Cuối tháng 8 vừa qua hàng loạt tờ báo của Đài Loan và châu Á đưa tin bà Thái Anh Văn lần đầu tiên chỉ huy cuộc tập trận thường niên của quân đội Đài Loan với kịch bản chống đổ bộ từ Trung Quốc kể từ khi nhậm chức.
Hình ảnh toàn quân trên dưới một lòng tuân lệnh nữ Tổng thống hẳn không chỉ làm nức lòng những người ủng hộ nữ quyền (feminist) mà, ở một khía cạnh khác, còn gợi lên suy nghĩ về vấn đề chỗ đứng của quân đội trong lòng quốc gia, nếu chúng ta lược qua lịch sử của quân đội Đài Loan.
Quân đội Đài Loan tiền thân là Quốc dân Cách mạng Quân vốn do Quốc dân Đảng thành lập năm 1925, Tưởng Giới Thạch dìu dắt, một thời cũng chỉ biết ‘còn đảng [Quốc Dân], còn mình’.
Nhưng đấy chỉ là thời binh đao loạn lạc, chính trị rối ren, các đảng phái đua nhau sắm sửa vũ khí, chiêu mộ binh sĩ, xoay sở tìm nguồn tài chính để nuôi quân đội nhằm phục vụ những ý đồ của riêng họ.
Tới khi nền chính trị đã đi vào ổn định, các quân đội đảng phái này không còn lý do gì để tồn tại nữa, khi mà toàn bộ tiền nuôi quân và nhân lực quân đội đều được tuyển lựa từ toàn dân, không phân chia trong hay ngoài đảng.
Qua nhiều lần cải cách chính trị, quân đội Đài Loan đã chuyển mình từ một lực lượng vũ trang đảng phái sang Quốc quân – quân đội quốc gia.
Từ đây, họ chỉ còn phải trung thành với Nhân dân – những người đóng thuế nuôi họ, chứ không còn là sở hữu riêng của bất kỳ đảng phái nào, dù rằng trước kia họ đã từng như vậy.
Quân đội quốc gia như thế có phi chính trị không? – Hoàn toàn không.
Trái lại, nó phải RẤT CHÍNH TRỊ là đằng khác, theo nghĩa nó không được phép tự trị tự quản, mà phải tuân lệnh một chính phủ dân cử – được bầu ra từ một cuộc bầu cử tự do, công bằng và dân chủ.
Nó cũng không được phép tổ chức kinh doanh để tự nuôi mình vì nguyên tắc hàng đầu ngăn chặn chủ nghĩa quân phiệt là ‘kẻ cầm súng thì không tự làm ra tiền’ mà phải nhận cấp phát từ ngân sách nhà nước (tiền thuế của dân) để chấm dứt mọi ý đồ biến đất nước thành trại lính.
Vậy nên, kể từ khi thủ lĩnh Đảng Dân tiến, bà Thái Anh Văn chính thức nhậm chức Tổng thống Đài Loan 3 tháng trước đây, toàn quân đã nhất tề đứng dưới sự thống lĩnh của bà.
Họ tuân lệnh bà không phải vì bà là thủ lĩnh của bất kỳ đảng phái nào, mà là vì bà thắng cử trong một cuộc bầu cử tự do, công bằng và dân chủ – nghĩa là bà đại diện cho ý chí của Nhân dân Đài Loan – những người đóng thuế nuôi quân đội, nên một cách hợp lý, quân đội sẽ phải tuân lệnh bà.
Nếu cứ khăng khăng giữ quyền sở hữu quân đội, một đảng phái sẽ không bao giờ giải quyết thỏa đáng được câu hỏi liên quan tới tính chính danh như sau:
Nếu quân đội đấy là của đảng anh chị, sao không lấy đảng phí mà nuôi, sao không lấy quân chỉ từ trong đảng viên của anh chị, hà cớ gì lấy tiền thuế của người dân chúng tôi ra nuôi, bắt người dân chúng tôi phải đi lính cho một thứ quân đội của riêng đảng phái anh chị?
Sẽ ra sao nếu từ câu hỏi này nảy ra một phong trào bất tuân dân sự bằng cách không đóng thuế nuôi quân, không đi quân dịch đến khi nào quân đội ấy vẫn thuộc sở hữu của một đảng.
‘Đảng phái hóa’ quân đội như thế khiến quân đội trở nên cực kỳ yếu về mặt chính trị và đặt khả năng phòng vệ của một đất nước trước những rủi ro không thể đoán định.
Bởi vậy, nhìn từ trường hợp Đài Loan, mọi lập luận ‘quân đội phải trung thành với đảng chính trị là một tất yếu lịch sử không thể khác’ bỗng trở nên ngớ ngẩn về mặt thực tiễn.
Lanh dao VN nen hoc ba nay` .