Đất trời sắp vào Xuân mới.
Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa thôi, theo quy luật vần xoay của vũ trụ, mùa xuân lại đến.
Nghe đâu đây như hạt sương đêm đang rơi từ ngọn lá, tiếng rơi nhẹ nhàng báo hiệu những đêm dài của mùa đông đã chấm dứt.
Nghe đâu đây quanh ta tiếng cựa mình của những mầm non đang chờ bật nở tung ra khỏi những cành trơ trụi khẳng khiu đã chống lại một mùa đông lạnh giá, nay chờ cơ hội để bật lên nhú những mầm xanh cho đất trời, cho cuộc sống.
Cả đất nước đang rộn rực vào xuân, đất trời, vũ trụ đang đi qua những giây phút cuối cùng của một năm âm lịch. Cái tết đã đến ngõ từ lâu và đang chờ đợi mỗi người dân Việt.
Những tiếng chuông nhà thờ khắp đất nước đang chuẩn bị rung lên những hồi chuông náo nức đón chào một năm mới.
Người dân Việt Nam từ khắp nơi trên mọi miền đất nước, dù ở xa xôi cách trở đến mấy, giờ này cũng đã được ngồi trong ngôi nhà của mình để chuẩn bị mâm ngũ quả cúng giao thừa.
Nồi bánh chưng xanh mẹ gói đã được luộc chín, sẵn sàng cho ngày mùng một Tết đón chào ông bà, tổ tiên về vui xuân cùng con cháu.
Những người Việt ở xa quê hương, giờ này đang ngóng về quê nhà trong một cảm xúc bồi hồi, khó tả.
Tôi thấy mình lâng lâng trong cảm giác của thời khắc này.
Tôi nhớ lại những năm xưa đã qua.
Những năm ấy khi thời chiến tranh loạn lạc, những ngày Tết là những ngày tạm ngưng tiếng bom, tiếng súng để người dân Việt được hưởng một cái tết thanh bình. Nhưng cũng những ngày ấy, từng đoàn quân, từng đoàn xe rấm rập nối tiếp nhau vào Nam tranh thủ khi ngưng chiến, chuẩn bị cho những cuộc chiến mới với máu xương tan tành và lửa đạn ngút trời.
Trong những ngôi nhà tranh dột nát của làng quê xưa, nồi bánh chưng là cả một quá trình gắng sức của người dân, họ lo lắng từ cả năm trước, những bàn châm bấm đường trơn dù chợ xa, chợ gần, dù núi rừng hiểm trở, dù sông biển lạnh giá… để nhằm kiếm ít gạo nếp đỗ xanh có nồi bánh chưng cho con ngày tết.
Những người cha, người mẹ lo lắng tiết kiệm từng lạng phiếu thịt, cá… cả năm không nỡ ăn một miếng để dành cho những ngày tết được tươm tất hơn. Những người nông dân nuôi con lợn cả năm chỉ dành cho đến ngày tết mới đem chung đụng nhau mỗi nhà vài ký đón xuân mới.
Những bà mẹ quanh năm chạy vạy khắp nơi cũng không thể lo đủ cho đàn con một manh áo mới đón xuân. Mỗi năm, một người dân được bán cung cấp tem phiếu để có thể mua 4 mét vải cho tất cả nhu cầu của một năm. Những mét phiếu vải cung cấp của nhà nước vẫn dể nguyên đó mà không thể có vải để mua.
Tôi nhớ năm ấy, khi tôi đã lớn học lớp cuối Trung học phổ thông. Chiều 30 Tết, mẹ tôi về mang cho một tấm áo mới. Tôi vui mừng, sung sướng mặc suốt cả một mùa xuân. Mãi về sau, mẹ tôi kể lại rằng trưa 30 tết vào cửa hàng không còn một chiếc áo hay tấm vải nào khác mà áo của con mặc tết thì chưa có. Cô bán hàng nói rằng chỉ còn một chiếc áo nhưng là của con gái. Mẹ tôi đành nói: “Chị cứ bán cho tôi, con tôi cũng đã lớn nhưng nó không biết áo nam hay nữ đâu, đành mua cho nó mặc tạm ngày tết kẻo không có tấm áo mới cho con thì tội”.
Và tôi mặc chiếc áo ấy cho đến mấy tháng sau khi thằng bạn cùng lớp phát hiện ra chiếc áo là của con gái do có đường chiết ly bên cạnh.
Cuộc đời người nông dân tần tảo sớm tối nhịn ăn, nhịn mặc để “Vì miền Nam ruột thịt, vì Chủ nghĩa xã hội, mỗi người làm việc bằng hai” mà mong cho có một ngày mai tươi sáng hơn, khi mà “Tất cả sẽ là chung, tất cả sẽ là vui và ánh sáng” – Tố Hữu.
Cả đất nước chìm trong nghèo đói xác xơ nhưng vẫn luôn nghe ra rả bên tai bài ca hy vọng cho một ngày mai khi “thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.
Thế rồi chiến tranh cũng kết thúc, đất nước thống nhất một mối.
Cứ ngỡ từ đây, đất nước thanh bình, người dân thực sự được làm chủ chính mình, được ấm no, hạnh phúc…
Thế nhưng, dưới “sự lãnh đạo tài tình, tuyệt đối của đảng”, người dân lại bầm dập trong đói nghèo và xơ xác hơn. Lại những cảnh ngày ba, tháng tám giáp hạt, mất mùa thì người dân quê tôi “ăn cơm là chuyện lạ”.
Rồi lại chiến tranh, máu chảy đỏ đường biên giới. Đàn anh Trung Cộng trở mặt cắn lại đàn em để giải quyết câu chuyện bao đời trong mối quan hệ của những đất nước cộng sản. Một cuộc xâm lược trắng trợn với nửa triệu quân tràn qua biên giới phía Bắc. Máu lại đổ, những thanh niên trai tráng lại nối tiếp ra trận và bỏ mình tại đó. Biết bao người bạn cùng lứa tuổi tôi đã ra đi mà không trở về trong những ngày Tháng 2 năm 1979 năm đó.
Tôi nhớ cái khí thế của người dân lúc bấy giờ, Dù trong nghèo đói, cả đất nước hừng hực khí thế chống xâm lược phương Bắc.
Tôi như thấy dòng máu nóng chảy trong huyết quản của mỗi người dân Việt lúc đó. Họ sẵn sàng đứng lên chống lại hiểm họa xâm lăng từ phương Bắc, dù đói, dù nghèo, dù phải hy sinh đến người cuối cùng. Nhiều người dân đã nói rõ rằng: Nếu bây giờ bảo đi chống Pháp, chống Mỹ thì chắc chắn là không, nhưng chống Trung Quốc thì dù có chết cũng không thể từ chối.
Bố tôi, một kỹ sư vốn không quen nghề binh nghiệp, cũng phụ trách một đơn vị tự vệ của Công ty với pháo cao xạ 37 ly trên chức vụ tiểu đoàn trưởng tự vệ, ngày đêm luyện tập sẵn sàng cho công cuộc chống bành trướng Trung Quốc.
Cả đất nước như một chiến trường sẵn sàng chờ bước chân quân xâm lược đến là tiêu diệt.
Rồi cuộc chiến cũng kết thúc với hàng vạn đồng bào, chiến sĩ bỏ mạng bởi sự tàn bạo của quân xâm lăng. Hàng vạn tên xâm lược đã phải đền tội.
Rồi thời thế đổi thay.
Cái nguy hại của đất nước này là “được đảng tài tình lãnh đạo tuyệt đối”. Mà cái đảng này thì như con đĩ xưa nay chỉ bám chân hết thế lực ngoại bang này đến thế lực ngoại bang khác, miễn là có tiền để tiến hành những cuộc chiến tranh nồi da xáo thịt trong đất nước phục vụ ý thức hệ cộng sản và giữ vững vị trí độc tài, cai trị của mình, lấy người dân làm nô lệ.
Khi cả thế giới đang hân hoan trước sự sụp đổ hàng loạt như một sự tất yếu không thể cưỡng lại của xu thế xã hội, thì đảng hoảng sợ cho chiếc ghế độc tài của mình nên đã vội vàng quay ngoắt 180 độ để biến thù thành bạn. Cái hiệp ước Thành Đô mà đảng ký với bạn vàng bây giờ vẫn nằm trong vòng bí mật và là nỗi nghi ngờ lớn nhất của người dân, chứng tỏ sự phản trắc của đảng với dân tộc này.
Từ đó, dân tộc này, đất nước này đối diện hiểm họa không phải với ngoại xâm, mà với chính đảng lãnh đạo.
Khi có Bắc Kinh làm quan thầy, đảng coi đó là một chỗ dựa vững chắc cho sự tồn tại và cai trị của mình, thì sự trở mặt với nhân dân và thể hiện bản chất của mình ngày càng lộ rõ và trắng trợn.
Cùng với điều đó, sự phản ứng của người dân với đảng ngày càng gắt gao và sâu rộng hơn. Bởi người dân đã dần dần nhìn nhận rõ hơn bản chất của đảng cộng sản không vì dân tộc, chẳng vì đất nước mà chỉ là một băng đảng giành chính quyền bằng cướp, giữ chính quyền bằng súng đạn, nhà tù và sự tàn bạo.
Khi đó những cái Tết cổ truyền đã chuyển màu theo ý đảng.
Những tràng pháo ngày xuân đã bị cấm tiệt, bởi nhà nước sợ người dân lại “học tập và làm theo” chính mình như Tết Mậu Thân, tiếng pháo giao thừa là hiệu lệnh của cuộc thảm sát.
Khi nhà cầm quyền quay mũi giáo vào dân, người dân ngày càng cùng cực. Những cuộc cướp đoạt đất đai triền miên đã diễn ra khắp trong Nam ngoài Bắc, từ miền núi đến miền xuôi… Tất cả chỉ nhằm vơ vét cho đầy túi tham của các quan chức trong bộ máy tham nhũng nặng nề.
Rồi những cái tết đã trở thành cơ hội cho quan chức kiếm chác, nhận hối lộ và hối lộ bằng mọi cách, mọi giá.
Những vụ hối lộ bằng hàng triệu đô la đã được thực hiện âm thầm bao năm qua đã làm cho đất nước khánh kiệt, nguồn lực và tài nguyên đã bị khai thác đến kiệt quệ và người dân bị bần cùng hóa đến mức tối đa. Nợ nước ngoài chồng chất như chúa Chổm.
Và khi thế lực đã yếu, thì đảng và nhà nước thể hiện sự hèn của mình một cách công khai không ngại ngần trước bàn dân thiên hạ.
Những cuộc xâm lăng của kẻ thù dân tộc ngày càng ngang ngược và trắng trợn bao nhiêu, thì sự đớn hèn của đảng và hệ thống chính trị càng được bộc lộ rõ ràng bấy nhiêu.
Người ta thấy cả hệ thống chính trị đã không chỉ làm ngơ, không chỉ sợ hãi trước kẻ thù mà còn trắng trợn ra tay đàn áp những người dân yêu nước, thương nòi, xót xa cho lãnh thổ đất nước rơi vào tay ngoại bang nhưng là bạn vàng của đảng.
Người ta chứng kiến đội ngũ dân oan khắp mọi miền đất nước nhanh chóng phát triển và ngày càng đông đảo cùng với tốc độ cướp đất làm giàu lên một cách nhanh chóng của đảng viên, quan chức cộng sản.
Người ta phải công nhận chúng ăn của dân không từ một thứ gì.
Và mùa xuân đất nước nhuốm màu nô lệ.
Từ trong lòng đất nước, từ những vùng nông thôn nghèo khó đến thành thị, một phong trào đi ra nước ngoài được công khai hoặc âm thầm phát triển không ngừng. Những thân phận người Việt đi làm nô lệ, lao công ở xứ người được đảng coi là chiến lược, là quốc sách… bất chấp những tủi nhục, thiệt thòi của họ, miễn là gửi nhiều tiền về cho đảng.
Những cuộc ra đi âm thầm, lén lút diễn ra trước mắt quan chức cộng sản những được làm ngơ, để rồi người dân nhận những cái chết tức tưởi như 39 nạn nhân trong chiếc container tại Anh vừa qua.
Và những cái tết của người dân Việt xa nhà ngày càng nhiều lên, những người dân Việt xa nhà bất đắc dĩ ngày càng đông đảo.
Giao thừa đã đến.
Tôi nhớ đến những người dân Thủ Thiêm, mấy chục năm qua bị cướp đất trắng trợn bất chấp mọi luật lệ cộng sản ban hành, vạ vật thành dân oan mà cóc kêu chẳng thấu trời, chỉ vì đầu têu tội phạm là những quan chức cộng sản cỡ lớn.
Giờ này, những bà con Lộc Hưng đã qua mùa xuân thứ hai kể từ khi đảng vô cớ đuổi họ ra đường đập phá nhà cửa của họ nhằm cướp đoạt đất đai bao đời họ khai khẩn và xây dựng.
Giờ này, tôi nhớ đến Đồng Tâm, Mỹ Đức, ở Thành phố Hà Nội, một thành phố tự nhận là “Thành phố vì hòa bình”. Chỉ mới nửa tháng trước đây, họ còn đầm ấp sum vầy chuẩn bị cho một cái Tết cổ truyền như bao năm.
Nhưng, nay thì tan tác bởi cuộc thảm sát giữa đêm được tiến hành bởi nhà cầm quyền cộng sản man rợ. Người mất mạng, nhiều người bị bắt giam hãm, đánh đập và đủ mọi cực hình trong nhà tù cộng sản.
Họ có tội gì? Tội của họ chỉ là có đất đai thuộc đất vàng đất bạc mà đảng đã nhắm tới nhưng không chấp nhận luật rừng của đảng.
Và họ chống lại tham nhũng, bất công cũng như những điều mà đảng luôn rêu rao, hô hào trước dân chúng.
Và đêm nay, họ đón giao thừa trong nước mắt và những cơn đau.
Những cơn đau không chỉ thể xác, mà là những cơn đau tự tâm can, những cơn đau của con tim đã đập nhầm nhịp, của những khối óc đã trót tin vào những lời đường mật từ đảng, từ nhà nước tự nhận là “Của dân, do dân, vì dân”.
Và tất cả đã muộn, khi hiểu ra sự đời, chính là khi tất cả đã tan tành thành mây khói.
Và đó cũng là cái giá phải trả của dân tộc này khi trót trao gửi niềm tin nhầm chỗ vào một phe đảng còn hơn cả Mafia.
Ngoài kia, trời đã sang xuân, tiếng pháo giao thừa đã tắt. Đêm đen lại bao phủ bầu trời của đêm 30 tết.
Nhưng ai có thể cấm chúng ta hy vọng bình minh sẽ lên và một mùa xuân thật sự của đất nước sẽ đến như quy luật của đất trời, của xã hội.
Và những cái tết bình an, yên vui sẽ đến với mọi nhà, mọi người sau đại họa Cộng sản.
Giao Thừa tết Canh Tý 24/1/2020
J.B Nguyễn Hữu Vinh