Nhân dịp cuối năm, một trong những sự kiện đáng chú ý trong làng văn nghệ ở Việt Nam là một cuộc hội thoại quy tụ 2 nữ ký giả Kim Dung, Thu Hà và nhà biên kịch Hồng Ngát, đi đến nhận định rằng tính đố ký và hẹp hòi đang bào mòn tính chất ưu việt của người Việt Nam.
Báo mạng Vietnam Net dẫn nội dung cuộc hội thoại, nói hiện tượng thường thấy ở người Việt Nam là “không thích ai hơn mình, và tìm cách che mờ người khác bằng các chiêu vặt vãnh, nhỏ mọn, đã góp phần làm xấu, làm suy yếu sức mạnh văn hóa dân tộc”. Nhà biên kịch Hồng Ngát cho rằng, xã hội Việt Nam đang lạm dụng từ ngữ “văn hoá” khi lắp đặt các bảng hiệu khu phố văn hoá, làng văn hoá, thôn xóm văn hoá, gia đình văn hoá… ở khắp nơi. Theo bà Ngát, hình ảnh trái ngược xuất hiện tràn lan tại các khu phố “văn hoá” này như nạn vất rác bừa bãi, cảnh mọi người đánh chửi nhau và trộm cắp vặt như cơm bữa… Bảng hiệu văn hoá càng tràn lan, thì các hành vi mất văn hoá xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố Việt Nam.
Nữ ký giả Kim Dung thì nói tính đố kỵ đang làm cho người Việt Nam ngày càng bị mất uy tín trước cộng đồng thế giới và cho rằng, người Việt Nam cần phải ngả mình thán phục dân tộc Do Thái và Nhật Bản.
Theo nữ ký giả Kim Dung thì quan hệ xã hội bây giờ người ta đặt lợi ích cá nhân làm trung tâm, có lợi thì chơi, nói là bè bạn, nhưng tính bè rất rõ, rõ hơn cả tính bạn. Bởi lợi ích cá nhân làm trung tâm, chi phối chính quan hệ bạn bè đó.
Về điều gọi là „Sức mạnh thần kỳ của dân tộc Do Thái“, đặc biệt nhất là ở cách dùng người, là văn hóa người lãnh đạo, theo nữ ký giả Kim Dung thì họ rất tôn trọng và lắng nghe các ý tưởng, sáng kiến khác biệt. Ẩn trong đó là sự công tâm của người lãnh đạo, người cầm quyền. Họ đã phải rất “nhẫn” để chiêu hiền đãi sĩ. Đó là sức mạnh dùng người, chứ không phải là lòng tự trọng theo kiểu kẻ sĩ. Chính văn hóa đó đã định vị thương hiệu và uy tín của dân tộc Do thái trên trường quốc tế.