Người viết: Anh Hoàng
Năm nay (17/4/1940 – 29/8/1988) kỉ niệm 72 năm ngày sinh nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, ông không chỉ là nhà viết kịch mà còn là nhà thơ, nhưng tất cả những gì tinh hoa nhất và khiến triệu triệu người Việt Nam nhớ đến ông lại được gói gọn trong những vở kịch đầy tính thời sự của những năm 80 của thế kỉ trước. Đó là những năm tháng vất vả, khó khăn của người Việt Nam bởi hậu quả của chiến tranh, sự cấm vận về kinh tế cũng như mô hình kinh tế tập trung bao cấp đã làm trì trệ nền kinh tế, con người chạy theo những hư danh, nguyên tắc cứng nhắc và quan liêu đã giết chết một nền kinh tế. Kịch của ông đã thay cho triệu triệu người dân Việt Nam nói lên những điều mà ai cũng hiểu mà không dám nói ra, đã thức tỉnh những người đi đầu cho những thay đổi tích cực trong văn hóa, xã hội và kinh tế. Kịch không giống như thơ hay văn xuôi chỉ tiếp cận chủ yếu tới nhóm người tri thức, kịch như một câu chuyện đời thường và ở thời điểm đó kịch như là một hình thức giải trí chủ yếu của mọi người dân. Đó là lý do kịch của ông đã lan tỏa đến mọi nhóm người trong xã hội từ nông dân, người lao động, người tri thức hay các công chức, viên chức góp phần vào công cuộc đấu tranh đổi mới ở đất nước Việt Nam.
Khi xem kịch Lưu Quang Vũ, người ta thấy được sự quan liêu, lợi ích nhóm ở các doanh nghiệp nhà nước trong “Tôi và chúng ta”, những ham muốn hư danh mà ngày nay người ta gọi là bệnh thành tích trong nhiều lĩnh vực của Việt Nam điển hình trong giáo dục trong tác phẩm “Bệnh sĩ”. Họ cũng thấy được sự quan liêu, bảo thủ trong bộ máy công quyền nhà nước ở “Lời thề thứ 9”, cũng như bài học về sự kệch cỡm, học đòi bắt chước ở một nhóm người trọc phú trong “Hồn Trương Ba da Hàng thịt”. Tuy nhiên, người ta vẫn nhìn thấy và có quyền hy vọng bởi vẫn còn những con người trẻ tuổi dũng cảm đấu tranh cho lẽ phải, cho sự đổi thay của đất nước, trong vở kịch “Tin ở Hoa Hồng”.
Nhiều người cho rằng kịch Lưu Quang Vũ vẫn còn đó sức sống mãnh liệt và tính thời sự còn tồn tại đến ngày hôm nay, nhưng đồng thời điều đó cũng phản ánh một thực trạng xã hội Việt Nam vẫn đang trong tình trạng rối ren, những căn bệnh hư danh, chạy theo thành tích, tham nhũng vẫn còn rất nặng. Căn bệnh quan liêu, bảo thủ trong bộ máy công quyền và doanh nghiệp nhà nước chỉ mới giảm nhẹ mà chưa chấm dứt.
Lưu Quang Vũ ra đi không chỉ một mình mà còn kéo theo nhà thơ lãng mạn Xuân Quỳnh và đứa con nhỏ Lưu Quỳnh Thơ của họ. Vẫn tồn tại nhiều nghi vấn xoay quanh tai nạn giao thông đã gây ra cái chết cho cả gia đình nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ. Nhiều người cho rằng tai nạn này là một âm mưu ám sát bởi ông đã dám nói lên sự thật mà triệu triệu người Việt Nam biết mà không dám nói. Mọi người sẽ mãi nhớ đến ông như một nhà viết kịch hiện thực đầy tài hoa, những vần thơ đầy day dứt và suy tư cùng nỗi niềm và sự chân thành trong tình yêu.