Ngày 15 tháng 8 năm nay là đúng 70 năm ngày Nhật thua trận ở thế chiến thứ hai. Gần ba thập niên nay, năm nào đến ngày này ba nước Trung quốc, Hàn quốc và Bắc Triều Tiên đều chú tâm theo dõi xem Thủ tướng Nhật có đến lễ bái ở đền Yasukuni hay không, nếu có thì sẽ gay gắt lên án vì trong đền Yasukuni có an vị các hài cốt của những người Nhật bị kết án là tội phạm chiến tranh cấp A đã bị tử hình. Thủ tướng mà đến lễ bái ở đây là không biết phản tĩnh về tội ác của Nhật trong quá khứ, xem thường hàng triệu sinh linh bị lính Nhật sát hại trong thế chiến thứ hai và nguy hiểm nhất là muốn khôi phục lại tinh thần quân phiệt. Đó là những lập luận mà ba nước Trung-Hàn-Triều đưa ra để lên án. Vì sự chỉ trích đó nên hầu hết các Thủ tướng Nhật đều tránh không đến viếng đền Yasukuni, chỉ có 4 Thủ tướng là ông Nakasone, Hashimoto, Koizumi và nay là Abe với lập luận rằng đến viếng đền Yasukuni là để bày tỏ những cảm nhận mà tất cả mọi người ai cũng nên làm đó là không bao giờ phát động chiến tranh như hồi thế chiến thứ hai chứ chẳng phải theo như những chỉ trích của các quốc gia.
Cũng vào ngày 15 tháng 8, trước cửa đền Yasukuni đông nghẹt phóng viên, ký giả, cameraman của hầu hết các hãng thông tấn lớn của thế giới, tất cả đều chực sẵn từ sáng sớm để hễ chụp hay quay được cảnh Thủ tướng Nhật viếng đền là cho loan tin tốc báo ngay.
Cho đến nay có khoảng 1068 người Nhật bị tòa án Quốc tế buộc tội là tội phạm chiến tranh, trong đó có 14 người bị liệt vào cấp A, đứng đầu là Thủ tướng Tojo Hideki và cũng là Đại tướng lục quân thời đó. Ai cũng biết Thiên hoàng là người đứng đầu nước Nhật thế nhưng trong danh sách tội phạm chiến tranh không có tên Nhật hoàng Hirohito. Nhiều người cho rằng ông Hirohito chỉ là biểu tượng mà thôi chứ không phải là người phát động cuộc chiến tranh, hơn nữa nếu xử tử Nhật hoàng sẽ làm cho dân Nhật căm phẫn, sẽ khó cho quân đồng minh, đứng đầu là Hoa Kỳ ổn định tình hình ở Nhật sau thế chiến. Sự thật như thế nào đã được sáng tỏ theo những văn thư ngoại giao của Trung Hoa Dân quốc và nhật ký của Tưởng Giới Thạch mà chính quyền Đài Loan đã cho công bố vào ngày 01/08/2015 vừa rồi. Theo nhật ký của Tổng thống Tưởng Giới Thạch (lúc đó đang nắm quyền ở Hoa lục) thì vào tháng 6 năm 1945 khi biết rằng sớm muộn gì rồi Nhật cũng phải thất trận nên đã chỉ thị cho Bộ Tư lệnh quân đội Trung Hoa Dân quốc lập danh sách những người Nhật đáng bị liệt vào tội phạm chiến tranh để sau này đưa ra tòa án quốc tế xử phạt. Đứng đầu danh sách là Nhật hoàng Hirohito với tội danh kẻ đứng đầu nhóm chủ trương chiến tranh rồi mới đến Thủ tướng Tojo. Với tội danh như thế thì không thể nào thoát khỏi tội tử hình, nhưng đến tháng 9 năm 1945 thì tên Nhật hoàng Hirohito được gạt ra khỏi danh sách này theo quyết định của Tổng thống Tưởng Giới Thạch và có sự đồng ý của đồng minh, nói thẳng ra là sự đồng ý của Tổng thống Harry S. Truman của Hoa Kỳ lúc đó với lời giải thích số phận Nhật hoàng để cho dân Nhật định đoạt là tốt hơn cả.
Mặc dù các tướng lãnh Trung Hoa trong Ban thành lập danh sách tội ác chiến tranh đã yêu cầu Tổng thống Tưởng Giới Thạch hãy suy nghĩ lại vì cho rằng nếu còn ông Hirohito thì Hoàng thất Nhật sẽ là mầm mống gây ra chiến tranh trong tương lai rất nguy hiểm. Thế nhưng Tổng thống Tưởng Giới Thạch không hề đổi ý vì theo các tin tức tình báo mà ông Tưởng Giới Thạch biết được, lúc đó thế lực cộng sản ở Nhật bắt đầu mạnh mà nếu đem xử tử Nhật hoàng Hirohito thì sẽ tạo ra khoảng trống chính trị rất có lợi cho đảng Cộng sản Nhật bành trướng thế lực, không đem Nhật hoàng Hirohito ra xử tử là để ngăn cản sự bành trướng của đảng Cộng sản Nhật.
Có sự giải mã này mới hiểu tại sao khi Trung Hoa Dân quốc tức là Đài Loan dưới quyền của Tổng thống Tưởng Giới Thạch sắp bị gạt ra khỏi Ủy viên Thường vụ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc vào tháng 10 năm 1971 để trao cho quốc gia Cộng hòa Nhân dân Trung quốc tức là Trung cộng của Mao Trạch Đông thì Nhật hoàng Hirohito đã gọi Thủ tướng Sato đến Hoàng cung bảo rằng hãy cho Hoa Kỳ biết ý kiến của Nhật là ủng hộ chính quyền Trung Hoa Dân quốc của Tổng thống Tưởng Giới Thạch. Mặc dù sau thế chiến, Nhật hoàng Hirohito chỉ còn là biểu tượng của Nhật, nhưng Thủ tướng Sato đâu dám trái ý và đã chuyển đạt lời nhắn đó cho Hoa Kỳ biết nhưng vẫn không giải quyết được gì. Chuyện này cũng đã được ghi trong các văn thư Ngoại giao của Hoa Kỳ đã được Washington công bố cách đây mấy năm sau khi thời hạn giữ bí mật chấm dứt.