Theo Dân Trí, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường vừa công bố phúc trình đặc biệt của Việt Nam về quản lý rủi ro thiên tai và các hiện tượng cực đoan, nhằm thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và dự báo xu thế thời tiết cực đoan ở Việt Nam, qua đó Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong đó bão, lũ lụt là hai loại thiên tai thường xuyên và nguy hiểm nhất.
Phúc trình cho biết, số ngày và số đợt nắng nóng có xu thế tăng trên hầu hết các khu vực, nhất là miền Trung. Đến giữa thế kỷ 21 số ngày nắng nóng tăng 20-30 ngày so với thời kỳ 1980-1999.
Cùng với đó hạn hán gia tăng ở hầu khắp cả nước, nhất là thời gian tháng 1 đến tháng 4 và tháng 5 đến tháng 8, trùng vào vụ đông xuân và hè thu. Trên thực tế các đợt hạn nặng đã và đang xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt là hạn cực khắc nghiệt.
Bảng phúc trình cũng chỉ ra sự gia tăng của mực nước biển khiến các vùng đang chịu ảnh hưởng xói lở bờ biển và ngập lụt tiếp tục bị trong tương lai, đồng thời với việc gia tăng tốc độ gió tối đa của các cơn bão, trở thành mối đe dọa cho vùng ven biển Việt Nam.
Qua theo dõi các năm cũng cho thấy, các đợt rét đậm rét hại có sự biến đổi phức tạp và biến động mạnh qua các năm. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như El Nino, La Nina, sự gia tăng mưa lớn sẽ làm tăng rủi ro sạt lở đất ở khu vực miền núi.
Ngoài ra, cực đoan khí hậu ở Việt Nam có nhiều thay đổi như mực nước cao bất thường ở vùng ven biển, xâm nhập mặn vào sâu đất liền, mưa cực đoan có xu hướng tăng.
Theo thống kê, trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình hàng năm của Việt Nam đã tăng từ 0.5 đến 0.7 độ C. Cũng trong giai đoạn này, mực nước biển dâng cao khoảng 20cm. Hàng năm, thiệt hại do thiên tai gây ra tại Việt Nam tương đương 1.5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Dự báo, đến năm 2100 Việt Nam sẽ mất khoảng 10% GDP do hậu quả BĐKH. Các tác động của BĐKH cũng sẽ ảnh hưởng tới hơn 12% diện tích đất nông nghiệp và khoảng 25% dân số của Việt Nam.