(Tokyo) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch – HRW) phát biểu rằng chính phủ Nhật Bản cần ngay lập tức hủy bỏ các kế hoạch cung cấp hỗ trợ tài chính cho Bộ Công an Việt Nam, vốn phải chịu trách nhiệm về nhiều vi phạm nhân quyền nghiêm trọng từ lâu nay.
Ngày 19 tháng Mười, 2020, Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố gói tài trợ 300 triệu yên (tương đương 2,84 triệu đô la Mỹ) cho Bộ Công an Việt Nam mua các trang thiết bị không nêu cụ thể nhằm mục đích “chống khủng bố” và “giữ gìn trật tự công cộng.” Bộ Ngoại giao Nhật tuyên bố rằng gói tài trợ sẽ “góp phần” làm “tăng cường các biện pháp chống khủng bố và giữ gìn trật tự công cộng” để “ổn định xã hội” Việt Nam.
“Chính phủ Nhật Bản không nên chi một yên nào cho Bộ Công an Việt Nam, vốn là một đối tượng vi phạm nhân quyền nhiều tai tiếng với chuỗi hồ sơ dày về tra tấn các nghi can hình sự cũng như các nhà bảo vệ nhân quyền,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Cung cấp thiết bị cho Việt Nam dưới vỏ bọc chống khủng bố và bảo vệ trật tự công cộng sẽ chỉ khiến công an Việt Nam dễ dàng đàn áp những người biểu tình ôn hòa một cách khốc liệt hơn.”
Trong vài thập niên gần đây, lực lượng công an Việt Nam, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, đã đánh đập, tra tấn hay ngược đãi không biết bao nhiêu người trong khi bị giam giữ mà gần như được miễn hoàn toàn trách nhiệm. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã ghi nhận việc tra tấn một cách có hệ thống đối với các nghi can hình sự trong báo cáo công bố năm 2014 “Công bất an: Những vụ tử vong khi bị tạm giam, giữ và vấn nạn công an bạo hành ở Việt Nam.”
Tháng Chín năm nay, Trần Văn Quỳnh, 40 tuổi, tố cáo rằng anh bị ba công an xã Na Mao thuộc tỉnh Thái Nguyên bắt giữ không có lý do và đánh đập gây trọng thương. Anh phải nhập viện vài ngày sau đó và bị chẩn đoán thủng ruột. Được biết hai trong số ba người công an đã đến thăm anh ở bệnh viện và hứa chi trả các chi phí y tế, nhưng nhà cầm quyền chưa tiến hành điều tra vụ việc.
Tháng Mười Một năm 2019, Đặng Thanh Tùng, 26 tuổi, chết trong khi bị giam giữ ở tỉnh Hà Nam. Công an bắt anh từ tháng Chín vì tình nghi tham gia môi giới mại dâm đối với người vị thành niên. Công an công bố anh chết vì bệnh nhưng vợ anh, Nguyễn Thị Lan, kể với một phóng viên rằng chị nhìn thấy nhiều vết bầm trên cơ thể anh. Chị cho biết có nhiều vết bầm trên ngực, lưng, tay, chân, đùi và mông và nói rằng miệng anh bị sưng vù và chảy máu. Chị cũng kể rằng công an cố ngăn cản chị quay hình các vết bầm.
Công an Việt Nam cũng tham gia đàn áp các quyền tự do cơ bản như quyền tự do biểu đạt và nhóm họp bằng các biện pháp đe dọa và bắt giữ nhân danh chống khủng bố. Tháng Giêng năm 2019, công an bắt giữ một công dân Australia, Châu Văn Khảm, với các cáo buộc ngụy tạo về “khủng bố” vì có liên quan tới và tham gia các hành vi ôn hòa với Việt Tân, một đảng chính trị đối lập, hoạt động hợp pháp ở nhiều quốc gia, nhưng bị chính quyền Hà Nội tùy tiện gắn mác “khủng bố.” Tháng Mười Một năm 2019, một tòa án ở Việt Nam kết luận ông Châu có tội và kết án ông 12 năm tù. Ông là một trong số hơn 130 tù nhân chính trị ở Việt Nam, bị giam giữ chỉ vì thực hành các quyền cơ bản một cách ôn hòa.
Trả lời câu hỏi của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về các loại trang thiết bị nào sẽ được mua bằng tiền tài trợ của Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Nhật nói rằng việc đó sẽ được quyết định cùng với chính quyền Việt Nam trong quá trình triển khai.
Trong các dịp cả công khai lẫn riêng tư, Nhật Bản cần kêu gọi chính quyền Việt Nam tiến hành cải tổ sâu rộng Bộ Công an Việt Nam, thay vì tài trợ cho bộ này. Trong số các cải cách đó phải có việc thành lập một ủy ban khiếu tố độc lập để tiếp nhận khiếu tố của người dân và giám sát các cơ quan thanh tra nội bộ cũng như các đơn vị bảo đảm trách nhiệm nghề nghiệp của ngành công an.
Bộ Công an cũng cần sửa đổi các quy định và hướng dẫn nghiệp vụ về sử dụng vũ lực cho phù hợp với các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế, trong đó có Quy ước Đạo đức của Liên Hiệp Quốc đối với Viên chức Thực thi Pháp luật, và Các nguyên tắc Cơ bản của Liên Hiệp Quốc về Sử dụng Vũ lực, Vũ khí của Viên chức Thực thi Pháp luật, và cần cho phép các nhóm xã hội dân sự độc lập giám sát độc lập các cơ sở tạm giam, tạm giữ, bao gồm các phòng tạm giữ tại đồn công an và trại tạm giam, cũng như bảo đảm cho các nghi can được tiếp cận nguồn trợ giúp pháp lý ngay lập tức sau khi bị bắt.
“Những người đóng thuế cho chính phủ Nhật Bản cần yêu cầu chính phủ mình đề cao các nguyên tắc nhân quyền trong các chương trình tài trợ nước ngoài, bắt đầu bằng việc hủy bỏ gói tài trợ này cho cơ quan cấp bộ vi phạm nhân quyền nặng nề nhất của Việt Nam,” ông Robertson nói. “Các nhà lãnh đạo Nhật Bản cần sử dụng vị thế đáng kể của mình để thúc đẩy Hà Nội cải thiện và cải cách thực sự, chứ không phải làm cho tình hình nhân quyền vốn đã xấu lại càng tồi tệ hơn.”
Nguồn: HRW