Theo bản Thống kê của Bộ Y tế thì có tới 76% số bác sĩ kê toa kháng sinh không phù hợp. Đây là nguyên nhân khiến 33% số người bệnh bị kháng thuốc.
HÀ NỘI – Thông tin từ Bộ Y tế chiều ngày 23.12.2015 trong Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phòng, chống kháng thuốc năm 2015 và triển khai năm 2016 cho biết, trong khi các quốc gia phát triển còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 thì Việt Nam đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4, chi phí kháng sinh trong điều trị chiếm tới 17% trên tổng chi cho phí dịch vụ khám-chữa bệnh của người dân.
Cũng theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam nằm trong danh sách nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất trên toàn cầu. Mặc dù Việt Nam đã có quy định bắt buộc các nhà thuốc chỉ được bán kháng sinh theo toa, bác sĩ chỉ kê toa kháng sinh trong những trường hợp cần thiết, nhưng kháng sinh vẫn được bán một cách bừa bãi.
Trong khi đó, báo Sức Khỏe và Đời Sống báo nguy rằng trẻ em Việt Nam đang uống thuốc tốn tiền nhiều hơn uống sữa và hầu hết mỗi đợt uống thuốc của trẻ đều có kháng sinh. Cần lưu ý thêm rằng trong đời sống hàng ngày, kháng sinh còn được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản và trồng trọt …
Với dư lượng kháng sinh có thể xuất hiện trong thực phẩm thường dùng, không những trẻ em mà cả người lớn khi sử dụng lâu ngày, vô tình dẫn đến các tình trạng đề kháng kháng sinh, thậm chí nguy cơ tiềm ẩn các tác dụng không mong muốn hoặc các phản ứng có hại cho cơ thể.