Thêm một lần nữa, chính thể độc đảng độc trị ở Việt Nam đã vi phạm trắng trợn quyền con người và quyền công dân ngay trước cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt 2019.
“Sáng nay tôi ra khỏi nhà thì bị một lực lượng an ninh đông đảo chặn lại, cấm ra khỏi nhà cả ngày hôm nay và sáng mai.
Lý do là vì tôi được phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mời gặp vào sáng mai để trao đổi ý kiến trước cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt 2019.
Nhân khi các anh em an ninh mời tôi ngồi nói chuyện, tôi thẳng thắn cho biết việc ngăn chặn tôi đến dự buổi họp mặt sẽ gửi một thông điệp tệ hại về tình trạng nhân quyền hiện nay. Vì vậy, nếu tôi không thể ra khỏi nhà vì lý do đó thì còn tốt hơn ngàn lời mà cơ quan an ninh sợ tôi nói ra.
Anh an ninh của Sở Công an TPHCM giải thích rằng họ cấm tôi đi vì lẽ ra các nhà ngoại giao Mỹ phải xin phép nhà nước VN trước khi gặp tôi.
Tôi cười hỏi lại tôi đang ở tù hay đang là công dân tự do, và có luật nào yêu cầu điều đó không. Anh ấy không trả lời được. Tuy nhiên, sau đó tôi kiểm tra lại thì biết rằng anh ấy nói sai sự thật, vì việc phái đoàn Mỹ gặp tôi đã được thông báo cụ thể cho các bộ liên quan của VN một cách đàng hoàng…”
Luật sư Lê Công Định ‘tố’ như thế trên facebook của anh.
Định là một trong những khách mời của cuộc gặp giữa phái đoàn Vụ Dân chủ, Lao đông và Nhân quyền thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, dẫn đầu bởi ông Scott Busby – Trợ lý ngoại trưởng – đến Việt Nam để tiến hành cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt 2019, với một số nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập tại nhà riêng của Bác sĩ Nguyễn Đan Quế ở Sài Gòn vào buổi sáng ngày 13/5/2019.
Cùng bị công an ngăn chặn thô bạo còn có anh Phạm Bá Hải – điều phối viên của Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam.
Vào tháng 5 năm 2017 khi đoàn đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt của Trợ lý ngoại trưởng Virginia Bennett đến Sài Gòn sau khi kết thúc đối thoại, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế đã bị đến hai chục công an vây chặn tại nhà riêng nhằm không cho ông tiếp xúc với phái đoàn Hoa Kỳ.
Nhưng vào lần này và khác với bà Bennett, đoàn của Trợ lý ngoại trưởng Scott Busby đã tiếp xúc và tham vấn ý kiến của các nhà hoạt động nhân quyền trước khi cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt diễn ra tại Hà Nội.
Cả hai nhà hoạt động nhân quyền gặp được phái đoàn Hoa Kỳ là Bác sĩ Nguyễn Đan Quế và nhà báo Phạm Chí Dũng – Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam – đều có chung ý kiến ‘không thể tin và chẳng có cơ sở nào để tin những lời hứa hẹn hay cam kết của chính quyền Việt Nam về cải thiện nhân quyền’. Bằng chứng quá rõ ràng là sau hàng chục kỳ đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt, điều được xem là ‘thành tích cải thiện nhân quyền’ của chính quyền Việt Nam không những không khá hơn mà còn tồi tệ hơn hẳn.
Một số viên chức Hoa Kỳ có lẽ chưa có mấy kinh nghiệm về các thủ thuật trả treo nhân quyền của giới lãnh đạo Việt Nam, về những lời hứa hẹn chung chung và xảo ngôn của trưởng đoàn đối thoại nhân quyền Việt Nam – một quan chức chỉ ở cấp vụ trưởng Bộ Ngoại giao và năm nào cũng có nhiệm vụ thông báo những lời hứa hẹn không hề được bảo chứng như thế.
Sau khi Thủ tướng Phúc kết thúc cuộc gặp với Tổng thống Trump ở Mỹ vào tháng 5 năm 2017 mà đã không nhận được tín hiệu nào về Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ, thậm chí còn bị Trump “đòi nợ” về tình trạng nhập siêu quá nhiều của Mỹ đối với Việt Nam trong lúc Trump lại gần như không quan tâm đến vấn đề nhân quyền, giới cầm quyền Việt Nam đã bắt bớ đến gần ba chục nhà hoạt động nhân quyền chỉ riêng trong năm 2017, đồng thời đưa ra xử tù cực kỳ nặng nề đối với họ.
Sang năm 2018, tình hình vẫn chưa thể khả quan hơn. Cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt thường niên vẫn diễn ra tại Washington nhưng có vẻ vẫn bế tắc. Mặc dù khi đó đã nhận được tín hiệu ‘cho qua cầu’ của Liên minh châu Âu (EU) về EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam), chính quyền Việt Nam vẫn chỉ thả nhỏ giọt vài tù nhân bất đồng chính kiến như luật sư Nguyễn Văn Đài và blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Sau nhiều năm quần quật nếm trải với Việt Nam về nhân quyền, rốt cuộc có vẻ Hoa Kỳ đã rút ra một bài học đắt giá: đặc tính của chính quyền Việt Nam là luôn dùng tù nhân lương tâm để mặc cả về các hiệp định kinh tế, thương mại và viện trợ. Nhưng khi đạt được mục đích của mình, chính quyền Việt Nam lập tức trở mặt và bắt bớ người hoạt động nhân quyền.
Các nhà hoạt động nhân quyền đã đề nghị kết quả của Đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt cần được chi tiết hóa bằng biên bản, trong đó nhấn mạnh những nội dung mà phía Việt Nam cam kết sẽ cải thiện nhân quyền nhưng với mốc thời gian cụ thể để tránh tình trạng ‘lưỡi không xương nhiều đừng lắt léo’. Hơn nữa, biên bản này cần được ký xác nhận bởi một quan chức Việt Nam với chức vụ bộ trưởng.
Vào lần này và khác hẳn những lần đối thoại nhân quyền trước đây, Hoa Kỳ đang có hai ưu thế nổi bật: ngay phía trước là chuyến đi Mỹ dự kiến của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng, với điều kiện ông ta kịp phục hồi sức khỏe. Những lợi ích về ‘can đảm bám Mỹ để khai thác dầu khí’, cố gắng duy trì giá trị xuất siêu lên tới 35 tỷ USD hàng năm của Việt Nam vào thị trường Mỹ và thể diện cá nhân khi được tiếp đón chính thức với nghi lễ dành cho nguyên thủ quốc gia có thể khiến Trọng phải nhân nhượng một số điều kiện nhân quyền được nêu ra từ Mỹ.
Ưu thế thứ hai của Hoa Kỳ được thể hiện một cách gián tiếp qua EVFTA mà có thể sắp được ký kết và phê chuẩn vào cuối tháng 6 năm 2019, với điều kiện chính thể Việt Nam phải chấp nhận gói cải thiện nhân quyền do Nghị viện châu Âu đòi hỏi, bao gồm Việt Nam phải ký kết và phê chuẩn 3 công ước quốc tế còn lại về lao động và công đoàn độc lập, sửa đổi Bộ Luật Lao động một cách thực chất chứ không phải chỉ để đối phó, và có thể phải ban hành Luật về Hội…
Mặc dù một nửa số khách mời đã bị công an Việt Nam ngăn cặn thô bạo, nửa còn lại vẫn nói được những gì cần nói với phái đoàn đối thoại nhân quyền Hoa Kỳ. Một cuộc gặp chia sẻ, ấm áp và khá nhiều thông tin.
Nếu Hoa Kỳ tận dụng được hai ưu thế lớn mà họ đang có trong tay, cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt năm 2019 có thể sẽ mang một sắc thái khác hơn và hy vọng hơn nhiều so với con số 0 tròn trĩnh hai năm trước đó./.