Những dòng nước ấy có mặt ở mọi thành phần, dưới mọi hình tướng, tình huống, cấp độ. Chúng ẩn mình giữa miền đất hình chữ S này, âm thầm chảy, khiêm cung nhưng đầy sức mạnh. Chúng sẽ trồi lên một ngày nào đó, chắc chắn.
Người Nhật Bản nói: “Một lời tử tế có thể làm ấm lòng suốt cả mùa Đông – One kind word can warm three winter months.” Nghe xong, tôi (trộm) nghĩ thêm rằng: “Một hành động tử tế còn có thể làm ấm lòng người suốt cả cuộc đời!” Khi còn trẻ, tôi hơi bị chua. Tới già thì hoá chát. May mắn, gần đây, nhờ vào phương tiện truyền thông (tân kỳ) tôi có nhiều dịp được nhìn thấy nhiều hình ảnh và nghĩa cử cao qúi của tha nhân nên độ chua chát – xem chừng – giảm hẳn.
Gần hai năm trước, vào hôm 16 tháng 3 năm 2018, tôi được xem một hình ảnh đẹp (trên trang Tiếng Dân) cùng với đôi lời chú thích: “Một người đàn bà bán ve chai bước vào quán với bao gạo và chai dầu ăn. Chị mang ơn quán cơm này (quán cơm chay Thiên Phước, Quận 11, SG) vì đã cứu chị rất nhiều bữa đói. Chị nghèo khó nhưng không quên ơn, gom góp từng đồng, cuối năm, chị dành mua 1 bao gạo và 1 chai dầu tặng lại quán để có thể giúp thêm những người khốn khó khác.”
Qua tháng 11 năm rồi, 2019 – trên trang FB Lê Huy Cầm – có hình một một phụ nữ lam lũ dừng xe giữa giữa phố phường ̣(Hà Nội) đút tiền ủng hộ những người khuyết tật, cùng với lời bình: “Nghèo tiền bạc nhưng tình yêu không nghèo, tôi thấy tấm hình này đang tỏa phật quang.” Cũng vào thời điểm này, ở chợ Đồng Xuân, bạn Nguyễn Tiến Đức đã thu được qua ống kính bức ảnh của người đàn ông (vô gia cư) đang bỏ chút tiền lẻ vào thùng từ thiện để giúp trẻ em nghèo.
Trái, ảnh: Nguyễn Tiến Đức. Phải, ảnh: lấy từ FB Lê Huy Cầm
Phật Quang, nếu có thể nói hơi quá lời như thế, không chỉ lan toả ở Sài Gòn hay Hà Nội. Báo Tuổi Trẻ có bài viết ngắn gọn (“Những Người Thầy Đánh Cá Trên Sông Đà”) nhưng xúc tích:
“Trong cái lạnh căm căm mờ sương đêm vùng sơn cước, thầy giáo trẻ Ngần Quốc Việt và thầy Phùng Bá Thanh đèn pin đội đầu, khỏe khoắn trong chiếc áo ấm, dò từng bước trên con đường dốc trơn trượt lần xuống sông kéo vó. Vì thương những bữa cơm quá đạm bạc của học trò, các thầy cùng nhau góp tiền mua vó bắt cá, kiếm thêm chút thức ăn cho các em. Ban ngày, họ đứng trên bục giảng. Đêm xuống, họ lại thành ‘ngư dân’ trên sông Đà.”
Trang Net News cũng có bài (“Các Cô Giáo Cõng Bàn Ghế Trên Lưng”) với nội dung gần tương tự:
“Có những ngày đầu tháng 9, mưa lớn ở Tây Bắc đã biến những con đường bình thường cheo leo lại thêm gập ghềnh. Bất chấp tất cả với mong muốn tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh, có những người giáo viên âm thầm băng rừng, vượt suối ‘cõng chữ’ và cõng cả bàn ghế lên non… Chấp nhận từ bỏ ánh đèn thành phố đến với các tỉnh miền núi chỉ với những bữa cơm thiếu thịt thiếu rau, những giấc ngủ trằn trọc với tâm nguyện đưa ánh sáng tương lai đến với các em nhỏ dân tộc thiểu số. Những người thầy, người cô sẵn sàng đánh đổi cả tuổi thanh xuân để bám bản, bám trường. Người dân bản làng xem họ là những người con của núi rừng – đầy mạnh mẽ, nhiệt huyết và có một tình yêu thương bao la.”
Trái: ảnh Hóng Page. Phải: ảnh My Lăng
Gần như ở mọi nơi luôn luôn vẫn có những những nghĩa cử vị tha, cùng những hình ảnh đẹp, giữa lúc đất nước đang đắm chìm trong băng hoại và mọi giềng mối đạo đức đã bắt đầu tan rã:
Cô giáo mầm non sửa xe đạp tặng học sinh nghèo đến trường
‘Ông Tư lục tỉnh’ dựng gần 400 căn nhà miễn phí cho người nghèo
Thầy trò vùng biển Hà Tĩnh gom xe đạp cũ tặng học sinh nghèo
Trà đá miễn phí, món quà bình dị trong những ngày nắng nóng ở Quảng Ngãi
Ông 90 tuổi 20 năm bán đậu phộng dạo lấy tiền làm từ thiện
Chàng trai mồ côi mở tiệm bánh mì thịt miễn phí ở Đà Nẵng
Nhóm tình nguyện vận hành xe cấp cứu miễn phí
Sắm xe cứu thương, chở người miễn phí
Nữ sinh trường chuyên trả lại chiếc ví nhặt được bên đường
Người phụ nữ bán vé số trả lại tiền, vàng nhặt được
Tài xế taxi tìm nữ du khách Hàn Quốc trả lại tiền bỏ quên
Một bảo vệ dân phố nhặt được bóp tiền đã tìm người trả lại
Hàng loạt cửa hàng ở Đà Nẵng phát khẩu trang miễn phí
Cặp đôi Hà Nội phát khẩu trang miễn phí cho người qua đường
Stt mới nhất mà tôi đọc được trên trang FB Cù Mai Công, vào hôm 1 tháng 2 năm 2020, có những câu chữ như sau:
“Ngay lúc này, trên nhiều đường phố Sài Gòn, người Sài Gòn đang phát khẩu trang miễn phí khắp mọi nơi, từ cột đèn đỏ, vỉa hè, công viên … Đâu đâu chúng ta cũng có thể kiếm cho mình 1 chiếc khẩu trang từ lòng nhân ái yêu thương đồng loại, đồng bào mình của người Sài Gòn.”
Cùng ngày, lại có thân hữu chuyển cho những dòng nhắn tin TÌM NGƯỜI ĐÁNH RƠI VÍ với nội dung (nguyên văn) thế này đây:
“Tình hình là tối qua lúc 23h mình đi ăn khuya có nhắt đuợc giỏ tiền và cái bóp bên trong có tổng 48,3 triệu đồng. Với mình, số tiền này rất lớn, có thể thay đổi đuợc cuộc sống của mình, nhưng đồng tiền này sẽ rất quý trọng với người mất. Mình nhặt được ở trước bệnh viện phụ sản và nhi quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng. Giấy tờ tùy thân mang tên Nguyễn Thanh Long, sinh ngày 23/6/1993 ở Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.
Mình đã suy nghĩ cả đêm không ngủ được và mình đã quyết định trả lại cho người mất. Cũng có thể số tiền này người ta đang chữa bệnh cho con hoặc vợ ở bệnh viện phụ sản và nhi Đà Nẵng. Mọi người chia sẻ để mình sơm gặp và trả cho người ta nhé. SĐT liên hệ mình: 0395 639 579. Nếu ai mất xin liên hệ gấp.”
Những dòng chữ thơm thảo thượng dẫn khiến tôi nhớ đến một bài viết ngắn (“Đâu Là Dòng Sông Ẩn Giữa Mất Niềm Tin Tràn Lan”) của tác giả Inra Sara:
Việt Nam giàu và đẹp. Và sau non nửa thế kỉ thống nhất…
Mất niềm tin đang tràn lan. Ở mọi thành phần, dưới mọi hình tướng, tình huống, cấp độ.
Ở trường, trò mất niềm tin vào thầy cô. Người đang truyền kiến thức cho mình, biết đâu ngày mai chỉ vì tham vụn với hèn vặt, đã thò tay nâng điểm vô tội vạ cho con cháu quan lớn, để phải cúi đầu nhận án.
Quan lớn, tháng này vừa ưỡn ngực oang oang thuyết đạo lí trên truyền hình, tháng sau đã khúm núm trước vành móng ngựa, nước mắt nước mũi bét nhè xin tha tội lỡ dại.
Công an làm tiền, nhà sư gạ tình, dân khoa bảng mua bằng, nhà kinh doanh buôn thức ăn bẩn, hàng lậu…
Kẻ ‘trí thức’ hôm nay bô bô ca ngợi truyền thống văn hóa dân tộc, hôm sau đã quay ngoắt 180 độ phản bội truyền thống không chút xấu hổ.
Dưới hội trường sang trọng kia, lúc nhúc bầy sâu biết thắt cà-vạt, chẳng biết đâu là “đồng chí chưa bị lộ”, dân đặt niềm tin vào ai?
Trong nhà, đứa con còn sót tí lương tri mất niềm tin vào ông bố lương ba cọc ba đồng mà nhà cửa nghênh ngang. Tiền đâu bố được như thế, nếu không phải ăn cắp [cướp] của dân? Hỏi ông quan bố kia có dám nhìn thẳng mắt đứa con?
….
Mất niềm tin đang tràn lan. Nhưng không phải tất cả đã tuyệt vô hi vọng.
Đây đó vẫn tồn tại những điểm sáng. Bạn Dung Duong Trung dùng chữ ‘dòng nước ẩn’. Những dòng nước ấy có mặt ở mọi thành phần, dưới mọi hình tướng, tình huống, cấp độ. Chúng ẩn mình giữa miền đất hình chữ S này, âm thầm chảy, khiêm cung nhưng đầy sức mạnh.
Chúng sẽ trồi lên một ngày nào đó, chắc chắn.
Xin cảm ơn bạn Dương Trung Dũng, bạn Inra Sara (cùng tất cả mọi người) đã giúp cho tôi đỡ chua và bớt chát.