Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện một đường link yêu cầu lấy chữ ký, không rõ tác giả. Đây là một bức thư ngắn, viết bằng tiếng Anh với đôi chỗ chưa thực sự chuẩn về dữ kiện và ngôn ngữ, gửi đến chính phủ Mỹ theo đường link chính thức của nhà trắng. Theo quy định của luật pháp Mỹ, mọi ý kiến gửi đến, nếu nhận được đủ 100.000 yêu cầu ủng hộ, chính phủ Mỹ sẽ phải ban hành một câu trả lời chính thức, bất kể đó là nội dung gì.
Đây là đường link cho bài viết: https://goo.gl/lTQgbK
Trong một Status ngắn trên trang face này, anh chia sẻ thông tin và đề nghị mọi người cùng ký. Không dễ dàng để tập hợp đủ 100 nghìn chữ ký ủng hộ, và dù có đủ, thì ngay cả một phản ứng ngoại giao ủng hộ từ Mỹ cũng hầu như khó có thể thay đổi số phận của cậu thiếu niên 15 tuổi được đề cập đến trong bài viết. Tuy nhiên, hành động ấy rất có ý nghĩa. Bất cứ ai quan tâm và giành thời gian cho nó, cho một điều rất nhỏ và đơn giản bạn chưa bao giờ làm, cũng đồng nghĩa với việc chính bạn đang thay đổi. Ký hay không ký chỉ là vài cái kick chuột và vài dòng ký tự, nhưng nó lại quyết định đến việc thay đổi số phận, trong trường hợp này, không phải chỉ của một vài người. Thông điệp mà anh muốn nhấn mạnh: Hãy làm, hãy bắt đầu, từ những điều rất nhỏ, không phải cho hôm nay mà là cho ngày mai.
Nội dung câu chuyện trên là gì thì có rất nhiều thông tin trên net, cả chính thống lẫn mạng xã hội, anh không post lại ở đây. Đại loại là câu chuyện kinh điển về việc cưỡng chế giữa lực lượng hành pháp và sự phản kháng của một nhóm nhỏ người dân. Toàn bộ gia đình ấy đều đã ngồi tù. Cậu bé 15 tuổi trong bài viết này được tách ra xét xử riêng và bản án nhận được là 4 năm rưỡi tù giam. Câu chuyện này có nhiều nét phảng phất vụ án Tiên Lãng của ông Đoàn Văn Vươn, một người nông dân lương thiện chỉ muốn sống bằng chính đôi tay trên mảnh đất mình khai phá, bị đẩy vào thế buộc phải dùng bạo lực để chống lại đoàn quân đến cưỡng chế tài sản của mình. Ông Vươn nhận bản án 5 năm tù cho tội giết người (dù không ai chết) dưới mức khung hình phạt khá nhiều và mới được thả sau nhiều năm ngồi tù, nhưng vì sự can thiệp quyết liệt của dư luận xã hội, chính sách của nhà nước đã phải thay đổi và gia đình ông Vươn giữ được mảnh đất của mình. Hiện nay thì người đàn ông ấy đã quay về làm một nông dân, tiếp tục cần mẫn trên mảnh đất cũ đã hoang phế trong nhiều năm ngồi tù. Có lẽ đến giờ ông ta vẫn phải tự hỏi, cái gì đã khiến ông ta mất hơn 4 năm ngồi tù, một người lương thiện bị dồn vào bước đường cùng và để rồi ông lại trở về với chính những gì xuất phát?
Năm 2008, trong một buổi trả lời ý kiến người dân được truyền hình trực tiếp, có một câu hỏi được gửi đến Putin: “Nếu có một cảnh sát xấu đang đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân, thì liệu người dân có được quyền chống lại hay không?” Ông Putin, trên sóng truyền hình trực tiếp, đã trầm tư khá lâu và trả lời ngắn gọn “Có”. Và ông ta bổ sung “Luật pháp sau đó sẽ hành động để đảm bảo mọi người dân đều được bảo vệ, nhưng mỗi công dân trước hết đều có quyền bảo vệ chính mình”.
Câu chuyện của cậu thiếu niên 15 tuổi Nguyễn Mai Trung Tuấn năm 2015, câu chuyện về ông Đoàn Văn Vươn năm 2012, câu trả lời của ông Putin năm 2008, những câu chuyện khác nhau, xảy ra ở những không gian và thời gian khác nhau nhưng lại có một điểm chung xuyên suốt. Nó khiến người ta phải đặt ra một câu hỏi về tính hợp pháp hay bất hợp pháp trong các hành vi chống cự của người dân với các lực lượng hành pháp mang màu áo chính quyền trong những trường hợp cụ thể. Người Nga và nhiều nước khác đã có câu trả lời từ tổng thống và nền pháp quyền quốc gia của họ. Còn người Việt Nam, bất kể đó là câu chuyện gì, bất kể lực lượng hành pháp đang hành động đúng hay sai, cánh cửa duy nhất cho những người dân với lý lịch hoàn toàn vô tội ấy luôn luôn là nhà tù.
Anh buộc phải nhớ đến một sự kiện ở xa hơn, đã đi vào lịch sử, vụ án Đồng Nọc Nạng (nhiều nguồn tin gọi là Nọc Nạn) năm 1928, vào thời kỳ thực dân Pháp đang chiếm đóng Việt Nam. Chi tiết vụ việc, các bạn có thể đọc hai nguồn tin này:
https://vi.wikipedia.org/wiki/Vụ_…
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-…
Đại loại có một gia đình nông dân khai hoang 73 hecta đất sau nhiều thế hệ. Qua việc mua bán lòng vòng và các thủ đoạn cấu kết giữa một số cá nhân và quan phủ người Việt, gia đình người nông dân ấy “Gia đình ông Biện Toại” bị tước đoạt toàn bộ diện tích đất mình đã khẩn hoang. Việc theo kiện của ông ta không thành công và chính quyền thực dân cấp giấy sở hữu cho người chiếm đoạt. Ngày 16/02/1928 lực lượng cưỡng chế hợp pháp của chính quyền bấy giờ, gồm hai viên cảnh sát Pháp là Tournier và Bouzou cùng bốn lính mã tà từ Bạc Liêu đến Phong Thạnh để tiếp tay viên chức làng tịch thu lúa của gia đình Biện Toại. Bị dồn đến chân tường, toàn bộ gia đình Biện Toại chống lại đến cùng. Tournier bị Mười Chức (em ruột Biện Toại) đâm trúng bụng, sau đó thì chết. Phía gia đình Biện Toại có bốn người thương vong trong đó có một phụ nữ mang thai.
Tòa Đại hình Cần Thơ xét xử vụ án Nọc Nạng ngày 17 tháng 8 năm 1928. Chánh án là De Rozario, công tố viên là Moreau, Hội thẩm là ông Sự. Các luật sư biện hộ (miễn phí) cho gia đình Biện Toại là người Pháp, Tricon và Zévaco. Bản án được tuyên bởi một chánh án người Pháp, một công tố viên luận tội người Pháp và những luật sư biện hộ cho các bị cáo cũng là người Pháp, cho một vụ án mà hành vi chống người thi hành công vụ là rất rõ ràng (10 người trong gia đình Biện Toại, trang bị dao và mác nhọn chia làm hai tốp lao đến đoàn cưỡng chế) và gây ra cái chết của một cảnh sát Pháp. Vậy nhưng cái tòa án thực dân ấy lại tuyên một bản án cho những người nông dân thuộc địa chống chính quyền cai trị mẫu quốc một bản án mà đến ngày hôm nay, sang thế kỷ 21, còn khiến người Việt Nam đang sống trong chế độ Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa phải tự vấn cái gì đang thực sự tồn tại trên đất nước mình:
Tòa Đại hình Cần Thơ tuyên Biện Toại, Nguyễn Thị Liễu (em út Toại) và Tia (con trai Toại) được tha bổng. Cô Nguyễn Thị Trong, sáu tháng tù (đã bị tạm giam đủ sáu tháng) tha ngay tại tòa. Miều (chồng Liễu), hai năm tù vì tiền án ăn trộm.
Đó chính là công lý thời kỳ thực dân, thời kỳ mà ngày nay lịch sử được viết bởi bên thắng cuộc, luôn giành cho nó những ngôn từ đen tối nhất. Thế nhưng hãy nhìn bản án tuyên cho ông Đoàn Văn Vươn, cho cậu thiếu niên Nguyễn Mai Trung Tuấn, và tự đặt ra câu hỏi, vào năm 2015, ở thế kỷ 21, người dân Việt Nam đang thực sự được hưởng nền pháp lý kiểu gì?
Vì vậy, một lần nữa, các bạn phải tự đặt câu hỏi đâu là công lý và lẽ công bằng. Và hãy làm một điều rất nhỏ thôi, để thay đổi chính mình và cho ngày mai. Hãy ký:
P/S có một ý kiến comment thú vị của một bạn trong status trước của anh về cùng chủ đề:
Chuyện của người Kinh lại sang gõ cửa thằng Mẽo kêu oan khổ là sao? Thực sự đéo hiểu nổi
Và một ý kiến phản hồi cũng rất thú vị của một bạn khác: Chuyện Biển Đông là việc tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc nên cần song phương giải quyến vấn đề này. Đề Nghị nghiêm cấm mọi hành vi và tư tưởng đa phương hóa giải quyết vần đề này nhất là những việc đăng tin chính quyền Mỹ phản đối TRung Quốc trái phép xây dựng trên Biển Đông. Thực sự cũng đéo hiểu nổi…
Đây là ý kiến của anh: Để đấu tranh cho tự do và công lý, người ta cần tận dụng mọi phương tiện, mọi cơ hội ít ỏi có được, dù đó là ở đâu, là với ai. Nhất là khi đó là những giải pháp văn minh và hòa bình. Đơn giản vậy thôi.
Bổ sung câu trả lời cho các câu hỏi về chi tiết sự kiện:
Vài bạn thắc mắc vụ Nguyễn Mai Trung Tuấn, các bạn chịu khó search một tí. Tất cả các nguồn tin trên báo chính thống khi tường thuật vụ việc đều lờ tịt “thời gian gia đình Tuấn sinh sống trên mảnh đất này”, một thông tin rất quan trọng quyết định đến vụ án. Theo tường thuật của các nhân chứng sinh sống tại Thạnh Hóa – Long An, thì gia đình này (ông nội đã chết) sống ở mảnh đất này từ những năm 1965, tính đến 2015 là tròn 50 năm không có tranh chấp, trải qua hai chế độ, chính thể Việt Nam Cộng Hòa (cũ) và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (hiện nay). Việc họ có được coi là chủ nhân hợp pháp của mảnh đất đó hay không (dù có hay không có trước bạ), được quy định rõ trong luật đất đai 2003. Đây là câu chuyện của các luật sư và các nhà làm luật.
Có một vấn đề rất lớn là cơ sở chính để truy tố Tuấn là bản giám định thương tích của nạn nhân, được kết luận 35%. Đây là một bản giám định đáng ngờ, loại axit Tuấn sử dụng nếu là axit dùng để đổ ắc quy (thứ có sẵn trong nhà làm nghề sửa xe) thì khó có thể gây thương tích mang tính tàn phá như thế. Ảnh chụp nạn nhân Thủy trước tòa trông hoàn toàn không tương xứng với bản giám định thương tật 35%. Trên báo chí chính thống, đáng ngạc nhiên, không có bất cứ một bức chụp nào cận cảnh vết thương tích của nạn nhân. Tất cả đều được dấu kín trong bộ áo sơ mi đóng thùng chỉn chu và một bản giám định có nhiều khiếm khuyết. Việc ký ủng hộ Tuấn không đem lại cơ hội gì nhiều, nhưng ít nhất cũng sẽ gióng lên hồi chuông và biết đâu nó đem lại cơ hội cho một hội đồng giám định thương tật khác, xác định chính xác mức độ thương tích của “nạn nhân”.
Nói chung, đây vẫn là câu chuyện của “lỗi hệ thống và sự lạm dụng quyền lực” https://www.facebook.com/Langlanhtu… Các chính sách được ban hành và được thực thi nhằm mang lại lợi ích cho nhà cầm quyền chứ không xuất phát từ quan điểm “an dân”. Cho nên, công lý Đồng Nọc Ngạn thời kỳ thực dân vào năm 1928 vẫn là một giấc mơ cho nhiều người Việt Nam vào năm 2015.