Đầu tháng Mười Trung Quốc kỷ niệm 70 thành lập nước, cũng là kỷ niệm sự thắng thế của Chủ nghĩa Cộng sản ở nước này, điều vốn có nhiều tác động tới những diễn biến ở Việt Nam trong bảy thập niên qua.
Dịp này cũng khiến tôi nhớ lại những lời Tướng Lê Minh Đảo của Việt Nam Cộng hoà từng nói trong phỏng vấn với tôi cách đây vài năm.
Trong cuộc nói chuyện dài về Cuộc chiến Việt Nam mà cuối cùng những người cộng sản cũng lại chiến thắng đối thủ được cho là văn minh hơn, ông Đảo nói về kết cục của cuộc chiến:
“Tất cả nhân dân hai miền Nam, Bắc chúng ta đều thua cả. Thắng chăng, Tàu cộng nó thắng.
Tàu cộng nó thắng vì giờ anh thấy đất nước mình… tôi cứ hình dung là một con nai và một con trăn gió. Con trăn gió là thằng cộng sản Tàu, còn con nai là Việt Nam mình bây giờ.
“Con trăn gió đã nuốt phân nửa con nai tới cái lưng [hồi] năm 1954. Rồi 1975 tới giờ nó nuốt tận cổ con nai rồi. Bây giờ con nai chỉ còn ló cái đầu và cái sừng ngáp ngáp thế này thôi. Tàu nó bất chiến tự nhiên thành.”
Cảm giác của tôi khi nghe những lời này hồi kỷ niệm 40 năm kết thúc cuộc chiến là Tướng Đảo đã quá bi quan.
Nhưng những gì tôi xem trong ba tập phim tài tiệu về Trung Quốc do hãng BBC của Anh làm mới đây khiến tôi càng thấy rằng cảnh giác với Trung Quốc không bao giờ là đủ. Nhìn vào cách Trung Quốc bỏ tiền vào các dự án huỷ hoại môi trường ở Việt Nam và phá vỡ cảnh quan thậm chí ở ngay thủ đô Hà Nội, một số lãnh đạo Việt Nam hẳn đã quan tâm tới quyền lợi của cá nhân họ và của Trung Quốc hơn của đất nước và người dân Việt Nam. Bởi vậy những gì tướng Đảo nói có lẽ không quá bi quan như tôi từng nghĩ.
Ba tập phim của BBC cho thấy Trung Quốc đã tìm mọi cách để thâm nhập vào thế giới tư bản, vào các nước như Hoa Kỳ, Anh hay Úc để đánh cắp các bí mật trong đó có cả bí mật kinh doanh. Họ cũng tìm cách dùng tiền để gạ gẫm chính phủ các nước ủng hộ chính sách của Trung Quốc, trong đó có chính sách thôn tính Biển Đông.
Một trong những chi tiết ở phần đầu tập phim về quy mô đánh cắp bí mật kinh doanh, điều có chuyên gia thậm chí gọi là “đợt chảy máu tài sản lớn nhất trong lịch sử” từ phương Tây về Trung Quốc, là chuyện giám đốc một công ty nông nghiệp của Trung Quốc ra cánh đồng ngô ở bang Iowa, Hoa Kỳ đào trộm cây giống. Vụ này xảy ra ít lâu trước khi ông Tập Cận Bình, khi đó còn là Phó Chủ tịch Trung Quốc, thăm bang Iowa, nơi hồi năm 1985 ông đã tới để tìm hiểu về nông nghiệp. Người đánh cắp hạt, Mo Hailong, cũng tìm cách vào được tiệc chiêu đãi ông Tập Cận Bình và người ta nghi ngờ rằng hoạt động gián điệp kinh tế của người cũng có tên tiếng Anh Robert Mo, ắt hẳn phải được sự chỉ đạo từ cấp nào đó trong chính quyền.
Mo Hailong sau này đã nhận tội đánh cắp hạt giống ngô mà các công ty Hoa Kỳ mất nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc để nghiên cứu và lai tạo. Giá trị của vụ đánh cắp được cho là lên tới hai tỷ đô la. Báo Los Angeles Times trong bài viết nhân vụ Mo Hailong nói mỗi năm Trung Quốc gây thiệt hại cho Hoa Kỳ tới 150 tỷ đô la vì các vụ gián điệp kinh tế.
Hai năm trước khi Mo Hailong bị bỏ tù ba năm vì làm gián điệp kinh tế hồi năm 2016, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã buộc tội năm tin tặc làm việc cho quân đội Trung Quốc vì đánh cắp bí mật thương mại của nhiều công ty Hoa Kỳ và cả chi nhánh ở Hoa Kỳ của công ty Đức chuyên về năng lượng mặt trời, SolarWorld. SolarWorld sau này đã phá sản vì Trung Quốc sản xuất được các tấm năng lượng mặt trời với giá rẻ hơn nhiều và vươn lên thống trị thị trường năng lượng mặt trời trên toàn thế giới.
Trong vụ khác, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã buộc tội một công dân Hoa Kỳ sinh ra ở Đài Loan, Allen Ho, vi phạm Luật Năng lượng Nguyên tử của Hoa Kỳ. Ông này bị cáo buộc tìm cách lôi kéo các chuyên gia năng lượng hạt nhân của Hoa Kỳ hợp tác trái phép với công ty nhà nước của Trung Quốc. Trong thông cáo báo chí hồi năm 2017, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nói ông Allen Ho cuối cùng đã bị kết án hai năm tù giam. Một trong các công ty Trung Quốc mà ông Allen Ho hợp tác trong nhiều năm là hãng điện hạt nhân CGNPC của Trung Quốc. Đây chính là hãng đã được chọn cùng với một công ty của Pháp để tham gia vào dự án điện hạt nhân trị giá tới gần 30 tỷ đô la ở Anh. Dự án bị đánh giá là đội giá tới gấp ba lần và thời gian xây dựng cũng lâu hơn dự kiến ba lần cuối cùng vẫn được thông qua hồi tháng 9/2016. Tuy nhiên CGNPC chỉ có chừng 30% cổ phần trong dự án này.
Liên quan tới dùng tiền hòng mua ảnh hưởng chính trị, một doanh gia giàu có người Trung Quốc hồi đầu năm nay đã bị tước thẻ định cư ở Australia và đơn xin quốc tịch Australia của ông Huang Xiangmo cũng bị bác. Ông này đã đóng góp khoảng hơn một triệu đô la Mỹ cho các đảng khác nhau của Australia. BBC dẫn lời các phóng viên điều tra của Australia nói rằng ông hứa sẽ đóng góp cho Đảng Lao động Australia hàng trăm ngàn đô la Mỹ với mong muốn đảng này ủng hộ chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Sau khi người đứng đầu đảng có tuyên bố khác đi, Huang Xiangmo đã rút lại đề nghị đóng góp tiền cho đảng này.
Một Thượng Nghị sỹ của Đảng Lao động, ông Sam Dastyari, người họp báo phản đối chính sách của chính đảng của ông liên quan tới Biển Đông đã phải từ chức hồi năm ngoái vì những liên hệ của ông này với ông Huang. Hãng tin ABC của Australia nói ông Dastyari đã để công ty của ông Huang thanh toán chi phí luật sư thay cho ông, liên hệ với các quan chức di trú Australia để mong đơn xin nhập quốc tịch của ông Huang sớm được xem xét. Ông Dastyari còn cảnh báo ông Huang rằng điện thoại của ông có thể bị ngành an ninh nghe lén. ABC nói ông Huang luôn bác bỏ ông có liên quan tới Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Một trong những phỏng vấn đắt giá của BBC trong loạt chương trình về Trung Quốc ngày nay là cuộc nói chuyện với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta, người tại chức từ năm 2011-2013. Ông Panetta được cho là đã kết bạn với ông Tập vì cho rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể hợp tác. Nhưng vị cựu bộ trưởng cay đắng nói: “Nói tóm lại điều tôi học được khi làm việc với Trung Quốc là đừng tin họ.” Rồi ông gằn từng tiếng: “Đừng tin họ.” Ông giải thích rằng khi không tin Trung Quốc, các quốc gia sẽ tìm được cách đối phó, bằng không rồi sẽ có ngày họ phát hoảng.
Các chuyên gia được BBC phỏng vấn cho rằng giai đoạn “ẩn mình chờ thời” của Trung Quốc đã qua và họ sẵn sàng cho thế giới thấy Trung Quốc mạnh tới đâu. Và giờ có thể thấy Trung Quốc đang, và sẽ còn tiếp tục, dùng Việt Nam để cho thế giới thấy Trung Quốc mạnh tới đâu. Điều đáng tiếc là dù con nai Việt Nam có đang bị con trăn gió Trung Quốc nuốt tới cổ, như lời Tướng Đảo, cái đầu có lẽ tự bảo “có sao đâu” vì thực tế cái đầu cộng sản của con nai và con trăn khá giống nhau. Chúng sẵn sàng làm tất cả những điều xấu xa miễn thoả mãn được tham vọng kiểm soát và vơ vét được càng nhiều càng tốt.