Giết gà doạ khỉ?

Người Buôn Gió Blog

- Quảng Cáo -

Việc Donal Trump trúng cử tổng thống Hoa Kỳ đã khiến cho Nguyễn Phú Trọng phải gấp rút sang Trung Cộng tìm chỗ dựa. Sự kiện lần này không khác gì sự kiện Liên Xô sụp đổ xưa kia. Sau sự kiện Thành Đô thì lần sang Trung Quốc mới đây của Nguyễn Phú Trọng là lần thứ hai mà hai nước Việt Trung ký kết nhiều văn bản quan trọng như vậy.

Ngay lập tức sau những ký kết này, số vốn đầu tư của Trung Cộng vào Việt Nam tăng đột biến. (http://vietnambiz.vn/von-trung-quoc-tang-toc-vao-viet-nam-14037.html)

Vốn FDI tức nguồn vốn các nhà đầu tư bỏ ra trực tiếp vào cơ sở, Việt Nam cung cấp cho họ mặt bằng với giá ưu đãi, thuế suất ưu đãi đến 10 năm. Cái mà Việt Nam được lợi trước mắt là có công ăn việc làm cho những người lao động, nhưng đổi lại được lao động trong những nhà máy Trung Cộng những người lao động đã phải bán đất đai với giá rẻ mạt để làm nhà máy. Đồng lương họ cầm về cũng không nhiều.

Viện nghiên cứu Trung Quốc của Việt Nam nhận xét về FDI của Trung Cộng như sau:
FDI của Trung Quốc không chú ý đến các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, chỉ chú ý nhiều đến khai thác tài nguyên của Việt Nam. Thực tiễn cho thấy, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên trải dài suốt từ Bắc đến Nam của Việt Nam. Tình hình này đã gây nên sự xáo trộn trong quy hoạch ngành, vùng, miền kinh tế của Việt Nam. Mặt khác nếu quản lý các dự án này không tốt, sẽ còn gây nên nguy cơ về ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của Việt Nam.

- Quảng Cáo -

Bên cạnh đó, FDI của Trung Quốc yếu kém trong chuyển giao công nghệ, phần lớn là công nghệ lạc hậu hay thuộc các ngành gây ô nhiễm môi trường. Mục tiêu của Trung Quốc là dịch chuyển các cơ sở sản xuất thâm dụng nhiều lao động, mức lương thấp, hàng hóa giá rẻ và công nghệ không cao ra nước ngoài. Đây chính là hạn chế lớn nhất của các DN FDI Trung Quốc tại Việt Nam. Có nhiều mối quan ngại rằng việc nhập khẩu máy móc thiết bị từ thị trường Trung Quốc có thật sự hiệu quả hay Việt Nam là nước tiêu thụ lại công nghệ lỗi thời, lạc hậu cho Trung Quốc…
(http://iavietnam.net/detailnews/M48/N1340/than-trong-voi-luong-fdi-tu-trung-quoc-dang-do-vao-viet-nam.htm)

Việc Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc thúc đẩy bắt tay với nhau để mở đường cho Trung Cộng tràn vào chiếm lĩnh đầu tư ở Việt Nam đã gây nên những phản ứng trong nội bộ đảng CSVN. Một số nhỏ trong trung ương đảng muốn dành chỗ cho những nhà đầu tư từ những nước tư bản đã không bằng lòng với chủ trương của Trọng và Phúc. Để đối phó với những phản ứng này, Nguyễn Phú Trọng đã mạnh tay trấn áp.

Ngày 11 tháng 2 năm 2017, Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với ban kinh tế Trung Ương. Trước đây ban kinh tế trung ương được Nguyễn Phú Trọng ưu ái nhiều. Nhưng từ khi thống đốc Nguyễn Văn Bình trúng uỷ viên BCT về làm trưởng ban kinh tế trung ương này, lần đầu tiên người ta thấy ông Trọng nặng lời quở trách ban này đã không lơ là, không ủng hộ những chính sách kinh tế mà nhóm ông Trọng và thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang theo đuổi.

Nói tóm lại ông Trọng khiển trách ông Bình vì không mặn mà ủng hộ đường lối kinh tế thân Trung Cộng mà ông Trọng đã theo đuổi.

Ông Trọng đòi hỏi Nguyễn Văn Bình phải phối hợp với Ban tuyên giáo trung ương để ca ngợi chính sách kinh tế thân Trung Cộng, phản bác lại những ý kiến phản đối chính sách này. Đồng thời phải nhận rõ sâu sắc tình hình thế giới biến động như việc tổng thống mới của Hoa Kỳ lên thay, hiệp định TPP bị phá bỏ. Chuyện Việt Nam gắn liền kinh tế với Trung Quốc là khách quan trước hoàn cảnh quốc tế đang diễn ra, đó là lựa chọn đúng đắn của đảng. Để đạt được những ký kết thoả thuận hợp tác kinh tế với Trung Cộng là cơ hội tốt mà đảng đã tạo được ra. Ban kinh tế trung ương cần phải ủng hộ thời cơ, thuận lợi này một cách nhiệt tình và trách nhiệm hơn nữa.

Nói tóm lại ông Trọng khiển trách ông Bình vì không mặn mà ủng hộ đường lối kinh tế thân Trung Cộng mà ông Trọng đã theo đuổi.

Cũng trong lần làm việc này, ông Trọng kết tội ban kinh tế trung ương đã không làm tròn trách nhiệm khi không phát hiện được những tập đoàn, nhà máy làm ăn thua lỗ. Không có ý kiến đề xuất xử lý những trường hợp đó. Ông Trọng nhấn mạnh rằng phải chăng ban kinh tế trung ương không phát hiện được, hay phát hiện mà không có dũng khí báo cáo xử lý.

Hàm ý của ông Trọng rõ ràng là muốn kết tội Nguyễn Văn Bình trưởng ban kinh tế trung ương đã không làm tròn trách nhiệm hoặc có ý bao che cho phe nhóm đã làm thua lỗ ở những tập đoàn.

Đây là một đòn dằn mặt dữ dội của ông Trọng vào những ý kiến phản đối đường lối thân Trung Cộng của ông. Thực ra ai cũng thấy, ông Nguyễn Văn Bình mới nhận chức trưởng ban kinh tế trung ương chưa đầy một năm. Những tập đoàn thua lỗ ra sao, cần phải có thời gian xem xét nguyên nhân dài mới đánh giá được. Có những dự án, nhà máy mới đi vào hoạt động khó có thể sinh lời ngay trong một hay hai năm đầu, việc thua lỗ đương nhiên như một cửa hàng mới mở. Ngay như việc thua lỗ ở PVC đến 9 ban ngành vào cuộc ròng rã nửa năm trời cũng không kết luận được, khiến bộ công an không thể đưa ra lệnh khởi tố vụ án. Đến khi Trịnh Xuân Thanh trốn mất, mới đành phải ra một bản truy nã gượng gạo với tội danh “Làm Trái Quy Định”. Trước đó ông thứ trưởng Lê Quý Vương trả lời câu hỏi của phóng viên về dự kiến điều tra vụ PVC theo chỉ đạo của tổng bí thư. Ông Vương nói chỉ đạo đấy về mặt pháp luật như là một nguồn tin báo. Kể từ khi nhận tin báo về vụ nghiêm trọng thời hạn là 4 tháng. Nhưng với vụ án kinh tế thì không biết được vì hồ sơ rất dày, rất nhiều liên quan cần phải làm thận trọng để không bị oan sai.

Nếu như đến Bộ Công An với chuyên môn như vậy, có chỉ đạo của tổng bí thư vụ PVC mà bộ công an còn loay hoay chưa thể đưa ra kết luận khởi tố được ngay, còn phải tìm đúng sai. Thì cỡ ông Nguyễn Văn Bình mới lên nhậm chức ban kinh tế trung ương vài tháng, lấy cái gì ra mà để kết luận đúng sai cho ông Trọng hài lòng.

Nhưng cái ông Trọng cần gấp bây giờ là dập tắt những ý kiến phản đối chính sách kinh tế thân Trung Cộng của ông. Sự im lặng không ủng hộ chính sách này từ ban kinh tế trung ương đã khiến cho nhiều ý kiến phản đối được đà gia tăng. Trong hoàn cảnh đó ông Trọng phải có biện pháp buộc Nguyễn Văn Bình phải lên tiếng ủng hộ là điều ông cần phải làm.

Về mặt kinh tế Việt Nam đang bế tắc như hiện nay, chiếc phao nào ném ra đều được coi là thời cơ, miễn sao chiếc phao đó không làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của chế độ. Khách quan mà nói đứng trên cương vị tổng bí thư đảng CSVN, ông Trọng chọn con đường nhận sự tiếp sức từ Trung Cộng là đúng với tâm tư và ý chí của ông. Con đường đó có thể giúp cho ông và chế độ này qua được giai đoạn khó khăn khủng hoảng về kinh tế nội tại đất nước, và khủng hoảng về ngoại giao khi gần như bị phương Tây bỏ rơi.

Còn việc các dự án FDI của Trung Cộng có gây tác hai gì cho đất nước Việt Nam hay không thì phải vài năm sau mới biết được hậu quả của nó. Lúc đó ông Trọng cũng đã về hưu, ông không cần phải bận tâm đến điều ấy. Cái ông cần là bây giờ đường lối, chính sách của ông đang theo đuổi không ai được phản đối hoặc chê bai. Việc ông tấn công Nguyễn Văn Bình ráo riết vừa qua khác hẳn việc ông tấn công vào những người trước đó. Đây là cuộc tấn công trừng phạt vì thái độ, quan điểm không nhiệt tình ủng hộ đường lối của ông. Việc khiển trách đầy đe doạ của ông Trọng đối với môt uỷ viên Bộ Chính Trị như Nguyễn Văn Bình cho thấy ông Trọng sẵn sàng sống chết với bất kỳ ai khác lớn hơn ông Bình, nếu như cũng có thái độ không bằng lòng với chính sách thân Tầu của ông.

Người Buôn Gió Blog

- Quảng Cáo -

2 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here