Tuần san Nam Phương kháng nghị yêu cầu Trưởng ban Kiểm duyệt tỉnh Quảng Đông phải từ chức
Dạ Thảo và Hoàng Đỉnh xin kính chào quý thính giả của đài Chân Trời Mới để mở đầu cho tiết mục Từ Á Sang Âu tuần này là đề tài nói đến việc hơn 150 ký giả của tờ tuần san Nam Phương ký tên chung trong một bản kháng nghị yêu cầu Trưởng ban Kiểm duyệt tỉnh Quảng Đông phải từ chức vì đã tự ý thay đổi nội dung lẫn tựa đề bài bình luận của tờ báo này.
Dưới chế độ cộng sản, không có báo đài tư nhân, tất cả hệ thống truyền thông đều là công cụ tuyên truyền của Đảng và nhà nước, vậy mà trong những năm gần đây nhiều tờ báo ở Hoa lục thường bị Ủy ban Tuyên giáo & Kiểm duyệt Trung ương đảng Cộng sản Trung quốc khiển trách là chao đảo là mất đảng tính nên cố tình viết lách để qua mặt Đảng. Tờ Nam Phương thời báo và tờ tuần san Nam Phương ở tỉnh Quảng Đông là một trong những trường hợp điển hình nên bị chiếu tướng nhiều nhất, hết ông Tổng biên tập này đến ông Tổng biên tập khác bị cắt chức hay bị hạ tầng công tác thế nhưng càng bị khiển trách thì lại có nhiều người tìm đọc. Điều này chứng tỏ người dân Hoa lục thích biết những gì mà Đảng muốn dấu, cấm không cho đọc, nói thẳng ra là muốn cái xấu của Đảng được đưa lên mặt báo.
Mới vào đầu năm Dương lịch 2013, tờ tuần san Nam Phương đã khai pháo bằng một bài bình luận với tựa đề ’’Giấc mộng của Trung quốc- Giấc mộng Dân chủ pháp trị ’’ có nội dung đề cao nền dân chủ pháp trị mới mong ngănn chận được các chính sách độc đoán, hủ lậu. Bài này dự định sẽ cho đăng ở số báo phát hành đầu năm 2013, nhưng trước ngày in phải nạp toàn bộ bản cảo cho Ủy ban Tuyên giáo & Kiểm duyệt tỉnh Quảng Đông xét, nếu không có vấn đề gì thì mới được phép in để phát hành. Tờ tuần san Nam Phương đã tuân thủ theo luật kiểm duyệt đó và đã được phép in vậy mà khi số báo ngày 03/01/2013 sắp lên khuôn thì Trưởng ban Tuyên giáo & Kiểm duyệt tỉnh Quảng Đông là ông Tuo Zhen điện thoại đến bắt phải bỏ bài bình luận đó đi để đăng một bài bình luận khác do chính ông ta đưa xuống với cái tựa ’’Đảng đang đưa chúng ta đến gần giấc mộng lớn:Phục hưng dân tộc’’, nội dung thì xào nấu lại bài bình luận mà tờ tuần san Nam Phương đã nạp, đục bỏ tất cả các đoạn đề cập đến quyền được đối xử bình đẳng, quyền được sống tự do, dân chủ theo quy định của luật pháp, thay những chổ bị đục bỏ này bằng những câu ca tụng Đảng lên đến tận mây xanh. Tờ tuần san Nam Phương rất bất mãn trước chuyện này vì cho rằng nếu nội dung bài bình luận sai trái với chủ trương và đường lối của Đảng thì cứ cấm không cho đăng hoặc đến bắt chúng tôi đi, cớ gì mà áp đặt một bài mới bắt chúng tôi phải đăng. Để phản đối việc làm sai trái đó của Ủy ban kiểm duyệt,toàn bộ 150 ký giả của tờ tuần san Nam Phương đã ký tên chung trong một bản kháng nghị yêu cầu ông Tsu Zhen phải từ chức Trưởng ban Kiểm duyệt tỉnh Quảng Đông. Ngày 07/01/2013, nhiều ký giả của tờ tuần san này đã biểu tình đình công ngay trước tòa soạn để phản đối chuyện chính quyền xen vào nội dung bài bình luận. Gần cả 1000 người dân biết chuyện kéo đến ủng hộ các ký giả đang biểu tình Trang nhật ký điện tử (Twitter) của nữ tài tử nổi tiến Yao Chen (Diệu Thần) có đến 31 triệu người đọc cũng đã viết những lời ủng hộ các ký giả đang biểu tình đình công.
Ngoài tờ tuần san Nam Phương ra, đầu năm 2013 này, trang điện tử của tờ nguyệt san Viêm Hoàng Xuân Thu, cũng bị đóng cửa vì số báo tháng 1/2013 cho đăng những bài có nội dung yêu cầu nhà nước phải tôn trọng những quyền tự do căn bản của người dân chứ không được đứng trên luật pháp để muốn làm gì thì làm. Tờ nguyệt san này do các đảng viên kỳ cựu thuộc cánh cố Tổng bí thư Triệu Tử Dương thành lập vào năm 1989, sau này lôi kéo thêm được nhiều trí thức cấp tiến đòi phải cải cách chính trị. Ông Dương Kế Thẳng, Phó Tổng biên tập tờ nguyệt san này nói với các ký giả nước ngoài rằng Ủy ban Tuyên giáo Trung ương đảng không dám ra mặt dẹp chúng tôi nên đã chỉ thị cho bô Thông tin & Văn hóa tìm cách bịa ra một số chuyện rồi bảo chúng tôi vi phạm hành chánh để bắt phải đóng cửa trang mạng.
Chuyện 150 ký giả của tờ tuần san Nam Phương công khai ký tên đòi ông Tuo Zhen phải từ chức hiện là một hành động chưa bao giờ xảy ra ở Trung quốc nên được cư dân mạng ở Hoa lục tán phát rộng rãi cho mọi người biết tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi mà phần lớn ý kiến đều ủng hộ việc làm của tờ tuần san Nam Phương.
Ngoài việc ra lịnh cấm không cho các blogger đem chuyện này ra bàn, Ủy ban Tuyên giáo Trung ương đảng Cộng sản Trung quốc đã phải triệu tập một hội nghị khẩn cấp vào ngày 04/01/2013 dưới sự chủ trì của ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên Thường vụ bộ Chính trị. Tại hội nghị này, ông Lưu một lần nữa khẳng định rằng truyền thông Trung quốc phải làm theo chủ trương và đường lối của Đảng chứ không thể nào tách rời khỏi Đảng được. Truyền thông của chúng ta, tức là Trung quốc, không thể là cánh tay nối dài của truyền thông Âu Mỹ, cơ quan nào còn vi phạm sẽ bị kỷ luật nặng. Sau hội nghị, Ủy ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ thị cho tất cả các báo phải đăng lại bài bình luận ’’Đảng đang đưa chúng ta đến gần giấc mộng lớn:Phục hưng dân tộc’’ đã đăng trên tuần san Nam Phương, nhưng đa số báo chí đều từ chối đăng với lý do báo không còn chổ.
Theo các bình luận gia về tình hình chính trị, xã hội Trung quốc thì báo chí ở Hoa lục ngày càng mạnh dạng hơn trong việc đòi cải cách chính trị, đây là mối nguy thấy rõ đối với một chính quyền cộng sản độc tài nên chỉ còn một cách sử dụng biện pháp răng đe để siết chặt, nhưng biện pháp này có còn được hiệu quả như sự mong muốn của Đảng hay không lại là một chuyện khác.
Miến Điện bãi bỏ lịnh kiểm duyệt và cho tư nhân ra nhật báo
Cũng liên quan đến ngành truyền thông ở Á Châu, một tin vui đầy phấn khởi cho người dân Miến Điện là chính của họ đã bải bỏ lịnh kiểm duyệt và cho tư nhân ra nhật báo. Đây là một bước tiến rất lớn trong tiến trình dân chủ hóa đất nước của chính quyền ông Thein Sein.
Năm 1962, sau khi cướp chính quyền bằng một cuộc đảo chánh, chính quyền quân nhân Miến Điện đã bị báo chí nước này đả kích nặng nề nên chính quyền quân phiệt đã ra lịnh cấm không cho tư nhân ra báo ngày, chỉ được ra báo tuần, báo tháng, báo văn nghệ, báo thể thao…để người dân đọc giải trí, nhưng trước khi báo lên khuôn phải qua sự kiểm duyệt của các cơ quan hũu trách. Vì không có thế lực thứ tư là quyền tự do báo chí đóng vai trò phê phán nên chính quyền quân phiệt tha hồ làm bậy mà không sợ bị ai chỉ trích, hệ quả của việc này là việc Miến Điện từ một nước phát triển vào hàng đầu vùng Đông Nam Á đã trở thành một quốc gia nghèo đói, chậm tiến, bị thế giới cô lập, chỉ còn biết dựa vào Trung quốc để sống qua ngày, nhưng dựa vào Bắc Kinh thì bị họ chi phối mạnh, mạnh đến độ trở thành sân sau của Trung quốc nên chính quyền quân phiệt Miến Điện đã thức tỉnh bằng cách đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa đất nước có thế mới mong thoát khỏi sự kềm kẹp của Trung quốc.
Để giữ đúng những gì đã cam kết nhằm đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa đất nước, chính quyền Miến Điện ngoài việc thả tù chính trị còn cam kết sẽ tôn trọng những quyền căn bản của người dân, trong đó có quyền tự do báo chí. Để giữ đúng lời cam kết đó vào đầu năm 2013, chính quyền Miến Điện đã ra thông báo cho hay vào tháng hai tới sẽ bắt đầu nhận đơn cho bất cứ ai muốn ra báo ngày, nếu hồ sơ đăng ký hoàn tất và nạp ngay thì đầu tháng 4 có thể phát hành báo. Ngoài thông báo này ra còn có thêm một Quyết định thư bải bỏ việc kiểm duyệt trước khi báo lên khuôn. Thông báo này vừa ban ra là đã nhiều người chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để nạp đơn, vậy là sau 50 năm bị bóp nghẹt, báo ngày của tư nhân ở Miến Điện sẽ được hồi sinh để góp phần vào việc đưa đất nước đi lên.
Được biết hiện nay ở Miến Điện chỉ có 4 tờ báo phát hành, một tờ tiếng Anh và hai tờ tiếng Miến Điện do nhà nước quản lý, một tờ khác do quân đội phát hành. Về phía tư nhân thì chỉ có báo tuần, báo tháng chuyên về thể thao, văn nghệ, giải trí nhưng bị kiểm duyệt gắt gao trước khi phát hành. Ông Than Htut Aung, Đại diện Media Group Seleven, nói với các ký giả rằng sự hiểu biết về việc làm hàng ngày của chính quyền là một trong những quyền lợi của người dân, cấm báo chí tư nhân phát hành là ngăn cản sự muốn hiểu biết của người dân. Media Group Seleven đã chuẩn bị xong các thủ tục cần thiết, chỉ chờ đến ngày là đăng ký ra nhật báo để phục vụ mọi người. Lẽ đương nhiên nếu loan tin thất thiệt thì sẽ bị đem ra tòa xử phạt theo luật lệ hiện hành, nhưng hình phạt nặng nhất của giới làm truyền thông là bị độc giả xa lánh vì vậy chẳng cần hệ thống kiểm duyệt làm gì cho tốn của, mất công. Về phía các ký giả và những người làm báo ở xứ chùa Vàng thì yêu cầu Quốc hội Miến Điện phải bải bỏ toàn bộ các sắc luật đang gây trở ngại cho quyền tự do thông tin, không được tùy tiện bắt bớ các ký giả được phép hành nghề, ban hành một đạo luật Bảo vệ quyền tự do ngôn luận….Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã hứa sẽ thúc đẩy Quốc hội chóng thông qua những yêu cầu hợp lý này để cho quyền tự do ngôn luận của Miến Điện được hồi sinh.
Thưa quý thính giả, một khi mà đất nước có quyền tự do ngôn luận thì chắc chắn chính quyền không dám ngang nhiên làm bậy, nội chừng đó thôi cũng đủ giúp đất nước phát triển chứ chưa cần bàn đến những đóng góp thiết thực khác của ngành truyền thông trong việc xây dựng quốc gia. Bao giờ thì Việt Nam được như Miến Điện bây giờ?, hỏi tức là đã trả lời.