VietTuSaiGon – RFA
Câu hỏi cốt lõi của giáo dục vẫn luôn xoay quanh vấn đề dạy ai, dạy cái gì, dạy để làm gì và con người sẽ về đâu sau khi học? Bởi nếu không nắm bắt được đối tượng thụ đắc giáo dục thì việc dạy sẽ bị thiên lệch, sẽ thiếu đi triết lý giáo dục và một khi không có triết lý giáo dục nghiêm túc thì người ta sẽ không biết dạy cái gì, dạy để làm gì và hệ quả là con người sẽ trở nên méo mó, hỏng hóc sau khi thụ đắc việc giáo dục. Câu chuyện giáo dục là câu chuyện gây nhức nhối ở các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Việt Nam, một quốc gia được xem là nơi có nguồn chất xám nổi trội của khu vực, thậm chí thế giới nhưng nền giáo dục luôn trong tình trạng mất trọng tâm. Và, câu chuyện giáo dục càng phơi bày nhiều bất cập hơn trong thời đại tương tác xã hội nhanh chóng, liền mạch như hiện nay. Từ một tấm ảnh trên facebook, sau một buổi nhận thưởng, nó cho thấy bao chuyện nhức nhối!
Một nền giáo dục tốt đẹp, ở đó, con người được đặt làm trung tâm (nhân vị, nhân bản, nhân đức) và để đảm bảo giá trị con người được mỹ mãn, người ta đặt yếu tố đạo đức, nhân cách lên hàng đầu. Một khi đạo đức, nhân cách được hoàn thiện, không bị méo mó, lệch hướng, con người biết yêu thương, biết tự trọng và hiểu thấu, tôn trọng giá trị của người khác thì đó là nền tảng tốt cho tri thức phát triển. Bởi, hàm lượng tri thức càng cao bao nhiêu thì bắt buộc nhân cách phải cao tỉ lệ, chỉ có nền tảng nhân cách tốt mới có thể chắp cách cho tri thức bay bổng, tâm hồn khoáng đạt và con người không bị biến thành cổ máy thông minh. Sự thông minh, giỏi giang của con người phải được nhìn từ góc độ con người và không bao giờ được phép đánh tráo với cổ máy.
Một nền giáo dục không đặt được câu hỏi về đối tượng dạy (tức dạy ai?) thì hệ lụy của nó là người ta dễ dàng lạc đường trong dãy núi tri thức và người ta nhanh chóng nhầm lẫn giữa việc thiết đặt cổ máy tri thức với việc bồi bổ tri thức cho một con người. Và ở đó, mọi hành vi đều trở nên quái dị, thiếu tính người. Bởi ngay từ đầu, đối tượng thụ đắc giáo dục đã bị hiểu lệch lạc.
Và một khi câu hỏi Dạy Ai? Không được nhắc tới một cách nghiêm túc thì câu hỏi thứ hai Dạy Cái Gì sẽ dễ dàng bị đánh tráo. Đáng sợ là nó đánh tráo từ việc truyền thụ tri thức, bồi bổ nhân tâm cho một con người sang việc cài đặt kiến thức và ép xác cho chạy hết công năng của một cái máy. Nền giáo dục Việt Nam, dù nhìn theo hướng nào thì hiện tại, vẫn đang phạm phải vấn đề nhầm lẫn giữa dạy một con người với cài đặt cho một cái máy. Học sinh Việt Nam trở nên dữ tợn hơn, thành tích có thể cao hơn so với các năm trước, thậm chí cao hơn so với các thập kỉ trước nhưng nhân tính gần như bị triệt tiêu.
Điều này dễ dàng nhận biết bởi bạo lực nhà trường ngày càng gia tăng, thậm chí mức độ bạo lực ngày càng manh động và dữ tợn, sát máu và máu lạnh hơn so với những năm trước. Và, nếu xét kĩ hơn, không chừng những học sinh gây xôn xao cộng đồng mạng bởi hành vi bạo lực này lại là những học sinh có bảng thành tích xuất sắc. Chính một phần dựa vào thành tích, dựa vào phe nhóm, dựa vào sức mạnh quyền lực gia đình mà chúng đã kết bè kết nhóm để gây bạo lực. Và một khi bạo lực xảy ra, không chừng, phía nhà trường lại dựa vào bảng thành tích học tập để du di, giảm kỉ luật, thậm chí không hề kỉ luật đúng mức, chỉ cho viết kiểm điểm qua loa cho xong việc. Thế nên bạo lực nối liền bạo lực.
Và đáng sợ hơn là những học sinh bây giờ, chắc chắc chúng là thế hệ F2, F3 của giáo dục xã hội chủ nghĩa. Có nghĩa là chúng thụ đắc nền giáo dục xã hội chủ nghĩa từ ông bà, cha mẹ của chúng và mọi hành xử đều phát sinh từ đó. Nếu như thế hệ ông bà chỉ thụ đắc vài năm giáo dục xã hội chủ nghĩa nên còn hiền hậu thì đến thế hệ cha mẹ đã sống từ trứng nước và đi học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa nên tính cách có phần hung hăng, bạo lực hơn. Tình trạng phụ huynh quát nạt giáo viên (đều là học sinh XHCN với nhau cả, biết tỏng ruột nhau nên chẳng thể tôn trọng nhau!), sẵn sàng vác dao đến nhà người khác khi có chuyện không đúng ý… thì đương nhiên, con cái của họ, tức thế hệ học sinh hiện tại phải phát triển lên một tầng bậc khác, bạo lực hơn, hung hãn và máu lạnh hơn.
Nói như vậy để thấy rằng tác động của giáo dục vào đạo đức xã hội là vô cùng lớn. Dù nói theo cách gì, nhìn theo cách gì thì học sinh mãi mãi noi gương thầy cô. Trong một môi trường giáo dục mà thầy cô coi trọng vật chất, bị cuốn bởi vật chất và không thiếu trường hợp hiệu trưởng, giáo viên trao đổi tình dục, thậm chí lôi học sinh vào tình dục thì rõ ràng, mọi chuyện đã quá thối, quá nát và đừng hỏi vì sao học sinh trở nên hỏng hóc, nhiều thế hệ trở nên bế tắc và xã hội ngày càng bạo lực, bị đẩy xuống vực bế tắc!
Nhưng mọi sự được che phủ, được đánh tráo bởi thành tích. Ngay cả Bộ trưởng Giáo dục cũng mang thành tích này nọ để khoe mẽ trước Chính phủ và đảng lãnh đạo. Mọi cái xấu đều được che đậy bằng thành tích. Và đương nhiên thành tích cũng có lắm điều để bàn. Nhưng thành tích vẫn cứ là thành tích. Bệnh thành tích nặng nề đến độ người ta quên mất trắc ẩn, quên mất lòng yêu thương và quên cả sứ mệnh của nhà giáo. Trường hợp một giáo viên cho tất cả học sinh giơ bảng thành tích lên để chụp hình, mặc cho một em không có bảng thành tích (giấy khen) ngồi tiu nghĩu, chẳng biết chui vào đâu bởi em ngồi bàn đầu đã cho thấy rằng vấn đề nhân tâm, hay câu hỏi Con Người Sẽ Về Đâu? là câu hỏi nhức nhối trong nền giáo dục hiện tại.
Bởi lẽ, nếu nhân tâm không được bồi bổ từ giáo viên đến học sinh, bởi đạo đức giáo viên và học sinh đều trở thành cái nồi lẩu thực dụng và coi trọng vật dục, bởi tư duy hình tướng đã chi phối toàn bộ nền giáo dục xã hội thì đương nhiên, xã hội đang rơi vào vô minh và người ta luôn tung hô, thậm chí đổ máu trên thành tích nhưng chẳng biết để làm gì! Và điều đáng sợ ấy đang xảy ra trên đất nước này!
Và, chắc chắn một điều, giáo dục Việt Nam đang rơi vào hiệu ứng domino của sự đánh mất nhân tâm, lạc hướng trong dạy và học, hay nói khác đi là một nền giáo dục không có triết lý giáo dục, lấy tính đảng và thành tích làm hướng phát triển nên mối nguy đánh mất nhân tính từ thầy cho đến trò đã hiện ra trước mắt. Và đến một lúc, nếu không được điều chỉnh kịp thời thì không chừng, ngành giáo dục lại nhìn thấy mình mới xứng đáng là ngành hàng đầu, là lãnh đạo quốc gia và dẫn đường cho dân tộc. Và khó lường được chuyện gì sẽ xảy ra một khi ngành giáo dục đánh mất trọng tâm con người mà chỉ xem trọng định hướng xã hội chủ nghĩa!