Ngày xưa có một ông sư và một “cô gái làng chơi” chết xuống Âm phủ. Vua Diêm vương đem ra tra hỏi. Hễ ai không có tội thì tha, mà lại cho hóa kiếp lên làm người ; ai có tội thì bắt bỏ ngục, hay là bắt đầu thai súc vật.
Hỏi cô gái, thì cô tâu rằng : – Khi tôi còn sống, tôi chỉ làm cho người ta sướng. Ai buồn bực điều gì, đến tôi thì vui vẻ.
Hỏi ông sư, ông sư tâu rằng : – Khi tôi còn sống, tôi chỉ cứu dân độ thế. Hễ ai ốm đau, thì tôi tụng niện cầu nguyện cho khỏi chết.
Vua Diêm vương phán rằng : – Thằng này là của không vừa : Mầy chỉ ăn không nói có, dối trên lừa dưới. Ai đến số chết thì ta sai bắt. Thế thì không những là mầy dám cưỡng mệnh ta mà mầy lại dối người rằng mầy cứu được. Quỷ sứ đâu ! Đem giam thằng này vào ngục, đợi rồi sau bắt làm kiếp chó. Còn con kia chỉ làm cho người ta sướng, quên cả buồn rầu, xét ra là không có tội, thì ta lại cho lên làm kiếp người.
Ông sư tức quá, phàn nàn rằng : “Mình đi tu thì phải tội, mà cô gái kia thì lại được phúc. Thế thì còn muốn đi tu làm gì nữa ?”
Đến lúc quỷ sứ xiềng xích lôi kéo ông sư ra; đi qua trước mặt cô gái làng chơi, ông sư mới dặn với lại rằng : Chị có về trên ấy, tôi nhắn một câu này: “Đừng đứa nào từ đây còn đi tu nữa !”
Ở những vùng đất không có dân chủ, việc nói ra sự thật làm mất lòng chính quyền là một điều hết sức nguy hiểm. Như ông sư trong truyện Việt Nam kia, ăn chay niệm Phật làm điều thiện thì lại bị bắt bỏ ngục, đầu thai làm súc vật – Những người dám nói lên sự thật, dám đứng lên bảo vệ nhân quyền dân chủ thì lại bị Chính quyền gông vào cổ 2 chữ “phản động”, “phản quốc”; còn cái lũ nịnh hót, con ông cháu cha suốt ngày vơ vét tiền của cho đầy túi, lên chiếm hết quyền cao chức trọng điều khiển đất nước với nhiều chính sách sai lầm, thì lại được đem làm “Nhân vật tiêu biểu” , đi đâu ai cũng phải cúi nể.
Một điều nghịch lý: Kẻ làm lợi cho Quốc gia thì bị xem là “phản động”, kẻ là sâu mọt Quốc gia thì lại được xem là “nhân vật tiêu biểu”.
Lương một giám đốc một công ty nhà nước chỉ có 5 triệu, thế nhưng nhà xây 5 tầng, xe con hồ bơi đủ cả. Những người tưởng chừng như không đủ khả năng lãnh đạo thì lại càng nắm giữ những trọng trách lớn lao nhất. Câu hài hước nhất mà dân chúng vẫn hay đem ra châm biếm: “Tôi vẫn còn đủ sức phục vụ cho nhân dân”.
Tư tưởng của chủ nghĩa xã hội là một thế giới công bằng, tự do, dân chủ. Nhưng xếp về nhân quyền, Việt Nam đứng thứ 134 của thế giới. Chính quyền cật lực ngăn chặn việc người dân tiếp xúc với tư tưởng dân chủ, tự do. Ngoài việc nhồi nhét “chủ nghĩa Mác – Lênin” đã lỗi thời xuất hiện cách đây trên trăm năm, bất kỳ hành động nào liên quan tới dân chủ, nhân quyền đều bị coi là “phản động”. Ngay đến cả chỉ cần like trang web hoặc đơn giản là fanpage được Chính quyền coi là “phản động” – nếu như bị phát hiện – cũng có thể dành cho một người tuân thủ Pháp luật Việt Nam 3 tháng tù treo. Còn việc comment, share, tùy theo mức độ của lời nói, kích động mà bản án phạt còn nặng hơn nhiều lần.
Thế nhưng chúng ta không thể như ông sư trong truyện kia – dù có phải mang tiếng xấu ngay bây giờ, lúc này, còn có nhiều người còn bị bắt giam vì dám nói lên sự thật đòi lại dân chủ, nhân quyền – Chúng ta không thể chùn bước chỉ vì hèn, vì sợ mà bỏ chạy, đánh mất đi lợi ích của dân tộc. Nếu ngày xưa trên chiến trường, để bảo vệ quê hương, dân tộc, gia đình, có ai đó hỏi ông cha : “Bạn có sợ chết không?” Nếu họ sợ chết, thì đã chẳng có Việt Nam ngày hôm nay.
Kết luận : Dưới thời kỳ Bắc thuộc 1000 năm, ông cha ta đã không ngừng đứng lên dành độc lập. Rồi hàng ngàn năm giữ độc lập dân tộc. Họ đã không sợ. Nếu đó là những điều tốt đẹp cho Quê hương, Đất nước, tôi nghĩ chúng ta không có gì phải sợ câu “phản động” cả.