Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai thừa nhận các dự án phá rừng trồng cây cao su đã hoàn toàn thất bại, vượt ra ngoài khả năng của tỉnh nên phải cầu cứu trung ương.
Theo kế hoạch, từ năm 2007, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đã cấp giấy phép cho 44 dự án của 17 doanh nghiệp thuê đất để trồng cây cao su. Cho đến nay, có 5 huyện đã khai thác được trên 32,000 hecta với kinh phí gần 42,000 tỷ đồng.
Ở huyện Đức Cơ, cao su được trồng trên đất thiếu mầu mỡ nên cây không lớn, sau 7 năm vẫn chưa thể khai thác. Ở huyện Chư Pưh nhiều vùng trồng cây cao su phải phá bỏ để chuyển sang mục đích khác. Theo phúc trình của Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai tại kỳ họp thứ 9 từ ngày 15 tới ngày 17 tháng 7, trên 10.2% diện tích cao su đã trồng bị chết, diện tích cây phát triển chậm chiếm 65% diện tích.
Kế hoạch dự trù thu dụng trên 9,000 công nhân, nhưng chỉ sử dụng được trên 2,000 công nhân, và công nhân phải sống với đồng lương rất thấp.
Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên bố mục tiêu chuyển đổi rừng thưa, rừng còi thành rừng cao su đã hoàn toàn đổ vỡ, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cũng đổ vỡ theo. Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai là ông Đinh Duy Vượt thừa nhận việc tổ chức, khai triển dự án quá chủ quan, vội vã, chạy theo số lượng và diện tích để tạo thành tích.
Trước nguy cơ dự án hoàn toàn đổ vỡ, tỉnh Gia Lai mong muốn chính phủ và Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn chấm dứt chương trình trồng cây cao su trên đất lâm nghiệp, đất rừng thiếu mầu mỡ, phục hồi lại rừng và trợ giúp tài chánh cho tỉnh Gia Lai.
Bài học phát triển nóng cà phê, hồ tiêu, điều, mía đường, quế, dứa, sắn… chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt của những năm trước đây, đến nay vẫn còn để lại hậu quả nhiều địa phương chưa khắc phục xong nay cao su lại tiếp tục đi lại vết xe đổ của những loại “cây vàng” trước đó.