh là số tiền trích này không phải tiền cho hay hỗ trợ mà là tiền đền bù rừng và đất đai mà thủy điện còn nợ người dân 30%. Nghĩa là 70% qui ra nhà (không ở được), 30% trả rỉ rả mà nói như một người dân ở đây là dứ dứ như câu cá vậy. Mãi cho đến ngày hôm nay, nghĩa là sau 14 năm (2006 – 2020), vật giá leo thang, mọi thứ thay đổi, tiền đền bù đất rừng và đất nông nghiệp, kể cả tiền đền bù đất ở của người dân vẫn chưa được thủy điện Sông Tranh 2 trả đầy đủ. Và gia đình nào may mắn được trả đủ thì khi xét đền bù có thể mua được cái ti vi, đến khi nhận đền bù may lắm mua được vài bát phở.
Đời sống khu tái định cư bấp bênh, cả đất rừng và đất ruộng đều không còn để canh tác. Để tồn tại và để đổi đời, nhiều cô gái trong khu tái định cư phải trôi dạt về Tam Kỳ làm các dịch vụ massage, hớt tóc thanh nữ, gội đầu, tiếp thị… nhiều cô buộc lòng phải bỏ chồng để xuôi về thành phố kiếm tiền cứu gia đình, nhiều cô lỡ mang bầu sinh con, gửi con cho cha mẹ và kiếm tiền ở thành phố gởi về gia đình nhờ cha mẹ nuôi con… Thảm cảnh của các gia đình K.Dong sau khi thủy điện Sông Tranh 2 xuất hiện là một tương lai mù mịt, vừa đánh mất bản năng gốc, đánh mất văn hóa nguồn cội, bản sắc tộc người, vừa phải lao đầu như thiêu thân để đảm bảo tương lai không bị quên lãng, không bị rơi xuống đáy vực.
Và khi nghe tin làng Trà Leng bị đất đá vùi dập, tự dưng tôi ứa nước mắt nhớ đến hình ảnh những con lợn sề của người dân nơi đây đã chắt chiu nuôi cả năm dài để kiếm tiền ăn Tết, nhớ đến những căn nhà bê tông bị bỏ hoang, nhớ đến những láng trại tạm bợ mà người dân tự cất để sống qua ngày đoạn tháng, nhớ đến những bữa ăn toàn rau rừng, mắm cáy loãng và một ít cá khô… Và nhớ đến những thân phận, những cuộc đời của nhiều cô gái, nếu may mắn có nhan sắc thì xuống thành phố làm nghề massage, gội đầu, tiếp thị, nếu không may mắn thì suốt đời quanh quẩn với rừng, đi lột vỏ keo lá tràm thuê cho các ông chủ mới ngay trên cánh rừng cũ của mình.
Có thể nói rằng dường như người miền Trung chưa bao giờ nguôi đau khổ. Và cũng có thể nói rằng, những người lính Phi từng tham chiến tại chiến trường Việt Nam, từng thở dài nhìn Trường Sơn bị rải vũ khí hóa học của Mỹ, từng chua xót cho người dân một nước xa lạ không hề gây thù chuốc oán với họ… Nếu họ còn sống, họ sẽ rất bất ngờ và đau buồn nhận ra rằng thời chiến tranh, mặc dù Mỹ đã rải thảm vũ khí hóa học trên dãy Trường Sơn nhưng rừng vẫn cứ xanh um và những người không may mắn bị dính chất độc da cam cũng được đền bù, được xoa dịu nỗi đau. Còn bây giờ, thời bình, những trái bom nước thủy điện nhân danh sự phồn thịnh của Việt Nam nhanh chóng xóa sổ rừng già và thay vào đó là những cánh rừng mới trồng, phục vụ cho mục đích kinh tế của những kẻ nắm quyền bính và tan thương của nó gây ra được xem như một sự rủi ro, chẳng có nạn nhân nào được an ủi hay đền bù!
Nói cho cùng, thiên tai đi qua Phi Luật Tân, đi qua Việt Nam có thể giúp cho con người nắm tay nhau mà đứng dậy. Nhưng lòng tham, sự dối trá của một số kẻ quyền bính nhanh chóng đạp đồng loại xuống bùn đen, chết trong bùn than theo đúng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen của nó!