Một hiện tượng hiếm có đang diễn ra trong bầu không khí chính trị hỗn tạp ở Việt Nam: ngay sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Obama vừa rời Việt Nam để đi Nhật Bản, báo chí nhà nước bất chợt “lên đồng”.
“Kiện Trung Quốc: “Chúng ta sẽ đập nát sự tự tin của họ“” – một tựa đề của báo Tuổi Trẻ. So với những tựa đề trước đây chỉ vẻn vẹn “Kiện Trung Quốc”, lần này phát ngôn của báo giới tỏ ra dữ dội hơn nhiều, mà cách nào đó làm người ta liên tưởng việc báo đảng hung hăng “đập nát luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch”.
“Quân đội Việt Nam có thể được mời sang Mỹ huấn luyện chung” – một tựa đề hút khách khác của báo Thế Giới Trẻ. Khác với thời gian trước khi giới tuyên giáo đảng dấm dúi ngụy trang mối quan hệ quân sự với Mỹ bằng “giao lưu hải quân”, nay sự vụ rõ hơn hẳn.
Nhưng đáng chú ý nhất là mục đích lớn nhất trong chuyến đến Việt Nam của Tổng thống Obama bắt đầu có lời giải.
Nếu trước chuyến đi trên, chỉ có vài tờ báo quốc tế như Nikkey hé lộ “mấu chốt là cảng Cam Ranh”, thì chỉ một ngày sau khi Obama rời Việt Nam, một số báo nhà nước bắt đầu mô tả chi tiết hơn về mục đích chuyến thăm và hàm ý những gì mà Mỹ và Việt Nam có thể đã thỏa thuận.
Sau khi Đài truyền hình Việt Nam (VTV) hé lộ về quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ đã chỉ xảy ra “vào phút chót”, báo VietTimes đưa tin: “Các nhà hoạch định hải quân Mỹ muốn tiếp cận nhiều hơn vào cảng tại vịnh Cam Ranh của Việt Nam, cảng nước sâu tốt nhất Đông Nam Á. Một cảng quốc tế đã được Việt Nam khai trương vào tháng 3/2016 sẽ đem lại nhiều cơ hội hợp tác với Việt Nam, đô đốc Scott Swift phát biểu trên Navy Times”.
Nhưng nổi bật nhất là bài viết của James Holmes trên tạp chí Foreign Policy, trong đó có những nội dung rất đáng chú ý:
“Điều khiến bất kỳ thuỷ thủ Hoa Kỳ nào cũng quan tâm nhất lại là thông tin Hà Nội có thể mở cửa trở lại cảng nước sâu Cam Ranh cho tàu chiến Mỹ như một phần của món quà để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí”.
“Một số điều cần dõi theo khi cuộc phiêu lưu tuyệt vời của Tổng thống Obama được tiết lộ: Thứ nhất, vấn đề hệ trọng là ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam có quyết định cho phép hải quân Mỹ quay lại hay không? Thứ hai, việc cho phép đó kèm theo những điều kiện nào? Hà Nội sẽ chỉ chấp nhận một sự “hiện diện luân phiên”, theo đó tàu thuyền trú tại Cam Ranh trong những quãng thời gian dài nhưng sau đó phải quay về nước? Hay họ sẵn sàng đồng ý với những điều khoản thoáng hơn, chẳng hạn như việc thiết lập một hải cảng lâu dài cho một đội tàu? Thứ ba, Hà Nội sẽ cho phép quy mô hiện diện như thế nào? Bao nhiêu tàu được phép cập cảng, và những loại tàu nào?…”.
Rõ là đang xảy ra một sự đảo chiều nào đó, ít nhất trên mặt truyền thông và nhiều nhất ở Biển Đông. Một đảo chiều đủ lớn mà được bật đèn xanh bởi Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông. Và có thể cả Bộ chính trị Việt Nam.
Ở một thái cực khác, giới ngoại giao Trung cộng vừa tuyên bố Mỹ “châm lửa ở Biền Đông”. Hiển nhiên, Bắc Kinh đã không giữ nổi bình tĩnh để “lấy làm vui mừng trước việc hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ đối với Việt Nam” nữa.
Ngay trước mắt, có thể cho rằng “món quà” bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ đã được đổi lại bằng một thứ đáng giá không kém là việc gia tăng hiện diện của hải quân Mỹ ở Cam Ranh.
Có cảm giác như chuyến đi Việt Nam của Obama đã tạo ra một bước ngoặt về tương quan quân sự về cơ chế phòng thủ của đất nước này so với Trung cộng.