Người dân tiếp tục hứng chịu ô nhiễm từ nhà máy Formosa!

- Quảng Cáo -

Nhà máy sản xuất thép Formosa Hà Tỉnh xả khói vàng nồng nặc mùi hoá chất gây ô nhiễm môi trường một khu vực rộng lớn đã khiến người dân bức xúc trong mấy ngày qua. Tuy nhiên theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Trọng Hải vào chiều 23/10 trả lời phóng viên Tạp chí Nhà đầu tư rằng hiện tượng khói vàng, trắng bay nghi ngút, dày đặc nhà máy Formosa Hà Tĩnh được xác định là “không có vấn đề gì”.

Cư dân gánh chịu hậu quả ô nhiễm

Ông Mai Châu Báu, nhà ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) nói với RFA rằng trong bán kính một vài cây số từ công ty Formosa, mỗi ngày người dân đều ngửi thấy mùi khói bụi, hoá chất.

Thỉnh thoảng, công ty này lại xả ồ ạt ra môi trường một lượng lớn khói bụi, vài tháng trước là khói màu đen, lần này là màu vàng đục:

- Quảng Cáo -

“Trong thời gian này có hiện tượng khói màu vàng đậm thải ra trong một khoảng thời gian. Mỗi khi đi trên đường thì cái mùi đó rất khó chịu, rất khó thở nhưng mà điều đó đã được coi như là một lẽ thường tình, đương nhiên của nhà máy này rồi.”

Từ khi Formosa đặt nhà máy sản xuất thép tại cảng Sơn Dương, Hà Tĩnh vào năm 2008 thì ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề hơn. Người dân hàng ngày phải đối mặt với nhiều loại ô nhiễm do công ty này gây ra, từ ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, ô nhiễm biển…, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, kinh tế của cư dân trong vùng.

Ông Báu nói mỗi khi mưa xuống, nếu lấy thau hứng nước thì sẽ thấy nước lắng một lớp cặn bụi than màu đen, chứ không được trong như ngày trước:

“Bây giờ, người ta cảm nhận được là bầu không khí hít thở không còn được trong lành. Ngày xưa mình có thể dùng nước mưa để ăn uống nhưng bây giờ là không được nữa rồi, không dám nữa. Mỗi khi đi trên đường mình phải gánh chịu những cái mùi mà Formosa xả ra.”

Vụ Formosa xả thải trực tiếp ra biển làm cá chết hàng loạt dọc bốn tỉnh miền Trung, từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế từ tháng 4/2016, cho đến nay vẫn để lại nhiều hậu quả nặng nề. Ông Báu cho biết:

“Đặc biệt là người dân lao động biển, doanh nghiệp đánh bắt hải sản thì bị gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, người ta không mặn mòi với nghề làm biển nữa mặc dù đó là nghề truyền thống, mặc dù biển cả là nơi cung cấp năng lượng và sự sống nhưng người ta cũng không còn mặn mòi với biển nữa, bởi vì mất mùa, thu hoạch thấp do nguồn hải sản cạn kiệt.”

Hơn chục ngàn người dân biểu tình trước công ty Formosa ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh vào tháng 10/2016. Ảnh: Citizen photo

Tập đoàn này đã nhận trách nhiệm và bồi thường 500 triệu đô-la Mỹ, nhưng chuyển cho chính quyền chứ không trao tận tay người dân. Người dân bị thiệt hại đã khởi kiện Formosa ở Việt Nam nhưng không được tiếp nhận đơn.

Vào tháng 6/2019, khoảng 8.000 nạn nhân tiếp tục kiện Formosa ra toà Đài Loan vì không nhận được đền bù thoả đáng. Cho đến nay, toà án ở Đài Loan đã chấp nhận thụ lý và hiện vụ án vẫn đang còn tiếp diễn./.

RFA

- Quảng Cáo -