Tuấn Khanh
Người là bậc đại sư im lặng và kiên tâm với con đường của mình đi, dù trải qua miên trường sóng gió của thời thế, của những khúc quanh số phận, và kể cả những sự chia rẽ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Vậy là người thầy lớn của Phật giáo đã ra đi, lúc 14 giờ ngày 24/11/2023.
Ngày hôm qua, thầy được đưa về chùa Phật Ân, Đồng Nai từ bệnh viện, sau những lúc tưởng đã thôi không còn có thể chống chọi đến giờ phút cuối những căn bệnh trầm kha, vốn theo đuổi biết bao lâu nay.
Thầy Lê Mạnh Thát quyết để thầy Tuệ Sỹ – người bạn đường thân thiết của mình – ra đi theo cách tự nhiên ở chùa. Các bác sĩ đến theo dõi bệnh tình của thầy ngay khi được đưa về chùa, đã hết sức ngạc nhiên khi thấy các chỉ số sức khỏe lại ổn định, sinh hiệu đầy lạc quan. “Có thể mọi sự kéo dài thêm hơn tuần nữa”, thầy Hạnh Viên, thị giả của thầy Tuệ Sỹ nhắn tin trong đêm cho biết. Niềm hy vọng mong manh chợt bùng lên ở nhiều chúng đệ tử, lòng không muốn chia lìa với người thầy của mình trước hiện thực trần trụi.
Nhưng từ hôm qua 23 tháng 11, giới đệ tử và các thầy thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở các tỉnh xa đã bắt đầu tập họp ở chùa Phật Ân, chờ đón chuyện cuối của đời người theo lẽ tự nhiên, hầu như ai cũng bình lặng nhưng đầy xót xa vào lúc Phật giáo Việt Nam mất đi người thầy lớn cầm ngọn đèn soi đường, giữa đêm tối của niềm tin hôm nay.
Chiều 24, tin dữ lan nhanh, mọi người vẫn theo dõi sát sao tin tức của thầy Tuệ Sĩ, lại vẫn hụt hẫng dù không còn bất ngờ. Điều gì phải đến, đã đến.
Hơn ai hết, thầy Tuệ Sỹ như đã bước vào chuẩn bị những giây phút này của mình kể từ khi nhận trọng trách với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Giờ thì những người gần gũi với thầy mới hiểu vì sao thầy cố tận lực dành những ngày tháng cuối đời của mình, để làm việc không ngừng, ghi chép, để lại những kinh văn quan trọng cho đời sau. Bởi một điều đơn giản và sâu thẳm: con người thì hữu hạn nhưng chánh Pháp nguyên khôi thì vô hạn, và đó chính là ngọn đuốc trí tuệ mà thầy muốn trao lại cho thế hệ Việt Nam ngày sau, để tiếp tục đi trên con đường dài thăm thẳm phía trước, giữa mây mù, không còn người chỉ lối bên cạnh.
Là bậc đại sư im lặng và kiên tâm với con đường của mình đi, dù trải qua miên trường sóng gió của thời thế, của những khúc quanh số phận, và kể cả những sự chia rẽ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đáp lại những thách đố thù địch, thầy mỉm cười đối diện với an nhiên. Với tăng chúng, bằng hành động chứ không bằng lời nói, thầy đã chứng minh tâm nguyện đời cho những thế hệ hôm nay, mai sau, như thầy đã từng cam kết “Nơi nào hiểm nạn, tôi nguyện sẽ là cầu đò. Nơi nào tối tăm, tôi nguyện sẽ ngọn đuốc sáng”.
Vào những ngày tháng hoang mang khi thầy Tuệ Sĩ phải liên tục ra vào bệnh viện, sức khỏe yếu dần. Những người bạn phật tử của tôi đã từng đăm chiêu và hỏi rằng liệu không còn thầy thì mai chúng ta sẽ ra sao? Trong thế giới Phật giáo hôm nay rầm rộ tượng đài, đền chùa vô hồn, quả thật là hoang mang khi mất lối.
Ngày mai chúng ta sẽ ra sao? Đó là câu hỏi lớn khi tin về sự ra đi của thầy Tuệ Sỹ ập đến. May thay, Phật giáo Việt Nam vẫn còn những điều để soi lại, noi theo. Người Việt đã có nửa thế kỷ lịch sử Phật giáo trắc trở và bi hùng, và những người thầy vĩ đại đã nguyện hy sinh đời mình để giữ lại những áng kinh, lời soi sáng con đường phía trước.
Không chỉ có thầy Tuệ sỹ, ở phía trước đã có nhiều những bậc thầy khai mở Phật giáo Việt Nam qua những thăng trầm như thầy Thích Đôn Hậu, Thích Thiện Minh, Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ… Là người Phật tử nhận thức đủ và đúng, không có thầy, thì với chánh pháp, lời Phật cần ghi nhớ: “Chúng sanh là kẻ thừa tự những hành vi mà nó đã làm”, và điều thầy Tuệ Sỹ mượn lời Phật dặn dò để “Hãy là kẻ thừa tự Chánh pháp của Như lai; chớ đừng là kẻ thừa tự tài vật”.
Không ngã nghiêng theo mê đồ, không để bị thao túng của kẻ giả tăng, không quỵ lụy với quyền thế. Sống như một Phật tử Việt Nam, biết đau với nỗi đau của con người và thế giới của mình. “Đi với Chánh pháp – đó chính là mặt đất kim cang để trên đó tuổi trẻ tự vạch hướng đi cho mình, tự quy định những giá trị sống thực cho chính đời mình”, thầy viết trong lời dạy về “Giáo dục Phật giáo cho tuổi trẻ”. (Tháng 5-2004).
Tuấn Khanh