Chỉ còn chưa đầy 3 năm nữa là Olympic mùa đông 2018 Pyeong Chan (có âm Hán là Bình Xương) khai diễn, thế nhưng hiện nay Ủy ban Olympic Hàn quốc chỉ mới kêu gọi được 4 công ty ký khế ước bảo trợ với số tiền 0,77 tỷ mỹ kim trong khi chi phí vận hành có thể lên tới 1,8 tỷ đô la. Chính vì lý do đó mà nhiều nơi tranh tài chưa được thi công. Theo kết quả thăm dò dư luận vào trung tuần tháng 3 vừa qua do tờ Thời báo Triều Tiên thực hiện thì khoảng 60% người dân Hàn quốc rất bi quan cho số phận của Olympic mùa đông Pyeong Chan 2018, con số này đã tăng lên gấp hai so với các cuộc thăm dò trước đây. Ngày 12/03/2015, nhiều tổ chức, đoàn thể dân sự ở Hàn quốc đã tổ chức họp báo để đưa ra đề nghị là nên phân tán mỏng các địa điểm tranh tài chứ không nhất thiết tập trung tại Bình Xương, chẳng hạn có thể kêu gọi Nhật và ngay cả Bắc Triều Tiên cùng hiệp tác tổ chức, nếu thực hiện được thì sẽ tiết giảm gần nửa tỷ mỹ kim.
Đề nghị này tuy hợp lý về mặt tài chánh, nhưng đã làm cho nhiều người dân Hàn quốc lên cơn sốc, thế là nhiều cuộc khẩu chiến, bút chiến bộc phát mạnh trên nhiều diễn đàn. Vì không thể im lặng nên Chủ tịch Ủy ban Olympic Hàn quốc là ông Triệu Lượng Hạo phải lên tiếng xác định rằng việc chuẩn bị có một vài trễ nải thật, nhưng không đáng lo ngại, tất cả sẽ hoàn tất trước ngày khai mạc. Theo ông Triệu thì Olympic mùa đông Bình Xương 2018 sẽ sử dụng 13 hội trường để làm nơi tranh giải, trong đó 7 hội trường đã có sẵn chỉ cần tu bổ lại là có thể sử dụng. 6 hội trường phải xây mới đã thi công. Về khách sạn cho khán giả thì hiện nay đã có 11.883 phòng dành cho lực sĩ tranh tài, ủy ban giám khảo và các ủy viên Olympic. Chỉ còn thiếu khoảng 2002 phòng tuy nhiên Ủy ban tổ chức Olympic sẽ giải quyết bằng cách Home Stay tức là xin tá túc ở nhà người dân có trả tiền.
Trong cuộc họp báo định kỳ của Thủ tướng Lý Hoàn Cửu vào sáng thứ sáu ngày 20/03/2015, các ký giả đã hỏi rằng Thủ tướng nghĩ gì về những lời phát biểu lạc quan của Chủ tịch Ủy ban Olympic trong khi thực tế thì không đúng như vậy… Thủ tướng Lý Hoàn Cửu trả lời rằng: Tất cả ý kiến của người dân đều rất cần thiết để nhắc nhở cho các cơ quan chức năng không được trễ nải hơn nữa , chính phủ cũng rất ưu tư về sự trễ nải này nên trong tuần qua tôi đã gặp ông Triệu để bàn thảo theo hướng hợp tác chặt chẽ giữa Ủy ban Olympic, chính quyền địa phương Giang Nguyên Đạo Bình và bộ Văn hóa-Thể dục. Vì sĩ diện quốc gia nên chính phủ phải tham gia giải quyết.
Thưa quý thính giả, lãnh đạo cao cấp của người ta luôn tôn trọng và thật tâm lắng nghe ý kiến của người dân, trong khi dưới chế độ CSVN, một cán bộ chỉ ở chức Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội là ông Phan Đăng Long xem dân như cỏ rác qua lời phát biểu mới đây của ông ta như sau: Cái gì cũng phải hỏi ý kiến (dân) hay sao?, bây giờ động đến cái gì đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì, không phải hỏi gì cả.
Trở lại với đề tài thì theo các bình luận gia Hàn quốc thì vấn đề chỉ là thiếu hụt tài chánh, vậy tại sao không tích cực kêu gọi những đại xí nghiệp Nhật bảo trợ. Nếu vì tự ti mặc cảm thì phải trích ngân sách quốc gia ra hay tăng thuế. Kêu gọi các công ty Nhật bảo trợ hay đưa một vài bộ môn tranh giải của Olympic Pyeong Chan 2018 sang Nhật tổ chức, cái nào tốt hơn. Câu trả lời đã quá rõ.
Về phía các xí nghiệp Nhật như Toyota, Toshiba…thì cho biết họ vẫn có hợp đồng bảo trợ cho Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) nên vẫn có quảng cáo trong Olympic Pyeong Chan 2018 nhưng ở một quy mô nhất định nào đó thôi. Nếu Ủy ban tổ chức Olympic Pyeong Chan 2018 đánh tiếng thì chúng tôi sẵn sàng nói chuyện chứ tại sao không.
Qua chuyện này chúng ta thấy giữa Hàn quốc và Nhật Bản vẫn còn căng thẳng về nhiều mặt khó giải quyết nổi trong vòng 5 năm sắp tới tuy rằng hai quốc gia này đều là đồng minh thân thiết với Hoa Kỳ.