Đại Sứ Tây Ban Nha Ở Trung quốc Dạy Cho Bắc Kinh Bài Học Về Tam Quyền Phân Lập
Ngay sau khi tòa án Quốc gia Spain ra trát lệnh bắt 5 cựu lãnh đạo chính quyền Cộng sản Trung quốc để điều tra về tội tình nghi diệt chủng đối với dân tộc Tây Tạng là chính quyền BắcKinh lên tiếng phản đối quyết liệt về trát lệnh bắt giữ đó và cho rằng tòa án Madrid đã xen vào chuyện nội bộ, muốn làm nhục Trung quốc, tòa án đã phán quyết dựa vào những tin đồn, những vu khống của người Tây Tạng ly khai muốn phân hóa đất nước và tình đoàn kết dân tộc Trung quốc. Trong khi chính quyền Bắc Kinh gay gắt phản đối như vậy thì Đại sứ Trung quốc ở Madrid (thủ đô Spain) từ chối trả lời các câu hỏi của ký giả và không bình luận gì cả về chuyện này.
Ngày 22 tháng 11 vừa qua, bộ Ngoại giao Trung quốc đã gọi Đại sứ Spain đến để phản đối và yêu cầu chính phủ Spain phải ra lệnh cho tòa án Quốc gia ở Madrid hủy bỏ đi trát lệnh đó, nếu không thì sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đại sứ Spain đã trả lời rằng chính phủ chúng tôi chẳng ai muốn tình hình bang giao với Trung quốc bị căng thẳng, nhưng Spain là một quốc gia tự do, dân chủ với tam quyền phân lập rõ ràng nên chính quyền tức là phía Hành chánh không có quyền can thiệp vào những phán quyết của tòa án thuộc phía Tư pháp. Chúng tôi sẽ chuyển tất cả các kháng nghị của nhà nước Trung quốc đến chính phủ Spain, nhưng cũng đừng hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề.
Thưa quý thính giả, vào năm 2006, nhiều người tị nạn Tây Tạng và các đoàn thể Nhân quyền ở Spain đã nạp đơn lên tòa án Quốc gia Spain truy tố 5 cựu lãnh đạo Trung quốc về tội diệt chủng gồm cựu Chủ tịch Trung quốc là ông Giang Trạch Dân, cựu Thủ tướng Lý Bằng, cựu Giám đốc Công an, cựu Bộ trưởng kế hoạch và cựu Bí thư đảng ủy ở Tây Tạng. Lúc đầu, nhiều người nghĩ rằng tòa án sẽ không thụ lý hồ sơ mà có nhận đơn kiện cũng khó mà xử vì những người bị tố cáo đó ở Trung quốc, giang sơn của những kẻ độc tài làm sao bắt ra tòa để xử. Chuyện kiện tụng chỉ cốt tố cáo hành động diệt chủng của các cựu lãnh đạo Trung quốc mà thôi. Nhưng vì chứng cứ quá rõ ràng nên tòa án Quốc gia Spain đồng ý thụ lý hồ sơ và sau mấy năm trời cứu xét kỹ lưỡng đã ra trát bắt như vừa nói ở trên. Cũng tòa án này trước đây đã ra trát lệnh bắt cựu Tổng thống chính quyền quân phiệt Chili là ông Pinochet để xét xử về tội đàn áp, tra tấn…, năm 1998, khi biết tin cựu Tổng thống Pinochet đang chữa bịnh ở London, tòa án Quốc gia Spain đã yêu cầu chính phủ Anh dẫn độ Pinochet sang Spain để đem ra tòa xét xử. Chính phủ Anh từ chối với lý do là sức khỏe ông Pinochet quá yếu không thể ra hầu tòa được.
Theo các tổ chức Nhân quyền, các tổ chức chống diệt chủng, chống tra tấn trên thế giới thì nếu 5ông Giang Trạch Dân, Lý Bằng hay các cáo phạm khác nếu xuất ngoại đến một nước nào đó có ký hiệp định với Spain về việc dẫn độ tội phạm thì tòa án quốc gia Spain có quyền yêu cầu nước đó bắt dùm, nhưng vì các cáo phạm đó nay đã già và bệnh tật nên chuyện đi ra nước ngoài của họ gần như không có, vì vậy việc họ bị bắt ra tòa khó mà thực hiện, tuy nhiên trát lệnh bắt này là một bước tiến bộ rất lớn cho công lý đối với những kẻ độc tài thống trị.
Trung quốc là một nước lớn, có nhiều quan hệ mậu dịch quan trọng với hầu hết các nước, thế nhưng những lãnh đạo nào của họ nếu phạm vào tội diệt chủng, đàn áp, tra tấn vẫn bị truy tố trước các tòa án tội phạm quốc tế. Lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam chắc chắn không có được thế mạnh như Giang Trạch Dân hay Lý Bằng nên chuyện bắt họ ra tòa với những tội phạm đó không phải là không thực hiện được, bằng chứng cụ thể, rõ ràng thì không thiếu, nhưng cần phải tập trung lại. Hiện nay đang có trang mạng tên Nó Kìa(http://clbnokia.wordpress.com), tố cáo tình trạng tham nhũng tại Việt Nam , trang mạng này thu thập nhiều bằng chứng hối lộ qua những ngôi nhà hoành tráng, những cơ sở làm ăn to lớn của gia đình lãnh đạo, của các cán bộ, quan chức nhà nước đầy đặc quyền đặc lợi, nó là hiện thân, là kết quả của những vụ tham nhũng, đục khoét ngân sách quốc gia, ăn cắp tiền viện trợ, cướp đoạt của người dân…
Cần có thêm một trang web khác nữa tố cáo tội ác của lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam từ trung ương đến địa phương về những tội đàn áp, tra tấn ..để đưa ra tòa án quốc tế. Đừng tưởng chuyện đưa các tên tội phạm trong hàng ngũ lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam ra tòa án quốc tế là không khả thi.
Hoa Kiều Ở Nhật Giao Động Về Chuyện Giáo Sư Chu Bị Bắt Ở Thượng Hải
Vào ngày 17 tháng 7 vừa qua, giáo sư Chu Kiến Vinh (56 tuổi) người Trung quốc đang giảng dạy môn Chính trị quốc tế tại đại học Toyo ở Nhật trở về nước tham dự hội nghị theo thư mời của trường đại học Thượng Hải. Vừa bước xuống phi trường là bị công an bắt ngay khiến những người trong ban tổ chức hội nghị có nhiệm vụ đi đón giáo sư Chu phải về xe không. Từ đó đến nay đã trên 4 tháng, gia đình giáo sư Chu ở Nhật chẳng hề nhận được bất cứ một tin tức nào cả về ông, sống chết như thế nào hoàn toàn không hay biết. Gia đình giáo sư Chu đã nhờ bộ Ngoại giao Nhật hỏi chính quyền Trung quốc về thông tin của giáo sư Chu.Bộ Ngoại giao Nhật đã hỏi giúp nhưng không được hồi đáp. Vì giáo sư Chu vẫn mang hộ chiếu Trung quốc nên chính phủ Nhật đành bó tay, không thể làm gì hơn được nữa để giúp gia đình giáo sư Chu.
Ngày 26 tháng 11, trên trang mạng của Hoa kiều tại Nhật, người ta thấy nhiều người Trung quốc, đặc biệt là các sinh viên, giáo sư, học giả người Trung quốc lên tiếng yêu cầu chính quyền Bắc Kinh cho biết về tình trạng hiện nay của giáo sư Chu như thế nào chứ không thể im hơi lặng tiếng mãi như thế được. Chúng tôi, tức là những Hoa Kiều, thật sự lo ngại cho trường hợp của giáo sư Chu Kiến Vinh vì trường hợp giáo sư Chu hiện nay cũng sẽ là trường hợp của chúng tôi trong tương lai, nếu như vậy thì nói thẳng chẳng ai dám trở về hoặc có trở về thì cũng trong tâm trạng bất an.
Nhờ sự lên tiếng như thế của người Hoa kiều ở Nhật nên trên trang mạng của hội nghị mà giáo sư Chu được mời tham dự có đăng mấy dòng cho biết giáo sư Chu bị sở công an tỉnh Triết Giang bắt điều tra về tội tiết lộ bí mật quốc gia. Ngày 27/11/2013, trong một cuộc họp báo định kỳ ở bộ Ngoại giao Trung quốc, khi các ký giả Nhật hỏi về trường hợp giáo sư Chu thì phát ngôn viên Hồng Lỗi chỉ đáp ngắn gọn rằng ông Chu là người Trung quốc không liên hệ gì đến Nhật Bản cả thì xin đừng xía vào. Các ký giả nước ngoài khác đâu chịu thua hỏi thêm rằng nhưng bắt người mà không thông báo gì cho gia đình người ta biết bịbắt về tội gì và tình trạng sức khỏe hiện giờ ra sao là vi phạm nhân quyền, một quốc gia mới được bầu vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc thì ít ra không làm những việc như thế. Đến đây thì phát ngôn nhân Hồng Lỗi mới cho biết ông giáo sư Chu bị bắt để điều tra về tội bí mật quốc gia.
Theo nhiều đồng hương của giáo sư Chu ở Nhật thì giáo sư Chu là người tích cực giải thích cho người Nhật hiểu thêm về bản tính người Trung quốc để mong giải tỏa những căng thẳng về ngoại giao giữa hai nước, vì không phải là con người cộng sản nên giáo sư Chu thường phát biểu rằng những phong trào bài Nhật ở Hoa lục trong những năm gần đây hầu hết là do đảng Cộng sản phát động hay đứng sau giựt dây chứ không phải tự phát. Vì là một người nghiên cứu về thể chế chính trị Trung quốc nên giáo sư Chu có nhiều tài liệu chứng minh cho những điều mình phát biểu. Trong nhiều lần thảo luận trên truyền hình Nhật Bản, giáo sư Chu cũng vạch ra những sai lầm của ông Mao Trạch Đông và chủ nghĩa Cộng sản, có lẽ vì vậy mà giáo sư Chu bị sứ quán Bắc Kinh tại Tokyo thù ghét nên báo cho chính quyền Trung quốc bắt khi giáo sư Chu bước chân xuống phi trường Thượng Hải, chứ làm gì giáo sư Chu Kiến Vinh biết được bí mật quốc gia mà tiết lộ.
Giáo sư Chu là người sinh ra và lớn lên ở Thượng Hải và cũng đã phụ giảng ở trường đại học Thượng Hải trước khi sang Nhật lấy bằng tiến sĩ nên quen biết rất nhiều giáo sư đang giảng dạy ở đây, họ cũng lo cho tình trạng của giáo sư Chu, nhưng bảo rằng nếu tích cực đứng ra vận động trả tự do cho giáo sư Chu thì sẽ bị vạ lây, chính quyền chỉ cần bảo là đồng bọn là coi như tàn đời, ở xứ cộng sản là vậy, trí thức bị kềm kẹp trong hệ thống độc tài cai trị, không còn chữ Sĩ trong giới trí thức, hèn thật, nhưng chẳng biết làm sao.