Ngay sau khi lên nhậm chức Tổng thống Hàn quốc, bà Phác Cận Huệ đã chọn Hoa Kỳ để công du hầu mở đầu cho chính sách ngoại giao của mình. Điều này cũng dễ hiểu vì Hoa Kỳ là đồng minh chiến lược hàng đầu của Hàn quốc. Sau Hoa Kỳ đáng lý ra nữ Tổng thống Hàn quốc phải viếng thăm Nhật vì quốc gia này nằm trong thế liên minh Hàn-Mỹ-Nhật. Nhưng không, bà Huệ đã chọn Trung quốc, điều này cho thấy có chuyện ‘‘Cơm không lành canh không ngọt’’ giữa hai quốc gia Hàn-Nhật. Trong một cuộc họp báo chung tại White House (tòa Bạch Ốc) vào ngày 07/05/2013, Tổng thống Obama đã phát biểu rằng để giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên thì Hoa Kỳ và Hàn quốc lẫn Nhật Bản phải liên kết chặt chẽ hơn nữa. Đáp lại, nữ Tổng thống Phác Cận Huệ chỉ nói đến sự đồng minh giữa hai nước Hàn-Mỹ mà thôi, không nhắc đến Nhật để cuối cùng tuyên bố một câu: Nhật Bản cần phải có sự nhận thức đúng về lịch sử.
Câu tuyên bố này đã làm cho White House phải chau mày khiến bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải yêu cầu Hàn quốc không nêu đích danh quốc gia đồng minh ra để chỉ trích như vậy sẽ có hại cho thế liên minh đối đầu chống lại việc Bắc Triều Tiên chế tạo vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Chọn Trung quốc là nước thứ hai để công du, nữ Tổng thống Hàn quốc muốn đẩy mạnh hợp tác với quốc gia này trong nhiều lãnh vực, nhưng mục đích chính là yêu cầu Bắc Kinh áp lực Bình Nhưỡng mạnh hơn nữa trong vấn đề phi hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên. Để lấy lòng, bà Phác Cận Huệ đã đọc một bài diễn văn bằng tiếng Quan Thoại. Truyền thông Trung quốc đã đánh giá cao bài diễn văn đọc bằng tiếng Hoa này và hy vọng bà Huệ sẽ là người nối lại tình hữu nghị giữa hai nước sau một thời gian dài bị lạnh nhạt. Đài truyền hình Bắc Kinh thì bình luận thêm rằng Hàn quốc cũng là một quốc gia đang sử dụng Hán tự nên người dân hai nước dễ dàng thông cảm nhau hơn khi giao lưu văn hóa.
Những Hoa kiều sống ở Hàn quốc thì cũng rất muốn có sự bang giao tốt đẹp giữa hai nước, nhưng bảo rằng vì Hàn quốc cũng sử dụng Hán tự nên dễ dàng thông cảm nhau hơn là không đúng, bình luận như thế là không đúng với thực tế, nên nhớ rằng phong trào bài trừ Hán tự ở Hàn quốc đang lên cao. Ngoại trừ khu phố Tàu ở Seoul là các bảng hiệu viết bằng Hán tự, chứ tiệm quán, hãng xưởng của người Hàn quốc thì họ tránh tối đa việc sử dụng Hán tự. Tên đường phố cũng thế, trừ những trường hợp ngoại lệ, chứ hầu hết là viết bằng mẫu tự Hangeul (tiếng Triều Tiên) rồi phiên cách đọc bằng mẫu tự Latinh ABC. Triều đại nhà Lý (1392-1910) đã sử dụng hai chữ Hán Thành để đặt tên cho thành phố Seoul hiện nay. Khi Nhật đô hộ Triều Tiên thấy hai chữ này có vẻ lệ thuộc Trung quốc quá nên đổi tên là Kinh Thành. Khi lấy lại được độc lập từ thực dân Nhật, chính quyền Triều Tiên đã bỏ ngay hai chữ Kinh Thành, nhưng cũng không lấy lại cái tên cũ là Hán Thành vì cũng cảm nhận có cái gì đó lệ thuộc vào Trung quốc nên đặt một cái tên mới là Seoul viết bằng mẫu tự Hangeul. Về phía Trung quốc thì vẫn sử dụng cái tên Hán Thành cũ để gọi thủ đô Seoul của Hàn quốc. Nếu trong đàm thoại thì chắc là không sao, đằng này Trung quốc sử dụng hai chữ Hán Thành trong sách vỡ, trong mọi văn thư, văn kiện trao đổi nên đã làm cho người dân Hàn quốc bất mãn.
Năm 1992, khi lập bang giao với Trung quốc, Hàn quốc đã yêu cầu Bắc Kinh không sử dụng hai chữ Hán Thành để chỉ tên thủ đô Seoul trong sách vỡ và trên giấy tờ. Trung quốc thì bảo rằng chữ Seoul thì làm sao viết thành Hán tự được, vậy quý vị hãy chọn một hay mấy tiếng Hán tự nào đó có phát âm là Seoul thì chúng tôi mới viết được chứ. Việc yêu cầu này của Trung quốc xem ra cũng chí lý nên Hàn quốc mới tìm hai chữ Hán có phát âm gần giống chữ Seoul. Hai chữ Hán tự đó là Thủ Nhĩ. Và không biết từ lúc nào hai chữ Thủ Nhĩ đã xuất hiện trên một số bản đồ hướng dẫn, bản chỉ đường ở thủ đô Seoul. Lẽ đương nhiên Trung quốc sử dụng hai chữ Thủ Nhĩ để chỉ tên thủ đô Seoul trên văn thư, giấy tờ. Nhưng theo họ thì hai chữ Hán tự này chẳng có ý nghĩa gì hết, chỉ nói lên chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà thôi.
Theo các bình luận gia Hàn quốc thì chẳng riêng gì dân tộc Triều Tiên mà các quốc gia khác nằm bên cạnh Trung quốc đều có cảnh giác với nước này vì lịch sử đã chứng minh rằng Trung quốc lúc nào cũng muốn cưỡng chiếm các nước nhỏ xung quanh khi có điều kiện. Không ý thức được điều này thì dễ bị mất nước lắm.
Học giả Nhật thảo luận chuyện bô-xít và điện hạt nhân của Việt Nam
Mặc dù chuyện chính quyền CSVN bị thất bại trong dự án khai thác Bô-xít ở Tây Nguyên không liên hệ gì đến Nhật Bản, nhưng các giáo sư học giả hàng đầu của quốc gia này đã đem đề tài này ra thảo luận trong Diễn đàn Nghiên cứu ‘‘Kế hoạch hiệp tác năng lượng với các nước Đông Nam Á’’ đã được tổ chức tại đại học Kagoshima vào đầu tháng 6/2013. Tuy đây là buổi hội thảo có tính cách nghiên cứu, nhưng nó tác động rất lớn đến chính sách của chính phủ Nhật vì những thuyết trình viên toàn là giáo sư, học giả hàng đầu của quốc gia này, bởi vậy không những chỉ có báo đài của Nhật đưa tin mà truyền thông thế giới cũng đặc biệt quan tâm đến.
Diễn giả nói về chuyện Bô-xít Tây nguyên là nữ giáo sư Nakano Ari của đại học Daito Bunka (Tokyo) thuộc khoa Chính trị & Ngoại giao. Mở đầu phần trình bày của mình, giáo sư Nakano đã nói rằng dự án Bô-xít Tây Nguyên ở Việt Nam hoàn toàn thất bại, nhưng không ai chịu trách nhiệm. Một trong những lý do thất bại là vì thiếu thông tin và chính phủ CSVN độc đoán quyết định, coi thường, không chịu lắng nghe các góp ý quý giá của các bậc tri thức Việt Nam ở trong và ngoài nước về môi trường, về hiệu quả kinh tế lẫn an ninh quốc phòng. Giáo sư Nakano cho biết bà đã có dịp tiếp xúc với các nông dân ở Đăk Nông và Lâm Đồng để hỏi chuyện, mới hay là không một cư dân nào nhận được giải thích rõ ràng về các mỏ Bô-xít, việc xây dựng và mở rộng nhà máy Alumina hay kế hoạch đền bù đất bị thu hồi bởi dự án. Một số công nhân làm cho dự án khai thác Bô-xít cũng không được trả lương đầy đủ, tạo nên nghi ngờ về hứa hẹn từ phía nhà nước rằng dự án đem lại việc làm cho nhiều người. Giáo sư Nakano còn cho biết thêm là vào đầu năm nay, bà đã tổ chức một buổi hội nghị ở Hà Nội về tài nguyên, môi trường. Nhưng bộ Công thương nhất quyết không cho đưa vấn đề Bô-xít vào nghị trình, cũng như không cho những người chỉ trích dự án Bô-xít tham dự.
Giáo sư Nakano nói tiếp là tôi đã quan sát nước này trong 20 năm và thấy xu hướng cố gắng che lấp các sự thật làm khó chịu nhà nước Việt Nam chẳng thay đổi gì cả về căn bản. Việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân dưới một thể chế chính trị không có thông tin đầy đủ vì tự do ngôn luận bị đàn áp. Chính phủ Nhật nên tìm hiểu thêm tình hình thực tế ở Việt Nam để xét lại cách làm của mình khi hợp tác với một đối tác như thế, chứ không thì nguy hiểm lắm.
Liên quan đến vấn đề chính phủ Nhật xuất cảng kỹ thuật điện hạt nhân sang Việt Nam thì nữ giáo sư Yoshi Michiko của đại học công lập Mie nói rằng người dân Nhật đã quá khiếp sợ bởi tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai Ichi, sợ đến nổi 70% dân chúng Nhật muốn từ bỏ điện hạt nhân, nhưng việc chính phủ Nhật xuất cảng kỹ thuật điện hạt nhân sang Việt Nam thì người dân Nhật chẳng mấy quan tâm. Lý do cũng dễ hiểu vì nó không liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của mình. Hơn nữa tình hình và phản ứng của người dân Việt Nam như thế nào về điện hạt nhân chẳng có bao nhiêu tin tức. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam nói rằng ông ta hết sức tin tưởng vào kỹ thuật và tính an toàn cao về điện hạt nhân của Nhật. Tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima là một sự giáo huấn cho Nhật về việc xuất khẩu kỹ thuật điện hạt nhân trong điều kiện tuyệt đối an toàn. Đáp lại lời ông Dũng, phiá chính phủ Nhật hứa sẽ cống hiến kỹ thuật điện hạt nhân có tính an toàn cao. Việc đối đáp giữa ông Dũng và các vị Thủ tướng Nhật đã được truyền thông đưa tin, nhưng điều mà các chuyên gia và người dân Nhật muốn biết là tình hình thực tế như thế nào tại Ninh Thuận thì nhà nước CSVN không cho phóng viên nước ngoài đến đó thu tin. Vì nhà nước CSVN khống chế tự do ngôn luận nên mặc sức tuyên truyền với người dân về thần thoại an toàn của điện hạt nhân. Không phải chỉ vì lý do thiếu điện nên bằng mọi giá phải xây nhà máy điện hạt nhân. Về phía chính phủ Nhật thì muốn xuất khẩu kỹ thuật điện hạt nhân sang Việt Nam nên chỉ cần nghe chính quyền Hà Nội hứa sẽ xây dựng luật pháp liên quan đến năng lượng hạt nhân là đủ chứ không hề kiểm chứng là đã xây dựng luật chưa và nhất là có nghiêm thủ thi hành hay không. Ngoài luật lệ ra còn phải xem về khả năng quản lý, đội ngũ chuyên viên đã rành tay nghề hay chưa. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và chỉ có một đảng cai trị, nhưng không phải vì thế mà chúng ta (tức Nhật Bản) để cho ‘‘Cấu trúc sai biệt’’ ngự trị, nghĩa là không thể để cho cư dân tại nơi xây cất nhà máy điện hạt nhân bị nhiều thiệt thòi, kể cả nguy hiểm về tính mạng để có nguồn điện cung cấp cho các đô thị lớn. Điều này bắt buộc phải có trong điều lệ khi xây nhà máy điện hạt nhân.
Về vấn đề hiệp ước Nguyên tử lực giữa hai nước Nhật-Việt được ký vào tháng 1 năm 2012 thì giáo sư Endo Satoshi của trường đại học Kyoritsu Joshi (Tokyo) cho rằng đây chỉ là một hiệp ước để Nhật có thể xuất khẩu kỹ thuật điện hạt nhân cho Việt Nam.
Giáo sư Ito Masako của đại học Kyoto thì đặt câu hỏi tại sao chính phủ Nhật không trả lời bức thư của 626 nhân sĩ, trí thức Việt Nam gởi để yêu cầu Nhật ngưng xuất khẩu kỹ thuật điện hạt nhân sang Việt Nam. Chúng ta nên biết dưới chế độ CSVN, bất cứ ai phản đối chính sách của nhà nước đưa ra đều bị trù dập và có thể bị nguy hiểm đến tính mạng, vậy mà có trên 600 người chấp nhận ký tên phản đối cho thấy vấn đề rất quan trọng thế mà chính phủ của ông Noda trước đây vẫn làm ngơ. Đến khi ông Abe lên thay thì lại sang Việt Nam tiếp tục nói về chuyện bán kỹ thuật điện hạt nhân với ông Nguyễn Tấn Dũng. Giáo sư Ito đã mở một dấu ngoặc ở đây để trình bày thêm rằng trước khi lên đường sang Việt Nam, Thủ tướng Abe công khai tuyên bố trước báo chí rằng Nhật Bản muốn hiệp tác và làm bạn với bất cứ quốc gia nào nỗ lực đẩy mạnh vấn đề tự do, dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Thế mà trong cuộc hội đàm với ông Nguyễn Tấn Dũng ông Abe chẳng hề nói đến vấn đề này. Ngay sau khi cuộc hội đàm của ông Abe chấm dứt thì có phái đoàn Quốc hội Anh sang thăm Việt Nam. Phái đoàn này cũng nói đến chuyện đầu tư, làm ăn buôn bán với Việt Nam, nhưng trước tiên họ yêu cầu chính quyền Hà Nội trả lời về lý do tại sao quyền tự do tín ngưỡng ở Việt Nam bị xâm hại, quyền tự do ngôn luận bị cấm, nhân quyền bị xâm phạm, tại sao lại bắt bớ nhiều blogger và tại sao phải duy trì chế độ độc tài, độc đảng…Anh quốc chẳng cần nói nhiều mà làm, còn Nhật tuyên bố thật lớn nhưng lại không hành động.
Qua diễn đàn Nghiên Cứu này chúng ta thấy được rất nhiều giáo sư, học giả và chuyên gia hàng đầu Nhật Bản không muốn chính phủ của họ tiến hành việc xuất khẩu kỹ thuật điện hạt nhân sang Việt Nam ít ra là vào thời điểm này vì họ biết rõ thực trạng Việt Nam dưới chế độ độc tài đảng trị. Nhưng vì là thành phần trí thức nên ngôn từ sử dụng vừa phải đủ để hiểu. Trong khi các tổ chức chống điện hạt nhân hay các dân biểu, nghị sĩ Quốc hội Nhật bỏ phiếu chống hiệp ước Nguyên tử lực Nhật-Việt thì dùng lời lẽ mạnh hơn như “Không muốn làm chuyện gắp lửa bỏ tay người khác”.