VIỆT NAM – “75% nước thải từ các khu công nghiệp ở Việt Nam không được xử lý. Hàng ngày, hơn 1 triệu m3 nước thải được xả thải từ các khu công nghiệp và khoảng 75% trong số này không được xử lý, xả thẳng vào môi trường, gây nguy hại cho con người và sinh vật”. Đó là nhận định được đưa ra tại cuộc hội thảo về môi trường do Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên tổ chức tại Hà Nội vào ngày hôm qua 1/12/2015 với sự tham dự của các chuyên gia quốc tế về môi trường.
Hiện Việt Nam và Cộng Hoà Liên Bang Đức đang có một dự án hợp tác nghiên cứu khoa học với sự tài trợ của Bộ Giáo dục – Nghiên Cứu Cộng Hòa Liên Bang Đức và Bộ Khoa Học-Công nghệ Việt Nam có sự tham gia của 17 trường đại học và viện nghiên cứu Việt Nam và Đức.
Theo kết quả của dự án, trong quá trình phát triển kinh tế nhanh, Việt Nam đã xây dựng hơn 200 khu công nghiệp nhưng phần lớn các khu công nghiệp này đều chưa có giải pháp xử lý nước thải công nghiệp một cách bền vững.
Nước thải công nghiệp là nguyên nhân gây “chết” nhiều dòng sông như sông Nhuệ, sông Cầu ở miền Bắc và sông Đồng Nai ở miền Nam.
Theo số liệu của Hội Cấp Thoát Nước Việt Nam, hiện nay vẫn còn khoảng hơn 7 triệu dân sinh sống ở khu vực miền Bắc và Hà Nội vẫn đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn từ các loại rác (lỏng và rắn) chưa qua xử lý thải ra từ sinh hoạt hàng ngày của các hộ dân và các khu công nghiệp. Đây là nguyên nhân chính của nhiều loại bệnh liên quan đến ung thư, thần kinh và các bệnh ngoài da./.