Tôi trở về tuổi nhỏ bắt đầu với ngôi nhà của ngoại nằm sát bên dòng sông Hiếu, có lối trải sỏi ra đến bờ sông. Ngôi nhà thật rộng với những hàng cột bằng mít được đánh láng bóng. Thuở nhỏ, tôi thường đánh đu lên đó rồi thả xuống như tấm đu tuột ở các vườn chơi trẻ em bây giờ.
Thuở đó ba tôi đi làm ăn xa, mẹ tôi cho thuê lại ngôi nhà ở thị xã và đưa anh em tôi về ở với ngoại. Quê ngoại đã cưu mang tôi bằng đôi tay âu yếm khó nghèo. Ngoại cưng chiều chúng tôi đến nỗi mẹ tôi phải la rầy sợ riết rồi chúng tôi hư. Bây giờ tôi vẫn còn nhớ, ngoại thường mang chiếc áo cánh màu nâu, cõng tôi trên vai đi khắp làng. “Đây là thằng cháu tui đây. Tui cưng hắn lắm, cục vàng của ngoại đây mà”. Rồi ngoại hôn lên má tôi.
Từ thơ bé tôi đã được hưởng tình thương yêu của ngoại. Bàn tay ngoại nâng niu từng trái bắp, củ khoai. Có bao nhiêu món ăn vật lạ, ngoại thường dành cho các cháu. Những lần đi kỵ giỗ thế nào ngoại cũng đem về một lô bánh ít, bánh dầy. Chao ôi, tình thương yêu của ngoại sao đằm thắm, thiết tha đến thế.
Thuở nhỏ tôi cũng đã chập chững đến trường học vỡ lòng của ông cậu có họ xa từ thuở về ở với ngoại. Những sáng tinh sương, anh em tôi dậy thật sớm, điểm tâm bằng một dĩa xôi sáo, căng bụng, rồi đến trường. Tiếng trâu bò lao xao bờ dậu hòa với tiếng gọi nhau trong buổi sáng sương mờ là những hình ảnh đẹp tuyệt vời nhất đối với riêng tôi.
Vì là dân ở thị xã về nên mấy đứa bạn trong làng nể anh em tôi lắm. Chúng thường đem về cho tôi những chú chim sẻ, chào mào, sáo sậu bỏ trong những cái lồng nhỏ đan bằng tre nứa. Tôi đã say sưa nằm trong vườn, dưới gốc mít to bằng người ôm, nghe mấy chú chích chòe hót vang trong những chiều nắng hạ. Những lần vào rú câm hát móc, muống, dâu tiên, cho vào hai túi lớn rồi nằm nhâm nhi từng hột cho đến khi hết. Hoặc những lần vào mùa nước cạn, cùng tụi bạn trong làng, bơi vượt qua con sông lớn, đánh nhau với tụi làng bên. Một lần hụt hơi suýt chết đuối. Khi về bị ông cậu làm giáo làng phết mấy roi vào mông đau đứt ruột.
Những ngày thơ ấu của tôi cũng trải dài trên cánh đồng của quê nội, tuy không được nồng đượm và thân thiết bằng quê ngoại. Vì, thảng hoặc, tôi mới được về nội vào những dịp dẫy mả hay những mùa lúa chín với ba má. Vả lại, quê nội xa hơn quê ngoại nhiều. Ở thị xã, muốn về nội, phải vượt qua mấy con sông, từ ngã ba cầu Đông Hà, qua Gia Độ, đến chợ. Hôm rồi mới về đến Lâm Xuân. Hoa*.c đi bằng đường bộ, đáp xe đò đến Gio Linh. Từ đó vượt qua đồn cát Nhĩ Hạ rộng đến mỏi chân. Vì thế mới có câu:
Ngó lên rừng thấy toàn xa lạ
Ngó về Nhĩ Hạ thấy cát trắng phau
Anh ơi anh nỡ lòng nào
Để em thơ thẩn ra vào không yên.
Những ngày ở quê nội tôi cũng bắt đầu biết thương những câu ca dao trầm buồn với tiếng võng đưa kẽo kẹt. “Đói lòng ăn nửa trái sim. Uống lưng bát nước đi tìm người thương”. Hoặc “Ra về cởi áo lại đâỵ Để khuya em đắp kẻo ngọn gió Tây lạnh lùng”.
Tình thương của tôi dành cho quê nội và quê ngoại không làm sao nói cho hết. Và những kỷ niệm này đến đi bất chợt, để mỗi lần như thế, lòng tôi lại chùng xuống, buồn như khúc độc huyền cầm.
Tuổi nhỏ của tôi cũng rất hạnh phúc với những tháng ngày ở thị xã. Thị xã thật nhỏ bé, nằm giữa ngã ba ra Bắc, lên Lào. Là nơi phân rẽ của hai quốc lộ một và chín. Và cũng là sân ga cuối cùng của những chuyến tàu từ Nam ra. “Cớ chi tàu đỗ Đông Hà. Viết thư, chụp bóng gửi về nhà thăm em”.
Tôi đã biết đứng lặng buồn trên sân ga khi con tàu rời bến. Tiếng còi vang trong sáng sớm hay đêm khuya luôn luôn làm tôi xúc động. Nhớ những lần tinh sương, má tôi dẫn tôi ra sân ga tiễn ba tôi. Tôi đọc được nỗi buồn hiện rõ trên khuôn mặt của ba tôi. Và từ đó, tôi cũng đã thấy nhiều cảnh buồn đưa tiễn như trong thơ Nguyễn Bính:
Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt
Buồn ở đâu hơn ở chốn này.
Tôi cũng rất thương những chuyến tàu đưa tôi rong chơi trong thiên đường tuổi nhỏ. Đứng bên cửa hông tàu lộng gió, tôi đã say sưa theo điệu nhạc xình xịch của máy tàu. Và không có gì tuyệt thú bằng làm những chuyến giang hồ vặt trên con tàu vụt nhanh trên thiết lộ. Sau này, khi lớn lên, chiến tranh lan rộng, những con tàu buồn bã về nằm co ro trong một góc của sân ga, tôi thấy buồn cho chúng và thương cho tuổi ấu thời của các em tôi mất đi một niềm hạnh phúc đơn giản.
Tuổi nhỏ của tôi cũng đượm nồng tình thương yêu bè bạn trong ngôi trường tiểu học Tê-rê-xa xinh xắn. Thuở ấu thời trong sáng và đầy ắp kỷ niệm vui như pháo Tết. Những khuôn mặt bạn bè cũ lần lượt ra đi, ít khi gặp lại, nên mỗi lần gặp nhau, kỷ niệm tuổi nhỏ thường được khơi ra, kể nhau nghe nỗi vui buồn thời còn bé. Những Mừng, Diệu, Minh, Chí, Công, Lộc, Huyền, Phú của ngày xưa, bây giờ mỗi đứa mỗi đổi thay, có đứa đã nằm xuống như Huỳnh, đôi lúc tôi thấy buồn vô cùng.
Tuổi nhỏ của tôi là một thiên truyện dài hạnh phúc bất tuyệt mà tôi không thể nào hồi tưởng lại hết từng chi tiết. Nhưng tôi rất bằng lòng với thiên đường thơ ấu đó. Và cho đến bây giờ, khi đã lớn lên, tôi vẫn nghĩ về nó như nghĩ về một khoảng trời mơ xanh êm đềm, và có lẽ không bao giờ tìm lại được.