Cựu Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh hiện giờ ra sao?

- Quảng Cáo -

Nông Văn Tiềm (Báo Tiếng Dân)

Đã hơn năm năm trôi qua, công chúng vẫn không có bất kỳ thông tin nào về ông Đinh Thế Huynh. Nhân vật từng được xem là ứng viên nặng ký cho chức vụ Tổng Bí thư khoá 13, bỗng dưng đột ngột biến mất khỏi chính trường suốt một thời gian dài, làm dấy lên rất nhiều đồn đoán.

Qua bài viết này, chúng tôi hy vọng có thể giải đáp các thắc mắc của công chúng trong nhiều năm qua: Ông Đinh Thế Huynh hiện giờ ra sao? Lý do vì sao ông “biến mất” khỏi chính trường? Có phải ông rút lui do bệnh tật như báo chí đưa tin, hay còn lý do nào khác?

***

- Quảng Cáo -

Đinh Thế Huynh sinh năm 1953, quê Xuân Trường, Nam Định. Ông tham gia Ủy viên Trung ương bốn khoá, từ khoá 9 đến khoá 12, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hai khoá 11 và 12, và là đại biểu quốc hội liên tục từ khoá 11 đến khoá 14.

Tại đại hội 12, Đinh Thế Huynh tái đắc cử ủy viên Bộ Chính trị, được phân công nắm Thường trực Ban Bí thư, vì thế ông được xem là nhân vật quyền lực thứ 5 trong đảng, chỉ sau “tứ trụ”. Với vai trò là Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021, ông Huynh có mặt tại nhiều hội nghị quan trọng để phát biểu chỉ đạo, quán triệt.

Rất dễ nhận thấy ở Đinh Thế Huynh bóng dáng một ông trùm lý luận Mác-xít, giáo điều, tín đồ trung thành của Chủ nghĩa Cộng sản. Thời điểm năm 2016, dư luận trong và ngoài nước đánh giá ông Huynh sẽ là ngôi sao sáng giá, được Nguyễn Phú Trọng tin cậy rất nhiều. Việc Trọng cử Huynh công du Trung Quốc để hội đàm cùng Tập Cận Bình và thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Ngoại trưởng John Kerry trong tháng 10-2016, là minh chứng.

Tuy nhiên, mọi chuyện đảo ngược, diễn ra quá nhanh sau đó, làm sụp đổ tất cả. Câu chuyện bắt đầu từ sự cay cú và đòn thù của Nguyễn Phú Trọng đối với phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng, dẫn đến kết cục bi thảm của ba nhân vật nổi tiếng trong chính trường hiện thời, trong đó có Đinh Thế Huynh.

Mở màn là nhân vật Đinh La Thăng, là người không nằm trong “danh sách quy hoạch Bộ Chính trị khoá 12” được Ban chấp hành Trung ương khoá 12 phê chuẩn, nhưng bất ngờ được đề cử và hội đủ số phiếu vào Bộ Chính trị khoá 12.

Phát súng đầu tiên từ phe Trọng là vụ việc “xe biển xanh” của Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang bị dồn đến chân tường, đến mức phải viết đơn xin ra khỏi đảng Cộng sản và chỉ trích đích danh Nguyễn Phú Trọng, rồi đào tẩu sang Đức.

Cuối tháng 11-2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kỷ luật đảng hàng loạt cán bộ cao cấp ở Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Tỉnh uỷ Hậu Giang… do liên quan trong việc đề nghị, tiếp nhận Trịnh Xuân Thanh từ Bộ Công thương về tỉnh Hậu Giang để giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh và tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cũng như trúng cử đại biểu quốc hội khoá 14.

Đánh Trịnh Xuân Thanh, phe nhóm Nguyễn Phú Trọng muốn “bắt cầu” để loại bỏ Đinh La Thăng, cùng hàng loạt tay chân của Nguyễn Tấn Dũng được cài cắm ở lại.

Vì sao chuyện loại bỏ Đinh La Thăng lại ảnh hưởng đến hai nhân vật còn lại? Chúng ta hãy cùng nhau xem lại các mốc thời gian quan trọng, quyết định số phận của Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang.

Ngày 7-4-2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với Đinh La Thăng vì liên quan đến những sai phạm tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia.

Ngày 5-5-2017, diễn ra Hội nghị Trung ương 5 khoá 12. Mặc dù ngồi cùng “tứ trụ” trên hàng ghế đoàn chủ tịch, nhưng ông Huynh lộ rõ vẻ căng thẳng, mệt mỏi. Tại hội nghị này, Đinh La Thăng bị loại ra khỏi Bộ Chính trị, mất chức Bí thư Thành uỷ thành Hồ. Trong 180 lá phiếu kín, có 20 Ủy viên Trung ương không tán đồng, trong số đó có ba Ủy viên Bộ Chính trị. Đinh Thế Huynh là một trong ba Ủy viên kể trên.

Được biết, lúc đầu việc chỉ đạo, thúc đẩy quy trình “làm thịt” Đinh La Thăng, được Nguyễn Phú Trọng giao cho Đinh Thế Huynh. Bất ngờ, Huynh từ chối khéo, cáo ốm, xin nghỉ phép để chữa bệnh. Cùng lúc, Trọng nhận được báo cáo, nội dung cho biết:

– Đinh Thế Huynh là người vận động phiếu cho Đinh La Thăng vào được Bộ Chính trị.

– Bộ ba Trần Đại Quang, Đinh Thế Huynh, Đinh La Thăng lúc đó đang tìm cách buộc Trọng rút lui khỏi vị trí Tổng Bí thư “vào giai đoạn giữa nhiệm kỳ”.

Vì vậy, Nguyễn Phú Trọng ra tay trước. Trọng cho quản thúc Đinh Thế Huynh, đồng thời chọn Trần Quốc Vượng, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tham mưu cho công cuộc “đốt lò”.

Đó là lý do Huynh mất hút trên các diễn đàn chính trị ở Việt Nam kể từ sau Hội nghị Trung ương 5, cũng như vắng bóng trong các cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Từ ngày 11 đến ngày 15-5-2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Trung Quốc. Cùng đi, có hai ủy viên Bộ Chính trị là ông Vương Đình Huệ, lúc đó giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ; và bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương; cùng một số Ủy viên Trung ương.

Từ ngày 26-6 đến 1-7-2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Cộng hòa Belarus và Nga. Tháp tùng ông Quang, có hai ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, cùng một số Ủy viên Trung ương.

Điều đáng chú ý, ở Belarus, Trần Đại Quang đã phải vào bệnh viện thành phố Minsk để cấp cứu vì chóng mặt, mất phương hướng, rối loạn tiêu hoá, nôn ra máu, yếu cơ mệt mỏi… Khi đến Nga, Trần Đại Quang là vào bệnh viện thêm một lần nữa.

Như vậy, khả năng rất lớn là Trần Đại Quang đã bị đầu độc trong khoảng thời gian từ ngày 11-5 đến ngày 26-6-2017. Rất kỳ lạ là, trong các chuyến công du của ông Quang, đều không có mặt bộ trưởng Bộ Công an hoặc bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Khi về nước, chỉ trong tháng 7-2017, Trần Đại Quang đã có sáu lần đi Nhật Bản để chữa trị căn bệnh mà đảng cho là do “virus lạ và hiếm”, nhưng có lẽ ông Quang bị nhiễm độc phóng xạ, theo giới quan sát nhận định.

Ngày 23-7-2017 tại Berlin, lúc 10 giờ 40 sáng, đặc nhiệm Bộ Công an đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh để đưa về Việt Nam.

Ngày 28-7-2017, khi Trần Đại Quang nằm viện ở Nhật, Đinh Thế Huynh an dưỡng tại Phú Quốc rồi bị giam lỏng luôn. Vào thời điểm này, Nguyễn Phú Trọng triệu tập Bộ Chính trị, phân công Trần Quốc Vượng, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tham gia nắm “quyền” Thường trực Ban Bí thư.

Ngày 3-12-2017, Cơ quan điều tra Bộ Công an bắt giam Đinh Ngọc Hệ, tức Út “trọc”, cháu rể của Trần Đại Quang, đưa về giam tại trại tạm giam T75, Cục điều tra hình sự – Bộ Quốc phòng.

Ngày 8-12-2017, Cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Đinh La Thăng và em trai ông là Đinh Mạnh Thắng. Trong ngày bắt Thăng, Nguyễn Phú Trọng “giữ chân” hầu hết các yếu nhân tại Ba Đình, trong đó có Trần Đại Quang.

Cũng trong ngày 8-12-2017, đã có ba sự kiện quan trọng diễn ra: Buổi sáng họp Bộ Chính trị; buổi trưa họp Thường vụ Quốc hội và buổi chiều họp Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Chưa đầy hai tuần lễ sau, ngày 20-12-2017, Cơ quan An ninh điều tra khởi tố bị can Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, một đệ tử ruột của Trần Đại Quang.

Về phần Đinh Thế Huynh, nhận ra âm mưu của Nguyễn Phú Trọng, Huynh viết đơn giải trình với Bộ Chính trị, cho rằng ông ta đã khỏi bệnh, muốn quay trở lại làm việc. Nguyễn Phú Trọng đọc xong, vứt đơn của Huynh vào sọt rác.

Bi kịch cuộc đời thật sự đến với Đinh Thế Huynh khi ông từ Phú Quốc quay về Hà Nội. Không biết Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khoẻ Cán bộ Trung ương của đảng, đứng đầu là Nguyễn Quốc Triệu thời đó, đã tiêm cho ông Huynh loại “thuốc bổ” gì, khiến ông thay đổi 360 độ.

Từ một người khoẻ mạnh, giả bệnh đi an dưỡng, rồi xin quay lại làm việc, bỗng trở nên thân tàn ma dại. Trông ông Huynh giống như bệnh nhân nhiễm độc tố thần kinh, sức khoẻ suy sụp nghiêm trọng. Về sau, trông ông càng tệ hơn, giống như người ngây dại, ngớ ngẩn, không còn nhận ra người thân.

Ngày 2-3-2018, Nguyễn Phú Trọng cho họp Bộ Chính trị, ra quyết định cho Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016 – 2021, “thôi giữ các chức vụ này để tiếp tục chữa bệnh dài hạn”. Trần Quốc Vượng chính thức thay thế Đinh Thế Huynh, giữ chức Thường trực Ban Bí thư và Nguyễn Xuân Thắng ngồi vào ghế Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Kể từ ngày đó, Đinh Thế Huynh chính thức bị tước bỏ tất cả quyền lực, vĩnh viễn bị gạch tên khỏi chính trường.

Hai nhân vật còn lại, một người về với Mác – Lê nin, người kia thì tiếp tục “chăn kiến”. Trần Đại Quang dù chống chọi với bệnh tật nhưng không rời ghế Chủ tịch, với hy vọng sẽ khỏi bệnh để tiếp tục “chiến đấu” với Trọng. Tuy nhiên, Quang cầm cự đến ngày 21-9-2018, thì bị thổ huyết ngay tại bàn làm việc, từ giã cõi đời. Còn Đinh La Thăng thì nhận bản án 30 năm tù; đến cuối năm 2047 sẽ mãn hạn, nếu còn sống tới ngày đó để mừng sinh nhật lần thứ 87, sinh nhật cuối cùng của ông trong tù.

Nguyễn Phú Trọng luôn bảo vệ “ngai vàng” bằng mọi giá. Đấu với Nguyễn Phú Trọng, số phận của bộ ba Huynh – Quang – Thăng đã phải trả giá bằng tận cùng của bi kịch của cuộc đời.

Về đời tư, nếu như con gái Đinh La Thăng đang quản lý tài chính cho một tập đoàn đa quốc gia; Trần Quân, con trai Trần Đại Quang được đảng “bù đắp” cho chức vụ Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước; thì hai con của Đinh Thế Huynh kém may mắn hơn. Cô con gái tên là Đinh Thị Lan đã theo chồng, về quê; còn cậu con trai Đinh Xuân Kiên, sinh năm 1980, vẫn đang vất vả mưu sinh và chăm sóc người cha hiện mắc bệnh trầm kha Đinh Thế Huynh.

Năm 2007, Kiên thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Sông Hồng. Thời bố Huynh đương chức, công ty của Kiên ăn nên làm ra, tiền vô như nước. Bố thất sủng, Kiên “lên bờ xuống ruộng”, vướng nợ nần, thưa kiện.

Mới đây, bà Phan Thu Hương, sinh năm 1960, quê Hà Tĩnh, giám đốc công ty PP, gởi đơn đến Bộ Công an, tố cáo Đinh Xuân Kiên tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chính trường Việt Nam luôn khốc liệt và đẫm máu. Các phe nhóm thanh trừng lẫn nhau trong nội bộ đảng, luôn là câu chuyện bất tận.

Đảng có đội ngũ rất giỏi, chuyên tụng ca, tô vẽ cho người này có bộ mặt đẹp như tranh; ngược lại, đảng cũng có thể thủ tiêu, đầu độc, nguỵ tạo tai nạn hoặc đạp người khác xuống bùn đen.

Đinh Thế Huynh là nạn nhân điển hình, có kết cục bi thảm trong vòng xoáy tranh giành quyền lực trong đảng. Ở đó, các chính trị gia cộng sản sẽ phải chấp nhận nếm trải vinh quang, cay đắng hay nỗi ô nhục tận cùng, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay./.

- Quảng Cáo -