Bài này viết về dại khôn trong kết luận Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, nhưng trước tiên xin bàn qua hai chữ dại khôn chung chung.
Hồi bé tôi có học thuộc lòng bài thơ 8 câu, xin chép ra 4 câu đầu:
Thế sự đua nhau nói dại khôn
Biết ai khờ dại, biết ai khôn
Khôn đường cờ bạc là khôn dại.
Dại chốn văn chương, ấy dại khôn.
Trên đời phần nhiều người tự cho mình là khôn, có mấy ai nhận là dại. Nhưng rồi kết quả công việc lâu dài mới chỉ ra được phần nào dại, phần nào khôn.
Yêu cầu chính đáng của nhân dân, của dư luận xã hội là xét xử công minh, không kết án oan người vô tội chứ không phải chỉ nhắm vào cứu Hồ Duy Hải khỏi dựa cột.
Xin điểm vài việc lớn trong lịch sử:
Việc ĐCSVN rút vào bí mật (thay cho tuyên bố tự giải tán) vào năm 1946, nhiều người cho là rất khôn, nhưng hóa ra quá dại;
Làm cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, vội vàng hợp tác hóa nông nghiệp, tạo các quả đấm thép và ưu tiên phát triển công nghiệp nặng trong nền kinh tế, chủ trương tiến nhanh, tiến mạnh tiến vững chắc v.v… ban đầu đều cho là rất khôn, sau khi thực hiện mới lộ ra là quá dại.
Trong việc Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải có một điều làm tôi vô cùng ngạc nhiên là mọi kết luận của tòa đều được nhất trí “chăm phần chăm”. Tham khảo mới thấy có bài báo cho rằng đó là “kịch bản hoàn hảo” (bài của LS Đặng Đình Mạnh), hoặc “vở kịch hoàn hảo” (bài của Thảo Ngọc).
Giống nhau giữa hai bài là vở kịch được dàn dựng khá công phu, kịch bản được thống nhất từ trước (có thể từ chỗ cao hơn), khác nhau ở chỗ Thảo Ngọc cho rằng người ta cố giết Hải, còn Đặng Đình Mạnh cho rằng người ta sẽ tha chết cho Hải theo cách khác, đó là Hải xin giảm án tử, Chủ tịch nước chấp nhận cho giảm xuống chung thân. Hải sẽ bị giam thêm vài năm trong trạng thái rộng rãi hơn rồi được phóng thích.
Trong bài “Ba cửa sống còn lại của Hồ Duy Hải” (bài của Văn Khiêm) cũng chỉ ra khả năng Hải sẽ xin và Chủ tịch nước sẽ tha.
Hội đồng xét xử cho rằng họ đã quá khôn, chắc rồi cũng có nhiều người phụ họa theo mà ca ngợi sự khôn đó. Hỏi rằng gia đình, xã hội muốn gì, phần đông muốn cứu người vô tội Hồ Duy Hải. Thế thì cuối cùng Hải vẫn được cứu, thoát án tử, được tha, chỉ chậm lại một chút. Lại bảo vệ được tòa cấp dưới, bảo vệ được uy tín của cơ quan điều tra, bảo vệ được ý kiến của chính ông Chánh án cách đây hơn chục năm trước đã bác bỏ việc điều tra lại vụ án, còn tạo cơ hội cho Chủ tích nước thi ân, làm phúc. Lại tiết kiệm cho ngân sách hàng chục tỷ (phải đền bù cho Hải nếu kết luận bị oan). Được cùng một lúc nhiều thứ như vậy thì trăm phần trăm thông qua là quá khôn rồi còn gì.
Ông Chánh án tự cho là đã rất khôn, nhiều người sẽ phụ họa theo. Nhưng liệu trong này có cái dại nào không. Thưa rằng có và rất nguy hiểm. Việc làm của Chánh án không thể hiện sự thông minh, không chứng tỏ có trí tuệ mà chỉ là mưu mô xảo trá, mang lại kết quả lợi ít hại nhiều.
Cái hại đầu tiên và lớn nhất là công lý bị chà đạp, tiếp theo là sự mất lòng tin của đại đa số người dân vào pháp luật, vào chính quyền, thứ ba là sự dung túng cho tòa án các cấp và cơ quan điều tra làm bậy, mà không chịu trách nhiệm về việc làm sai trái.
Yêu cầu chính đáng của nhân dân, của dư luận xã hội là xét xử công minh, không kết án oan người vô tội chứ không phải chỉ nhắm vào cứu Hồ Duy Hải khỏi dựa cột.
Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải còn sẽ được tranh luận “Thế sự đua nhau nói dại khôn”, tôi tin là nó sẽ để lại một vết nhơ trong lịch sử của tòa án và trong cả lịch sử dân tộc về một thời sự độc tài và kém trí tuệ lên ngôi, một thời mà lẫn lộn dại khôn, lẫn lộn tà chính.