Tân Phong – Web Việt Tân
“Ai cũng gù, mình thẳng lưng hóa ra khuyết tật.” – “ranh ngôn” nhà Sản.
Câu nói của bà cựu trưởng phòng khảo thí Diệp Thị Hồng Liên trong phiên tòa sơ thẩm ngày 13 tháng Năm, 2020, vụ án gian lận điểm thi tại tỉnh Hòa Bình năm 2018 bỗng nhiên nổi tiếng và trở thành như một thứ “ranh ngôn” mới, được lấy làm tiêu để cho nhiều bài báo, là “hot trend” của những ngày qua.
Bà Liên phát biểu trước tòa tự tin và thành thật lắm. Bà nói việc sai phạm là “do nể nang,” muốn “có lợi cho học sinh tỉnh mình,” cấp dưới của bà thì vì “tình thương học sinh, chấm nới tay để các em có cơ hội vào đại học, mở ra cánh cửa nghề nghiệp của cuộc đời,” toàn những lý do đầy tính “nhân văn.” Hàng loạt phụ huynh học sinh thì đấm ngực kêu oan “con tôi bị nâng điểm, chứ không phải được nâng điểm.” Không phải là họ chạy điểm, mua điểm như mọi người nghĩ đâu nhé; mà là con của họ “bị nâng điểm,” họ là nạn nhân của “tình thương, mến thương” của các thày cô giáo.
Có những trường hợp như thí sinh L.H.Q đỗ thủ khoa trường lục quân với số điểm 28,2 điểm 3 môn nhưng kiểm tra lại thì chỉ được 1 điểm Toán, Lý 0 điểm, Hóa 0 điểm. Ấy vậy mà, bố mẹ thí sinh kêu oan thảm thiết chẳng khác gì mẹ Hồ Duy Hải kêu oan vậy. Rồi nhìn mấy giáo viên đó rời tòa, giơ tay chào người thân, cười tươi hớn hở. Trông họ không giống gì là những bị can cả, cứ như họ vừa mới chiến thắng một cuộc thi nào đó, đầy xúc cảm và tự hào. Tôi bỗng hoang mang quá. Rồi, trước cái gương, tôi bất giác đứng xoay người lại xem mình… “gù” hay “thẳng”?
Thực ra, cái chuyện nâng điểm, mua điểm, mua bằng, bằng giả, bằng đểu… ở xứ này nó đã là chuyện thường ngày ở huyện. Nó bình thường đến nỗi khi kiểm tra bằng cấp trong hệ thống công chức thì có tới 80% là dùng bằng đểu, bằng giả.
Rồi thì việc bằng giả nhiều tới nỗi nếu mà kỷ luật hết tất cả thì sẽ “chẳng còn cán bộ làm việc nữa.” Thế là chuyện trở thành hòa cả làng Vũ Đại. Sai phạm, tệ nạn hối lộ, nâng điểm, chạy điểm, làm học bạ giả, bằng giả, bằng đểu …có thể nói là nguồn thu nhập chính của giới chức ngành giáo dục Việt Nam.
Hãy thử làm một phép tính nhỏ. Cách đây 10 năm, giá một suất vào trường an ninh đã có mức từ 500 triệu – 1 tỷ Hồ tệ tùy theo mức độ quan hệ, thân nhân, gia thế và đường dây chạy điểm. Năm 2019, Theo Viện Kiểm Sát tỉnh Hà Giang, trong số 107 thí sinh Hà Giang được sửa, nâng điểm tại kỳ thi trung học phổ thông 2018, có thí sinh được nâng nhiều nhất lên đến 29,95 điểm đối với 4 môn thi, người thấp nhất được nâng 2,2 điểm đối với 1 môn thi. Nếu tính ở mức giá ưu ái nhất là 500 triệu/suất thì chỉ riêng tỉnh Hà Giang vụ áp phe “nho nhỏ” này đã thu về hơn 53 tỷ cho giới chức trong ngành chia nhau. Tất nhiên, luật ăn chia thì phải “của đồng chia ba, của nhà chia đôi” từ sở cho tới bộ.
Với 63 tỉnh thành, cứ thế mà nhân lên thì số tiền “khủng” đến thế nào. Nhưng mà xét cho cùng thì chuyện ăn chia nhau ở bộ Dục nó chẳng là cái đinh gì, chỉ là “tham nhũng vặt” mà thôi. Dân gian có câu “làm nghề nào, ăn nghề đó” – vốn dĩ giờ đây đã trở thành câu cửa miệng của giới chức Việt Nam khi ám chỉ rằng việc sai phạm, tệ nạn, đục khoét, tham nhũng… trong các ngành là đương nhiên. Bộ Xây Dựng thì ăn xi măng, cốt thép, ăn đường, ăn cầu cống; Bộ Tài Nguyên thì ăn đất, ăn chất thải, ăn than, ăn quặng; Bộ Công An, Bộ Tài Chính thì ăn đủ thứ. Bộ nào có kiểu ăn của bộ đó. Còn việc đồng chí nào bị đồng chí khác khai ra đang ở trong đống rơm thì coi như “sinh nghề, tử nghiệp.”
Trong trường hợp này, bà trưởng phòng khảo thí đã có một câu ví von rất chính xác “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật.” Một xã hội không những “gù” cả về nhận thức mà “gù” cả về lương tri thì đó là xã hội gì? Nó đã mục ruỗng tới tận xương tủy từ lúc nào vậy?
Claude-Frédéric Bastiat, một nhà tư tưởng và luật pháp lớn của Pháp thế kỷ 19 từng viết trong tác phẩm Luật Pháp của ông như sau:
“…Không gì có thể làm xã hội thay đổi lớn hơn và đưa vào xã hội cái ác lớn hơn là biến luật pháp thành công cụ cướp bóc… Trước hết, nó làm cho người ta không còn phân biệt được công lý và bất công.
Nếu luật pháp không được tôn trọng, ở một mức độ nào đó, thì xã hội không thể tồn tại được. Biện pháp an toàn nhất làm cho người ta tôn trọng luật pháp là làm cho luật pháp đáng được tôn trọng. Khi luật pháp và đạo đức mâu thuẫn với nhau thì người dân đứng trước lựa chọn khắc nghiệt: đánh mất nhận thức về đạo đức hoặc không tôn trọng luật pháp nữa. Hai cái xấu này đều gây ra hậu quả như nhau và thật khó để lựa chọn…”
Việt Nam hôm nay, phần lớn người dân không nhận thức được Công lý và Bất công, không có cả Đạo đức lẫn sự tôn trọng Luật pháp. Thậm chí những người còn Lương tri và Đạo đức, biết lên tiếng phản đối Bất công còn bị coi là “khuyết tật.” Vì cơ bản, đã từ lâu, không còn luật pháp ở xứ “gù” này nữa.
Khi cái Ác “ngạo nghễ” còn Lương tri cúi đầu
Trước thềm đại hội đảng các cấp, thường thì các đại án được đem ra xét xử như những cuộc trình diễn của thứ gọi là công lý ở xứ “gù”, năm nay cũng không ngoại lệ. Điều đáng nói là những án này bị coi là án điểm, án bỏ túi và nó được “phe thắng cuộc” định đoạt.
Có hai phiên toà đáng chú ý trong rất nhiều các phiên tòa đã diễn ra trong thời gian qua. Đó là phiên giám đốc thẩm Hồ Duy Hải và phiên phúc thẩm vụ án Phan Văn Anh Vũ và Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến. Hai phiên tòa có những diễn biến đặc biệt khi những bị can đã có những tranh biện và chứng cứ bất ngờ.
Vụ án Hồ Duy Hải đã trở thành đệ nhất kỳ án ở “xứ gù” khi nó kéo dài qua 12 năm và ba đời chủ tịch nước “đông Lào.” Càng ngày thì các chứng cứ, luận chứng kết tội của tòa án và bên công an điều tra đưa ra càng trở thành trò hề trước công luận. Nó phi lý như thể một câu chuyện một đàn sói đòi tử hình một con gấu Bắc cực vì tội giết một con cừu ở… Châu Phi.
Những kẻ lưu manh khoác áo quan tòa trơ trẽn tới mức bất chấp sự phẫn nộ của xã hội, bất chấp lý lẽ, luật pháp, chứng cứ, nhân chứng… chúng nhất định ép cậu thanh niên Hồ Duy Hải phải chết vì một lý do giản đơn. Chúng cần một hồ sơ, lý lịch “sạch” cho những tên chóp bu của hệ thống – Trương Hòa Bình và Nguyễn Hòa Bình bước vào ủy viên bộ chính trị của đảng cầm quyền khóa 13 tới đây.
Cái thể chế vốn đã mục ruỗng từ xương tủy, nay còn cái mặt nạ da người “do dân và vì dân” chúng cũng chẳng từ. Vì lợi ích băng đảng, chúng cũng sẵn sàng đâm toạc cái mặt nạ đã che chắn cho thể chế cướp bóc này lâu nay. 17 tên đồ tể khoác áo thẩm phán, giơ tay biểu quyết sự sống chết của một công dân giống y như ở thời Trung cổ hay cuộc cải cách ruộng đất năm xưa.
70 năm trước, những kẻ “răng hô, mã tấu” sau khi cướp chính quyền Trần Trọng Kim cũng đã thực hiện những cuộc đồ sát man rợ hàng chục ngàn người bằng việc biểu quyết giơ tay như thế với những người dân vô tội bị khoác áo là tiểu tư sản, địa chủ hay trí thức chỉ vì đơn giản là phải thanh trừng đủ 5% dân số theo chỉ tiêu mà đảng đề ra.
Còn vụ án Phan Văn Anh Vũ và cựu chủ tịch Trần Văn Minh… đang tái hiện lại một hình ảnh hao hao với Nguyễn Văn Mười Hai hay Tăng Minh Phụng năm xưa. Khác với những cựu quan chức như Trương Minh Tuấn hay Nguyễn Bắc Son rũ rượi ở phiên toà, ngoan ngoãn nhận lỗi với bác Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, các bị cáo trong vụ án Phan Văn Anh Vũ đã có những pha tranh tụng và tự biện hộ rất lý lẽ, đúng luật, thể hiện bản lĩnh nhất định – một điều hiếm hoi thấy ở xứ “gù.” Tuy vậy, thì kết cục của họ cũng chẳng khác gì Hồ Duy Hải. Vậy là, chẳng phải chỉ có “dân đen, con đỏ” mới là nạn nhân của chế độ mà ngay cả những người từng “một tay che nửa bầu trời” cũng đều có thể có kết cục giống nhau.
Nói như người tù vĩ đại Václav Havel “…trong một xã hội toàn trị, hệ thống quyền lực, ý thức hệ và bộ máy đã chiếm đoạt hết con người – cả kẻ cai trị lẫn người bị trị – lương tri và tiếng nói tự nhiên. Và như vậy, đã tước bỏ bản chất con người của anh ta.” Trong một xã hội không tồn tại lịch sử và tương lai là ảo tưởng lừa mị, không cái gì để tin vào và con người chỉ lao theo Lợi và Dục, tự nguyện cúi đầu trước một bộ máy quyền lực vô nhân tính, vô danh xưng khổng lồ, hoàn toàn không còn tồn tại khái niệm đạo đức và lương tri, khi tất cả đều “gù” tự nhiên hoặc giả vờ “gù,” khi đó, cái kết cục tiêu vong của xã hội đã tới.