Sau khi giám đốc, phó giám đốc và kế toán trưởng của Bệnh viện Bạch Mai bị khởi tố, dư luận đặc biệt quan tâm đến vấn đề xã hội hoá y tế. bản thân tôi cũng đóng góp một số bài viết về vấn đề này.
Thực ra thì tôi viết về những tiêu cực xảy ra trong quá trình xã hội hoá y tế từ khoảng hai năm nay, ngay sau khi thảm hoạ lọc thận Hoà Bình xảy ra. Tuy nhiên, những bài viết gần đây, do đăng trên các báo chính thống, nên có nhiều chỗ không nói hết được, làm một số bạn hiểu lầm, rằng tôi phản đối xã hội hoá y tế.
Xã hội hoá y tế cần được hiểu như là quá trình để cho xã hội tham gia vào việc đầu tư và cung cấp dịch vụ y tế. Với các nước theo thể chế TBCN, điều này hoàn toàn tự nhiên. Ở đó, người ta không bàn đến xã hội hoá y tế, mà bàn đến việc nhà nước can thiệp vào ngành y ở mức độ nào, nhà nước làm gì để bảo đảm an sinh xã hội về y tế… Chỉ có ở những nước theo thể chế XHCN như Việt Nam, chúng ta mới bàn đến việc tư nhân nên được tham gia như thế nào vào y tế.
Trong các bài viết, tôi cũng đã nhấn mạnh đến cách thức thực hiện xã hội hoá y tế của chúng ta là nguyên nhân gây ra những tiêu cực trong các bệnh viện công hiện nay. Tất nhiên, khi tiêu cực xảy ra ở những bệnh viện mà hệ thống phân cấp y tế xếp là tuyến đầu, thì ảnh hưởng của nó lan ra toàn ngành y tế, cả hệ thống y tế công và y tế tư.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, cho đến nay, chúng ta mới đang bàn đến cái ngọn. Có nghĩa là những tiêu cực xảy ra trong việc xã hội hoá y tế, thậm chí ngay cả việc thiết kế cách tổ chức xã hội hoá y tế, chỉ là cái ngọn của vấn đề. Cái gốc trực tiếp của vấn đề này lại nằm ở tư duy vơ vét của hệ thống lãnh đạo và quản lí của Việt nam.
Sở dĩ việc truy tố bộ sậu của bệnh viện Bạch Mai được dư luận đặc biệt quan tâm, vì nó xảy ra ở lĩnh vực rất nhạy cảm của xã hội, chứ về qui mô thì nó quá nhỏ bé so với những vụ khác. Những vụ như xây tượng đài 1.400 tỉ ở Sơn la, chiếm đất của dân ở Thủ Thiêm, như số tiền thất thoát của Đinh La Thăng, Út trọc, Vũ nhôm… lớn hơn rất nhiều. Những vụ như chi hàng tỉ đồng mua quà cho đại hội đảng cấp tỉnh, viết khẩu hiệu mỗi chữ gần 1 tỉ đồng… cho thấy tư duy vơ vét của bộ máy lãnh đạo và quản lí của chúng ta mãnh liệt như thế nào.
Là một người dân, tôi cảm thấy, trừ một số rất ít, còn lại, hầu hết các quan chức đều có tư duy vơ vét. Khi họ ngồi lên một vị trí nào đó, thì họ phải tìm mọi cách phát huy quyền lực để có thể vơ vét, càng nhiều càng tốt.
Nếu họ nắm quyền lãnh đạo và quản lí các cơ sở kinh tế, thì việc vơ vét dễ hơn, vì họ trực tiếp làm việc với tiền. Nếu lãnh đạo và quản lí giao thông, thì họ nghĩ ra các kiểu BOT, thu phí, thu giá… Nếu họ lãnh đạo và quản lí người dân, các doanh nghiệp… thì có khó hơn bọn kia đôi chút, nhưng vẫn dễ, đó là gây khó, bắt chẹt dân.
Nếu họ làm trong các cơ cấu quyền lực không trực tiếp quản lí tiền, không có cơ hội bóp nặn người dân, thì họ nghĩ ra các dự án, kiểu như tượng đài, khẩu hiệu, đại hội, hội nghị… để xà xẻo. Ở những vùng sâu, vùng xa, khả năng kinh tế của người dân kém, không có các doanh nghiệp để bóp nặn, thì họ ăn tiền cứu trợ, dẫn đến những chuyện kiểu như bò đi lạc vào nhà cán bộ xã, huyện.
Trong khi đó, y tế và giáo dục là hai lĩnh vực vừa nghèo lại vừa nhạy cảm. Tư duy vơ vét ở đây khó thực hiện hơn so với các ngành trên. Họ khó có cái gì để vơ vét, mà chỉ có thể bóp nặn nhân viên. Mà nhân viên thì đa phần là nghèo, rồi lại bị ràng buộc bởi tình thầy trò, đồng nghiệp. Những ý định bóp nặn học sinh và bệnh nhân đều bị giới hạn bởi vấn đề đạo đức.
Trong khi đấy thì ở những ngành khác, các cán bộ lãnh đạo, quản lí “ăn” đủ thứ, sống một cách đế vương, uống rượu hàng trăm triệu một chai, nhà thì hết biệt phủ nọ đến dinh thự kia. Tất nhiên, họ phải tìm cách cho “bằng chị bằng em. Khi nhà nước bắt đầu có những khoản đầu tư lớn cho y tế, giáo dục, thì cơ hội xà xẻo tăng lên. Và họ bắt đầu có điều kiện để vơ vét nhiều hơn, lớn hơn.
Với giáo dục, trong khi nhiều thầy cô vì miếng cơm manh áo, muối mặt bắt ép học sinh để dạy thêm, kiếm từng đồng bạc lẻ, thì những người có quyền chia nhau viết, in, bán sách giáo khoa, kiếm lợi tiền tỉ. Họ nghĩ ra các chiêu trò để học sinh phải mua nhiều sách, với giá ngày càng cao, không sử dụng được sách cũ… Hết cải cách, thay đổi, lại đến làm bài tập ngay vào sách.
Còn y tế, thì chủ trương xã hội hoá y tế như một cơn mưa rào xuống vùng đất đang khát nước. Về mức độ tàn nhẫn, thì việc nâng giá thiết bị, bắt người bệnh chi trả nhiều hơn hàng chục triệu đồng mỗi ca bệnh, ghê gớm hơn nhiều so với việc một bác sĩ vòi vĩnh phong bì, hay câu kết với trình dược viên kê thực phẩm chức năng. Về lợi lộc, việc kê khống giá trang thiết bị cũng mang lại mối lợi nhanh hơn, và nhiều hơn.
Tuy nhiên, xã hội hoá y tế chỉ là một điều kiện để các nhà lãnh đạo và quản lí y tế thực hiện việc vơ vét của mình. Nếu không có xã hội hoá y tế, thì họ cũng phải nghĩ ra cách này cách khác để vơ vét, vì tư duy vơ vét đã trở thành tư duy chủ đạo của những kẻ nắm quyền lãnh đạo và quản lí ở đất nước này.
Không có lí gì khi lãnh đạo và quản lí của ngành nào cũng có thể vơ vét, mà họ lại không thể. Cho nên, cái gốc của các tiêu cực trong ngành y, trong đó có cả các tiêu cực xung quanh vấn đề xã hội hoá y tế, là tư duy vơ vét, là sự xuống cấp về đạo đức của các lãnh đạo, quản lí.
Còn cái gốc của cái tư duy vơ vét, của sự xuống cấp về đạo đức của bọn người này là gì, thì chắc những ai có chút tư duy biện chứng sẽ biết từ đâu./.
#quanchứccsvn #thamnhũng