Đại hội 12 đảng cộng sản Việt Nam sắp diễn ra vào tuần tới với nhiều những dự đoán liên quan đến nhân sự cũng như đường lối chính sách sắp tới mà Việt Nam sẽ theo đuổi trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở biển Đông và quan hệ sâu hơn với Hoa Kỳ.
Những diễn tiến gần đây trên thế giới ảnh hưởng tới đại hội lần này ra sao và chuyên gia nước ngoài đánh giá thế nào về những dự đoán cho các chức vụ chủ chốt của đảng cộng sản Việt Nam 5 năm tới? Việt Hà có bài phỏng vấn Giáo sư Zachary Abuza thuộc trường đại học chiến tranh của Hoa Kỳ, chuyên gia về Việt Nam.
Trước hết nói về những trông đợi liên quan đến những thay đổi có thể trong đường lối chính sách của Việt Nam sau đại hội đảng lần này, giáo sư Abuza cho biết:
Tôi không trông đợi những thay đổi lớn dù lãnh đạo mới là ai đi chăng nữa đơn giản là vì lãnh đạo Việt Nam thường rất thận trọng và họ không muốn có những thay đổi lớn đột ngột trong chính sách. Nhưng quan trọng hơn cả là trong những năm qua, họ rõ ràng đã đặt mình vào con đường đổi mới và khó có thể quay lại. Họ đã cam kết vào TPP. Khi Tổng Bí thư Đảng cộng sản sang thăm Hoa Kỳ vào tháng 7 năm ngoái, đến Nhà Trắng, thuyết phục Tổng thống Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường thì điều này rõ ràng cho thấy là tranh luận xung quanh chính sách kinh tế trong suốt hai thập kỷ qua nhìn chung là đã kết thúc.
Việt Hà: Theo ông thì những căng thẳng gần đây trên biển Đông có ảnh hưởng thế nào tới đại hội lần này, đặc biệt là việc chọn nhân sự lãnh đạo?
Gs. Zachary Abuza: Không chỉ trong một vài ngày gần đây mà vài năm gần đây chúng ta đã thấy Trung Quốc trở nên khá hung hăng trên biển Đông, từ việc đặt giàn khoan dầu vào vùng thềm lục địa của Việt Nam, đến việc xây lấp đảo nhân tạo, rồi đâm chìm tàu cá Việt Nam…. Cho nên những hành động này đã trở thành sức ép toàn diện lên Việt Nam và người ta có thể trông đợi là Ban chấp hành Trung ương Đảng sẽ muốn có những lãnh đạo sẵn sàng kháng cự lại các sức ép từ Trung Quốc. Nhưng điều này không hẳn đã diễn ra như mong muốn.
Việt Hà: Vậy quan hệ với Hoa Kỳ có ảnh hưởng ra sao tới đại hội lần này?
Gs. Zachary Abuza: Quan hệ của Việt nam với Hoa Kỳ đang rất tốt đẹp. Trong vòng 1 năm rưỡi qua, 8 trong số 16 ủy viên bộ chính trị đã sang thăm Mỹ. Mối quan hệ đã khăng khít hơn ở mức độ làm việc, và hai nước không còn cần phải có sự can thiệp cao hơn về chính trị để có thể khiến công việc được thực hiện. Hoa Kỳ đánh giá cao lãnh đạo Việt Nam trong khối ASEAN và hiệp định TPP chỉ khiến quan hệ kinh tế hai nước sâu thêm. Tôi không nhìn thấy những thay đổi cơ bản trong quan hệ hai nước sau đại hội này.
Chúng ta sẽ tiếp tục thấy sự phát triển trong quan hệ quân sự giữa hai nước, quan hệ kinh tế sâu thêm. Đặc biệt quan hệ kinh tế với Trung Quốc đang rất bất lợi cho Việt Nam. Năm ngoái, thâm hụt thương mại giữa Việt nam với Trung Quốc tăng thêm 12,5%, tức là hơn 32 tỷ đô la một năm, cho nên thương mại với Trung Quốc không chỉ là không cân bằng, dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại mà xu hướng là các sản phẩm của Trung Quốc được đổ sang Việt nam và đổi lại thì Việt Nam xuất những sản phẩm nguyên liệu thô sang Trung Quốc. Thực tế là đầu tư của Mỹ vào Việt Nam trở nên quan trọng hơn cho tương lai kinh tế của Việt Nam. Chúng ta nói đến công nghệ, sản phẩm chế tạo công nghiệp….
Việt Hà: Ông có dự đoán gì vào lãnh đạo đảng sau đại hội đảng lần này?
Gs. Zachary Abuza: Khi nhìn vào bộ chính trị hiện tại, chỉ có 6 ủy viên là có đủ điều kiện để được tái ứng cử cho nhiệm kỳ mới. Điều này khá là bất thường đối với Việt Nam vì thường thì họ không muốn có quá nhiều người ra đi và vào mới trong hàng ngũ lãnh đạo. Cho nên khi nhìn vào danh sách các ủy viên thì chúng ta có thể trông đợi là sẽ có một số trường hợp được bỏ qua về quy định độ tuổi. Nhưng sẽ có nhiều cuộc đấu tranh nội bộ, sẽ có nhiều những quyền lợi đến từ những áp lực từ các tỉnh thành đòi hỏi các đổi mới về kinh tế và tránh tập trung hóa trong cuộc đấu nội bộ, rồi những người bảo thủ thì lo ngại là đảng đã đi quá xa và đã trao quá nhiều quyền lực cho các nhóm kỹ trị. Tôi đã có trông đợi nhiều là Việt Nam sẽ tiếp tục quá trình đổi mới kinh tế tiếp theo sau đại hội lần này nhưng bây giờ tôi không còn nhiều lạc quan như thế nữa sau khi biết được về sự lựa chọn nhân sự mới.
Việt Hà: Theo tin mà đài Á châu tự do có được sau ngày đầu tiên của hội nghị trung ương 14 thì dường như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ ở lại chức thêm 2,5 nữa. Ông đánh giá thế nào về điều này nếu đúng là ông Trọng sẽ tiếp tục giữ chức Tổng Bí thư nhiệm kỳ tới?
Gs. Zachary Abuza: Đây là một bước lùi. Ông ta sẽ không thúc đẩy việc đổi mới doanh nghiệp nhà nước hoặc tư hữu hóa. Nhưng mặt khác ông ta đã đi một đoạn đường khá xa sau khi được bầu là Tổng Bí thư vào đại hội đảng thứ 11. Nhưng rõ ràng đây là một bước lùi cho những người đang trông đợi một sự đổi mới về kinh tế sâu hơn.
Vấn đề chống tham nhũng
Việt Hà: Trong nhiệm kỳ vừa qua thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn kêu gọi phải đấu tranh chống tham nhũng, theo ông thì khi ở lại thêm nhiệm kỳ nữa, công cuộc đấu tranh này của ông Trọng sẽ có hiệu quả hay không?
Gs. Zachary Abuza: Theo tôi nhìn chung, cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam sẽ tiếp tục rất yếu kém dưới quyền lãnh đạo của ông Trọng. Có những giới hạn đối với việc người lãnh đạo có thể đấu tranh chống tham nhũng khi mà họ không sẵn sàng cởi trói cho báo chí, cho phép tự do báo chí, và họ không sẵn sàng tư hữu hóa doanh nghiệp nhà nước… Nếu ông Trọng vẫn là Tổng bí thư, các bạn sẽ thấy rất nhiều lời hô hào miệng về chống tham nhũng rằng tham nhũng đang đe dọa sự tồn vong của Đảng cộng sản, nhưng trên thức tế họ sẽ không thực hiện được gì mấy khi mà báo chí không được tự do, và không có sự tham gia mạnh mẽ của xã hội dân sự, không có tư hữu hóa doanh nghiệp nhà nước và đập bỏ bức tường của đảng trong nền kinh tế.
Việt Hà: Cũng theo tin của đài Á châu tự do có được thì Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ làm Thủ tướng nhiệm kỳ tới. Trong dự đoán mà ông đưa ra vào tháng 10 năm ngoái ông cũng nói tới điều này. Ông nhận xét gì về vai trò của ông Nguyễn xuân Phúc?
Gs. Zachary Abuza: Ông ta đã làm tốt việc điều hành nền kinh tế. Ông ta là người thuộc giới kỹ trị. Ông ta ít nổi tiếng hơn đối với mọi người nếu so với những lãnh đạo khác và ông ta theo tôi đánh giá là người thuộc giới kỹ trị có khả năng. Ông ta sẽ tiếp tục việc lãnh đạo nền kinh tế. Tôi rất chú ý đến việc những ai sẽ là các phó thủ tướng trong chỉnh phủ của ông.
Việt Hà: Về phần bộ quốc phòng, ông đã có những thông tin gì và đánh giá thế nào về những thay đổi sau đại hội lần này?
Gs. Zachary Abuza: Những gì tôi đọc được vào sáng nay về hội nghị trung ương 14 thì Bộ trưởng Quốc phòng sắp tới sẽ là Ngô Xuân Lịch, người hiện là Chủ nhiệm tổng cục chính trị. Đây rõ rang là một bước lùi. Đã rất lâu rồi từ thời Lê Khả Phiêu, giờ Việt Nam lại có một người thuộc chính trị viên quân đội nằm trong bộ chính trị. Quốc phòng Việt Nam đã được hiện đại hóa rất nhiều trong thập niên qua. Không một nước nào ở khu vực Đông Nam Á đã mua nhiều hơn các vũ khí hiện đại so với Việt Nam. Bây giờ họ đặt một người có xu hướng chính trị viên theo truyền thống làm lãnh đạo một tổ chức đang có những đổi mới thay vì chọn một người có kinh nghiệm về điều hành quân đội, đối với tôi là đáng ngại.
Việt Hà: Theo ông, việc bổ nhiệm này nói lên điều gì?
Gs. Zachary Abuza: Nếu đi ngược lại quá khứ thời chiến tranh thì chúng ta có thể nói là họ chọn người đỏ hơn là một chuyên gia, tức là họ chọn người có lý luận chính trị hơn là một người có kinh nghiệm và kiến thức quân sự. Khi quân đội Việt Nam trải qua một giai đoạn hiện đại hóa mạnh trong suốt một thập niên qua, mà bây giờ lại chứng kiến một người cả cuộc đời là một một chính trị viên thì điều này nói lên rất nhiều. Sẽ có ý kiến cho là đây là do áp lực từ Trung Quốc, rằng họ không muốn người có kinh nghiệm chiến đấu mà thay vào đó là một người chú trọng đến quan hệ xã hội chủ nghĩa, tình đoàn kết. Điều này sẽ nhanh chóng xuất hiện trên các trang blog.
Việt Hà: Đã có nhiều đồn đoán về việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ là Tổng Bí thư sắp tới. Ông đánh giá thế nào về ông Dũng khi còn làm Thủ tướng?
Gs. Zachary Abuza: Ông ta luôn là một nhân vật gây nhiều tranh cãi đơn giản là vì những cáo buộc tham nhũng liên quan đến cá nhân ông, việc lạm dụng quyền lực để làm lợi cho gia đình người thân của mình. Ông ta đã không có được số phiếu tín nhiệm cao ở quốc hội trước kia. Tuy nhiên ông ta lại có số phiếu tín nhiệm khá trong quốc hội vào năm ngoái. Điều này theo tôi không nhất thiết là do ông làm tốt công việc của mình hay vì ông ta là người duy nhất trong Bộ chính trị dám lên tiếng phản đối Trung Quốc sau vụ giàn khoan dầu. Theo tôi ông đã nhận được nhiều ủng hộ sau những việc đó. Nhưng ông luôn là một nhân vật gây chia rẽ bởi một phần ông đã lobby rất mạnh để trở thành Tổng Bí Thư và điều này là điều chúng ta chưa thấy ở Việt Nam.
Việt Hà: Theo ông thì Chủ tịch Trương Tấn Sang đã làm được gì khi ông là Chủ tịch nước?
Gs. Zachary Abuza: Trương Tấn Sang đã luôn là một chủ tịch nước tốt, theo tôi nhận xét. Ông ta là người thận trọng. Ông tham gia giám sát quá trình hiện đại hóa quân sự của Việt Nam. Mặc dù ông ta không được xem là người đổi mới cho nền kinh tế nhưng ông ta ủng hộ những đổi mới quan trọng trong nền kinh tế trong 5 năm qua. Ông ta đóng vai trò quan trọng trong đàm phán TPP. Ông ta khác hẳn Nguyễn Tấn Dũng và không có những cáo buộc tham nhũng như tương tự. Ông ta luôn được xem là một nhân vật khá là chính trực. Việc ông ta ra đi là một tổn thất cho Việt Nam.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.