Chủ tịch Trung Quốc yêu cầu Việt Nam chống lại những ý đồ ‘gây rối’ khu vực từ bên ngoài

- Quảng Cáo -

VOA Tiếng Việt

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 13/12 kêu gọi Hà Nội cùng Bắc Kinh ngăn chặn các thế lực bên ngoài muốn gây rối ở châu Á-Thái Bình Dương khi kết thúc chuyến thăm hai ngày tới quốc gia Cộng sản láng giềng.

Chuyến thăm của ông Tập, được mô tả là “dấu mốc quan trọng trong lịch sử” Việt Nam và Trung Quốc, diễn ra chỉ vài tháng sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội để nâng cấp mối quan hệ với Việt Nam lên ngang hàng Trung Quốc, một động thái được giới quan sát xem là nỗ lực của Washington nhằm gắn kết hơn với khu vực trong việc đối trọng với sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh.

“Trung Quốc và Việt Nam nên cảnh giác và phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây rối loạn khu vực châu Á-Thái Bình Dương,” ông Tập nói với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong ngày công du cuối cùng của ông tại Hà Nội, theo China Daily.

- Quảng Cáo -

Tờ nhật báo Tiếng Anh của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết rằng ông Tập kêu gọi hai nước cùng “tăng cường phối hợp và hợp tác trong các vấn đề quốc tế.”

Nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông không đề cập cụ thể đến một thế lực nào trong khi ông Chính, được China Daily trích lời, khẳng định quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc “đã vượt qua thử thách của thời gian và lịch sử” nên “sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sự can thiệp nào do các thế lực bên ngoài gây ra.”

Truyền thông do nhà nước quản lý tại Việt Nam không đề cập đến những trao đổi giữa ông Tập và ông Chính về việc cùng nhau ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài vào các vấn đền giữa hai nước và khu vực.

Đưa tin về cuộc gặp tại Trụ sở Chính phủ ở Hà Nội, báo Tin Tức cho biết ông Tập đề nghị hai bên “tăng cường hợp tác duy trì an ninh, ổn định trật tự xã hội” và “cùng nhau thúc đẩy xây dựng trật tự quốc tế công bằng, cởi mở” cũng như “duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới.”

Còn ông Chính được tờ báo của TTXVN trích lời đề nghị rằng hai bên “kiểm soát tốt bất đồng và xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển” theo luật pháp quốc tế.

Ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Hà Nội hồi giữa tháng 9, truyền thông của nhà nước Trung Quốc nói rằng tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam đã khiến cho mối quan hệ Mỹ-Việt trở nên gắn bó hơn. Hoàn cầu Thời báo lúc đó đã cảnh báo Việt Nam “không thành lập liên minh chiến lược với Mỹ” hay “đứng về phía Mỹ trong vấn đề Đài Loan” để “cô lập Trung Quốc.”

Trong Tuyên bố chung, được ông Tập và Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng đưa ra hôm 13/12, Việt Nam tái khẳng định sự kiên định của mình trong việc thực hiện chính sách “một Trung Quốc”, công nhận Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc và “kiên quyết phản đối hành động chia rẽ ‘Đài Loan độc lập’ dưới mọi hình thức’, ủng hộ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước và không phát triển bất cứ quan hệ cấp Nhà nước nào với Đài Loan.”

Việt Nam cũng cho rằng các vấn đề Hong Kong, Tân Cương, Tây Tạng là công việc nội bộ của Trung Quốc, theo Tuyên bố chung.

‘Tương lai chung’

Trước khi đưa ra Tuyên bố chung, ông Thưởng tiếp ông Tập tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, theo VOV, tờ báo của Đài tiếng nói Việt Nam. Tại đó, ông Thưởng khẳng định mối quan hệ “hữu nghị truyền thống” Việt-Trung đã “vượt qua những thăng trầm của lịch sử, như vàng đã được thử lửa, như sức kiên trì đã được tôi luyện qua các gian truân” và sẽ “không ngừng phát huy.”

Trong Tuyên bố chung, Việt Nam và Trung Quốc khẳng định lại mối quan hệ “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” và đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo với “chế độ chính trị tương đồng, lý tưởng niềm tin tương thông, con đường phát triển gần gũi, cùng chí hướng, chia sẻ tương lai chung.”

Tuyên bố chung, được VnExpress đăng toàn văn, nói rằng Việt Nam và Trung Quốc “nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.”

Mặc dù các lãnh đạo Việt Nam ủng hộ việc tham gia vào “Cộng đồng chia sẻ tương lai” của Trung Quốc, còn được gọi là “Cộng đồng chung vận mệnh”, nhưng giới giới bất đồng chính kiến và nhiều người dân trong nước đã lên tiếng phản đối, khi cho rằng Việt Nam không thể chung vận mệnh với một quốc gia có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông.

Vấn đề Biển Đông được đề cập trong Tuyên bố chung, khi ông Tập và ông Thưởng cho biết rằng “hai bên đã đi sâu, trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về các vấn đề trên biển, nhấn mạnh cần kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.”

Việt Nam và Trung Quốc có nhiều tranh chấp trong những năm qua về chủ quyền lãnh hải khi Hà Nội nhiều lần cáo buộc Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của mình cũng như tiến hành các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông. Trung Quốc gần đây đã đưa ra bản đồ đường 10 đoạn với tuyên bố chủ quyền chồng lấn lên các vùng lãnh hải mà Việt Nam cũng có tuyên bố.

Việc thể hiện sự đoàn kết với Trung Quốc, dù có những bất đồng trên biển, là ví dụ mới nhất về cách Hà Nội cân bằng một cách thận trọng mối quan hệ với các nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó nổi bật là Bắc Kinh và Washington. Việt Nam được xem là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong mối căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khi các doanh nghiệp chuyển hàng tỷ đôla đầu tư từ Trung Quốc sang quốc gia Đông Nam Á để đảm bảo chuỗi cung ứng.

Ông Tập được tiếp đón bằng 21 phát đại bác và được Thủ tướng Chính cùng các quan chức cấp cao trong Đảng Cộng sản ra sân bay đón. Theo Tuổi Trẻ, 36 văn bản hợp tác được ký kết trong chuyến thăm của ông Tập mà ông nói là “sẽ dẫn đến những chương mới trong mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam.”

“Đây là chuyến công du nước ngoài cuối cùng trong năm nay của tôi,” ông Tập được truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV trích lời nói với ông Thưởng. “Điều đó thể hiện đầy đủ vị thế đặc biệt của quan hệ Trung-Việt trong bố cục ngoại giao của Trung Quốc.”

- Quảng Cáo -