Bruxelles (Vương quốc Bỉ) – Tiếp theo chuyến vận động Quốc Hội Âu Châu vào tháng 11/2017, một cuộc vận động mới diễn ra hôm 20/06/2018 với sự tham gia của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới và Việt Tân. Phái đoàn đã gặp dân biểu Cristian Romania Dan Preda, thuộc đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, thành viên của Uỷ Ban Nhân Quyền của QHAC ; dân biểu Ý Alessia Mosca, thuộc đảng Xã Hội, thành viên của Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế của QHAC ; cô Chiara Miglioli, đặc trách thương mại của Đảng Xanh trong QHAC, cô Laura Ranahan, cộng tác viên của DB anh David Martin, đặc trách về nhân quyền.
Mục đích của cuộc vận động kỳ này là cập nhật tin tức về Việt Nam cho các Dân Biểu từ khi Quốc Hội Âu Châu thông qua nghị quyết khẩn cấp dưới tiêu đề “Tự Do Ngôn Luận Tại Việt Nam, trường hợp Nguyễn Văn Hóa.” Từ 7 tháng qua, tình hình đàn áp nhân quyền càng ngày càng tệ hơn. Phái đoàn đã trình bày đến các chính giới 3 vấn đề sau đây.
Thứ nhất là các phiên tòa diễn ra tại Việt Nam trong tháng 4/2018, với những bản án vô cùng bất công và nặng nề cho các nhà hoạt động thuộc Hội Anh Em Dân Chủ và các cá nhân khác. Nhà cầm quyền CSVN đã phạt 141 năm tù và quản chế 10 nhà dân chủ, trong đó có Mục Sư Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Văn Túc, Trương Minh Đức hoặc anh Hoàng Bình.
Thứ nhì là luật an ninh mạng đã được Quốc Hội CSVN thông qua hôm 12/06/2018. Bà Julie Majerczak, trưởng văn phòng Phóng Viên Không Biên Giới tại Brussels, nhắc lại Internet là nơi duy nhất để người Việt Nam có phương tiên thông tin và bày tỏ chính kiến. Luật an ninh mạng sẽ cho phép nhà cầm quyền CSVN ra lệnh ngăn chận, tháo gỡ mọi tin tức đi ngược lại quyền lợi của Đảng CSVN. Luật an ninh mạng cũng là một mối đe dọa cho các công ty tây phương muốn đầu tư tại Việt Nam.
Thứ ba là sự đàn áp các cuộc biểu tình trong nước trước dự án thành lập các đặc khu kinh tế, có thể cho các công ty ngoại quốc thuê tới 99 năm. Mặc dầu quyền biểu tình được ghi trong hiến pháp của CHXHCN Việt Nam, nhưng vẫn chưa có một luật biểu tình để cho người dân có thể xuống đường bày tỏ ý kiến hay phản đối về một vấn đề thời sự. Việc giam cầm sinh viên Mỹ gốc Việc Will Nguyễn cũng là một sự vi phạm nhân quyền của Hà Nội.
Sự kiện Hà Nội trả tự do cho LS Nguyễn Văn Đài và cô Lê Thu Hà sang Đức không đủ để làm thay đổi tình hình vì anh Đài và chị Hà đã bị lưu đầy sang Đức thay vì được phép ở lại Việt Nam. Và Hà Nội hy vọng qua hành vi này làm hòa với chính phủ Đức sau sự kiện bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin. Ông Phạm Minh Hoàng có nhấn mạnh là các nhà hoạt động dân chủ Việt Nam không phải là một món hàng để CSVN bắt bỏ tù, rồi thả ra và lưu đầy để trả giá cho những hành vi bất luật pháp của họ.
Phái đoàn đã trao cho các chính giới Âu Châu thư ngỏ của 90 tổ chức Việt Nam và quốc tế kêu gọi Liên Minh Âu Châu bát bỏ Hiệp Định Tự Do Thương Mại EVFTA vì tình huống quá tồi tệ về nhân quyền tại Việt Nam. DB Alessia Mosca cho biết rằng mặc dầu sự đàm phán giữa EU và Việt Nam đã xong từ tháng 12/2015, EVFTA vẫn chưa đưọc thông qua vì bên EU đang bất mãn Việt Nam vì những vi phạm nhân quyền đang xãy ra và ngày càng trầm trọng. Hơn nữa, EU bắt buộc Việt Nam phải thông qua các công ước 87 (tự do lập công đoàn) và 105 (lao động cưỡng bức) của Tổ Chức Lạo Động Quốc Tế (ILO) trước khi thông qua EVFTA.
Vì Hà Nội rất cần EVFTA được thông qua để gia tăng nguồn ngoại tệ để bù đấp vào thâm hụt ngân sách, các chính giới điều đồng ý về việc EVFTA là một dụng cụ rất tốt để tạo áp lực, buộc Hà Nội ngưng ngay lập tức các sự đàn áp nhân quyền tại Việt Nam. Các chính giới và phái đoàn có trao đổi trên một số công tác cụ thể, sẽ được tiến hành từ đây cho đến cuối năm 2018 trong lãnh vực EVFTA./.