Trương Nhân Tuấn
Có rất nhiều chuyện để nói. Vậy ta nói từ chuyện mới tới chuyện cũ.
Nếu đọc và “thanh lọc” những tin tức trên báo chí nước ngoài, ta có thể suy luận rằng, hiện thời Tập Cận Bình đang trong thế yếu. Lý do thứ nhứt là việc quản lý tồi tệ dịch Covid-19. Thứ hai, kinh tế suy trầm. Thứ ba là nhân sự do Tập bổ nhiệm nhiều người phạm tội nặng.
Còn về cụ tổng, ngoài sự thanh bạch làm nền tảng để “đốt lò” thì cụ tổng cũng có nhiều điểm yếu:
-Thứ nhứt, hiển nhiên là tuổi tác và sức khỏe.
-Thứ hai, nền kinh tế suy trầm mà nguyên nhân bị đổ thừa cho chiến dịch “đốt lò”.
-Thứ ba, quyền lực của cụ bị thách thức vì “trên bảo dưới không nghe”.
Nhưng hai ông cũng thành công trong việc đưa hai bên Việt Nam và Trung Quốc lên tầm quan hệ mới. Theo ngôn từ phía Việt Nam, Việt Nam cùng với Trung Quốc xây dựng “cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”. Ngôn từ phía Trung Quốc, thay thế “cộng đồng chia sẻ tương lai” bằng “cộng đồng chung vận mệnh”.
Về ý nghĩa, như tôi phân tích hôm trước, nếu ta suy luận “bằng đầu óc của một người Hoa”, hay một người ảnh hưởng văn hóa và văn minh Trung Quốc như Việt Nam, thì “cộng đồng chia sẻ tương lai” có ý nghĩa là “cộng đồng hai quốc gia có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia”.
“Cộng đồng chung vận mệnh” có nghĩa là “cộng đồng hai quốc gia đồng sinh cộng tử”, kiểu bạn tâm giao “không sinh cùng năm, cùng tháng, cùng ngày nhưng nguyện chết cùng ngày, cùng tháng, cùng năm”.
Với thành quả như vậy, hiển nhiên là tấm phao cứu nạn cho họ Tập. Báo chí tán dương nước ngoài, đây là thành quả rực rỡ về ngoại giao của ông Tập.
Về phía Việt Nam, báo Le Monde hôm 13 tháng 12 có bài bình luận, cho rằng Việt Nam đồng thuận với Trung Quốc việc không cho thế lực bên ngoài vào quấy động khu vực.
Theo tôi, việc xây dựng “cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” gồm hai mặt: Mặt kinh tế và mặt an ninh quốc phòng. Nội hàm của “cộng đồng” này vì vậy khác với nội hàm trong quan hệ “đồng minh” giữa các quốc gia trong khối NATO.
Quan hệ “đồng minh” đặt nền tảng trên an ninh quốc phòng. Quan hệ “cộng đồng chung vận mệnh” hay “cộng đồng chia sẻ tương lai” bao gồm an ninh, quốc phòng, lẫn kinh tế.
Việt Nam hy vọng kinh tế sẽ phát triển khi “gắn liền” vào Trung Quốc, qua việc kết nối dự án “hai hành lang – một vành đai” vào sáng kiến “vành đai – con đường” của Trung Quốc.
Việt Nam có hai mô hình lựa chọn, trong việc xây dựng hạ tầng cơ sở đường sắt và đường cao tốc, mục đích của sáng kiến “vành đai – con đường” của Trung Quốc:
– Thứ nhứt, mô hình của Lào. Đường sắt Côn minh – Vạn tượng thuộc sở hữu của Lào nhưng nước này thiếu “nợ” khoảng 4 tỉ đô la.
– Thứ hai mô hình BOT của Campuchia. Trung Quốc bỏ tiền ra xây dựng, Trung Quốc được quyền khai thác trong một thời gian (40 năm hay 50 năm tùy dự án). Sau khoản thời gian này Campuchia có quyền sở hữu trên các dự án đã xây dựng.
Trường hợp 1, Việt Nam có thể phá sản vì nợ. Trường hợp 2, Việt Nam trở thành thuộc địa kinh tế của Trung Quốc, nghĩa trắng lẫn nghĩa đen./.