– Vùng tranh chấp thứ nhất ở phía Đông VN, tức tranh chấp Biển Đông giữa VN, Malaysia, Brunei, Philippines, Đài Loan và TC (Trung Cộng). Nhưng đối thủ tranh chấp đáng kể nhất của VN là TC, với bản đồ đường lưỡi bò tự phịa chiếm 80% diện tích Biển Đông, liếm gần hết vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của VN theo quy định của công ước Quốc tế về luật biển năm 1982. Những năm gần đây, đường lưỡi bò phi pháp của TC liếm cả vào bãi đá ngầm Tư Chính và rốn dầu Nam Côn Sơn của Việt Nam, là những vùng trước đây nằm ngoài đường lưỡi bò 7 đoạn, nhưng vì có nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào nên bị đường lưỡi bò mở rộng liếm vào…
Năm 1974 TC dùng vũ lực đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của VN. Năm 1988 TC tiếp tục dùng vũ lực cưỡng chiếm một phần quần đảo Trường Sa của VN, tôn tạo thành hàng loạt căn cứ quân sự hiện đại.
Bất chấp tòa trọng tài Quốc tế về luật biển PCA ra phán quyết trong vụ kiện của chính phủ Philippines. Qua đó PCA không công nhận bất cứ thực thể nào trong Biển Đông có lãnh hải 12 hải lý. Song TC vẫn ngang nhiên công bố chủ quyền đường lưỡi bò 9 đoạn dựa vào lãnh hải 12 hải lý phi lý ở các thực thể ( bãi đá nổi, bãi đá ngầm, bãi đá nửa nổi) mà TC nhận vơ trong Biển Đông.
Cuộc tranh chấp Biển Đông giữa VN và TC ngày càng gay gắt. Nói chính xác đây là cuộc chiến bảo vệ chủ quyền Biển đảo của VN chống lại dã tâm của TC đã, đang và sẽ tìm mọi cách tranh chiếm Biển đảo VN, nên việc vệ quốc ấy sẽ khó có thể có hồi kết trước tham vọng tranh chiếm không ngừng nghỉ của TC và trước quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của VN.
– Vùng tranh chấp thứ hai ở phía Tây VN? Đó là việc có thể sẽ xảy ra gay gắt trong tương lai gần, là tranh chấp nguồn nước sông Mekong.
Hai thập niên trước ít ai nghĩ sẽ có tranh chấp nguồn nước Sông Mekong gay gắt như tranh chấp nguồn nước bên Trung Đông. Bởi khi ấy, cũng như ngàn năm qua, Sông Mekong mang nước phù sa màu mỡ, dày tôm cá, chan hòa cho TC, Lào, Myanmar, Thái Lan, Cambodia và VN, không khi nào hết nước.
Nhưng từ khi TC xây hàng loạt đập thủy điện chắn dòng chính sông Lan Thương (phần Sông Mekong chảy trong lãnh thổ TC), tiếp nối là series đập thủy điện của Lào trên Sông Mekong chảy trong nước Lào, sắp tới có thể là các đập thủy điện chắn dòng Mekong trong lãnh thổ Cambodia, và đặc biệt là, nếu Cambodia đào kênh Phù Nam (Funan) nối dòng chính Sông Mekong thoát nước ra Vịnh Thái Lan, thì… “Thượng điền tích thủy hạ điền khan”, các nước hạ nguồn Sông Mekong sẽ khan nước. Đồng bằng Sông Cửu Long, vựa lúa khổng lồ của VN và ASEAN có nguy cơ thiếu nước canh tác. Những năm gặp hiệu ứng El Nino khô hạn kéo dài như năm nay, thì Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ khan nước trầm trọng, khan cả nước sinh hoạt.
Lúc này, khi kênh Phù Nam chưa đào, khi các dự án đập thủy điện chắn dòng chính Mekong của các nước chưa khai thác hết, khi mùa khô hạn El Nino chưa qua nửa chặng đường, mà nhiều vùng tại Đồng bằng Sông Cửu Long đã thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, tỉnh Tiền Giang đã buộc phải công bố tình trạng khẩn cấp về thiếu nước… Thì trong tương lai, khi Cambodia hoàn thành kênh đào Phù Nam, khi các dự án đập thủy điện chắn dòng chính Mekong ở các nước được khai thác hết, thì không biết số phận Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ ra sao ? Từ đó, và bắt đầu từ hôm nay, việc đấu tranh bảo vệ quyền lợi nguồn nước Sông Mekong ở các nước hạ nguồn như VN sẽ phải đặt ra một cách nghiêm túc, vì khả năng tranh chấp nguồn nước Mekong có thể gay gắt như tranh chấp nguồn nước ở Trung Đông là khó tránh khỏi trong tương lai gần !