Hùng – Sơn (VNTB)
Dường như bà Nguyễn Phương Hằng, cựu CEO của Đại Nam Bình Dương, là ‘quân cờ di động’ có chủ đích của nhóm quyền lực nào đó trong chính quyền.
Phiên tòa hình sự sơ thẩm đã không đưa những thành viên của “Tịnh thất Bồng Lai” vào vị trí của “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”. Chính điều này dẫn đến ngờ vực dường như bà Hằng là ‘quân cờ di động’ có chủ đích của nhóm quyền lực nào đó trong chính quyền.
Tịnh thất Bồng Lai từng là ‘bị hại’ của bà Nguyễn Phương Hằng
Trở ngược thời gian. Trong buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng vào hôm 24-10-2021 với hàng triệu người theo dõi, câu chuyện về “Thiền Am bên bờ vũ trụ” vụt nóng trở lại, sau hơn 1 năm im ắng. Đáng chú ý, buổi livestream này xuất hiện nhân vật tên Lê Thanh Minh Tùng, tự nhận là con ruột của ông Lê Tùng Vân. Theo đó, ông Tùng cho biết ông Vân từng có 7 người vợ cùng một lúc, nếu tính số phụ nữ qua lại là hơn chục người.
Ngoài việc xác nhận những đứa trẻ ở Thiền Am không phải trẻ mồ côi…, ông Tùng còn hé lộ bản thân là kết quả chuyện loạn luân giữa ông Vân và một người ruột thịt. Ông này còn kể về những chuyện trái luân thường đạo lý, lừa đảo tinh vi mà ông Lê Tùng Vân và nhiều cá nhân khác ở Thiền Am đã làm trong nhiều năm qua…
Trong những lần livestream sau đó, bà Hằng cho rằng Thiền Am này là cơ sở giả tu, lừa đảo… Những đứa bé ở đây không phải mồ côi, mà có cha, mẹ. Bà Hằng cũng yêu cầu ông Lê Tùng Vân, những người trong Thiền Am phải “đi thử ADN” để xác định huyết thống; tuyên bố tặng ngay sổ tiết kiệm 20 tỷ đồng nếu kết quả xét nghiệm ADN không trùng khớp.
Đáng chú ý, trong buổi livestream chiều ngày 2-11-2021, bà Phương Hằng tuyên bố ngày 4-11-2021 sẽ đến thăm Thiền Am, để gặp ông Lê Tùng Vân nói chuyện.
“Đích thân tôi sẽ đi cùng trên dưới 50 người tới đó, tất nhiên là hoàn toàn hợp pháp. Tôi có báo công an. Tôi không đi gây rối trật tự mà tôi chỉ đi thăm một nơi để biết tu giả hay thật.Nếu như tôi đến đó mà nơi đó không mở cửa tiếp mình thì rõ ràng đó là một thiền am lừa đảo. Vì rõ ràng kêu gọi quyên góp tiền từ cộng đồng mà không tiếp khách. Tôi đã lên tiếng hẹn trước chứ không hồ đồ mà phóng vào”, theo lời bà Hằng ở clip livestream.
Trước đó, vào tối 1-11-2021, bà Nguyễn Phương Hằng đã có chia sẻ trên trang cá nhân facebook có dấu tích xanh, rằng nếu ông Lê Tùng Vân không lên tiếng, vào thứ 5, nữ doanh nhân sẽ đích thân lên “thăm” “Thiền am bên bờ vũ trụ”.
“Quý zị ơi! Nếu thầy ông nội (ông Lê Tùng Vân – PV) không lên tiếng, thứ Năm tôi sẽ thông báo chính quyền, sẽ đến “thăm” thầy ông nội để học cách “thành Phật’ nhé. Ngày mai tôi sẽ chính thức báo cho gia đạo thầy ông nội biết là tôi đi thăm. Nói được là làm được nhé quý zị!”, bà Phương Hằng chia sẻ trên trang cá nhân.
Bà chủ của khu du lịch Đại Nam từng cho biết sẽ thuê một đoàn bác sĩ đến “Thiền Am bên bờ vũ trụ” lấy máu của ông Lê Tùng Vân và 10 người tại đây để xét nghiệm ADN. Đồng thời, nếu thông tin có gì sai lệch, không đúng, vu oan cho ông Vân, nữ doanh nhân sẽ tặng ông 20 tỷ để bù đắp danh dự.
Tuy nhiên, ông Lê Tùng Vân lên tiếng cho biết chỉ đồng ý xét nghiệm ADN với Lê Thanh Minh Tùng chứ không chấp nhận xét nghiệm với những người khác.
Không đồng ý, bà Nguyễn Phương Hằng tiếp tục lên tiếng gay gắt, đề nghị ông Lê Tùng Vân xét nghiệm ADN với những người ở “Thiền am bên bờ vũ trụ” để chứng minh sự trong sạch của mình. Nếu có gì oan sai hoặc không đúng, nữ doanh nhân sẵn sàng đền bù 300 tỷ tiền danh dự cho ông.
Khoảng 13g30 ngày 4-11-2021, vệ sĩ của bà Nguyễn Phương Hằng đến. Song sau khi đứng đợi được 20 phút, phía Thiền Am vẫn trong tình trạng “im lìm” không mở cửa đón tiếp, bà Nguyễn Phương Hằng cùng trợ lý, các vệ sĩ đã quay về.
Đến nay, vẫn chưa có cá nhân, cơ quan truyền thông hay cơ quan có thẩm quyền nào đưa ra công chúng bằng chứng kết quả xét nghiệm ADN cho thấy những người trong Tịnh thất này “quan hệ loạn luân” như các tố cáo mang tính kích động và thách thức của bà Nguyễn Phương Hằng.
Mê hồn trận thật – giả
Liên quan đến vụ việc trên, tin tức mới nhất là vào chiều 18-9-2023, Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa, Long An tiếp tục đưa vụ án tranh chấp yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi ra xét xử giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Mỹ Dung và bị đơn là bà Cao Thị Cúc (một trong những bị án của vụ án Tịnh thất Bồng Lai).
Theo đơn khởi kiện của bà Dung, bà đề nghị Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa tuyên chấm dứt việc nuôi con nuôi đối với bà Cúc vì trước đây bà Dung giao bé TGB cho bà Cúc nuôi vì nhầm tưởng Tịnh thất Bồng Lai là một ngôi chùa chuyên nhận nuôi trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn để làm từ thiện.
Về sau thì tin tức trên báo chí cho thấy Tịnh thất Bồng Lai không phải cơ sở thờ tự tôn giáo theo quy định của pháp luật. Đồng thời, sau khi nhận nuôi bé TGB thì phía bà Cúc đã đưa những hình ảnh của bé lên mạng xã hội, ảnh hưởng đến tâm lý của bé sau này. Ngoài ra, hiện bà Cúc đang chấp hành án tại một trại giam thuộc Bộ Công an nên sẽ không có điều kiện nuôi dạy bé…; từ đó, bà Dung đề nghị tòa tuyên chấm dứt việc nuôi con nuôi đối với bà Cúc để bà được đón con về nuôi dưỡng.
Hồ sơ pháp lý cho biết, ngày 4-6-2020, UBND thị trấn Long Hải huyện Long Điền, Bà Rịa Vũng Tàu có tiếp nhận hồ sơ đăng ký nhận nuôi con nuôi của bà Cao Thị Cúc với hồ sơ đầy đủ theo quy định. Ngày 15-7-2020, bà Cúc và bà Dung có mặt tại UBND thị trấn để được giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của bên cho và bên nhận con nuôi, hậu quả pháp lý của việc nhận nuôi con nuôi.
Bà Cúc và bà Dung ký tên vào sổ đăng ký nhận nuôi con nuôi và biên bản bàn giao nhận con nuôi.
Công chức tư pháp đã giao giấy chứng nhận và biên bản giao nhận con nuôi cho bà Cúc và bà Dung. Đồng thời, xã đã hướng dẫn bà Cúc thực hiện báo cáo tình hình phát triển của trẻ sáu tháng một lần cho UBND thị trấn và nơi UBND xã bà Cúc thường trú.
Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa, Long An đã quyết định tạm ngừng phiên tòa để thu thập thêm chứng cứ liên quan đến việc giao nhận con nuôi tại Tịnh thất Bồng Lai. Sai thời gian hội ý, hội đồng xét xử nhận thấy cần đưa UBND thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu tham gia tố tụng ở vụ án này.
Ai là… tổng đạo diễn?
Cái này nói thêm về chuyện bên lề vụ xử án cựu CEO Nguyễn Phương Hằng, đó là theo lời của một luật sư từng tham gia phiên tòa ông trùm Năm Cam về chuyện quyền bảo vệ hình ảnh, thì: “ở lần ra hầu tòa thứ 2, thì có lẽ bà chủ Đại Nam đã bị khuất phục hoàn toàn về tinh thần đến mức không còn đặt ra yêu cầu giữ gìn hình ảnh cá nhân nữa”.
Thật ra ở đây có sự nhầm lẫn. Tư cách là ‘người trong cuộc’, xin khẳng định ở đây về tình tiết mà tin rằng rất thấm thía với nhiều phóng viên ảnh ở pháp đình hôm đó: Anh em phóng viên ảnh dậy từ sớm tinh mơ chầu chực đủ các góc các nơi để canh cho được tấm ảnh “cô Hằng” phục vụ độc giả, nhưng hoàn toàn không có cơ hội.
Thậm chỉ tới đoạn nghỉ giải lao giữa phiên xử, phóng viên bị chặn lại. Anh em đứng từ xa cố giơ ống kính lên để canh xem cô Hằng có được dẫn đi uống nước không nhưng cũng bó-tay. Hết phiên xử sáng thì bị lùa ra không được tiếp cận. Và phóng viên ảnh chờ tới tối mịt thì lại bị chặn ở cửa, giữ lại khoảng 10 phút không cho rời khỏi phòng cho tới khi xe phạm rời khỏi toà…
Nhiều phiên toà trước đó, phóng viên được cho vào phòng xử chụp hình khoảng 5 phút trước giờ xét xử. Nhưng với bị cáo “cô Hằng”, phóng viên vào cửa quẹo phải và chỉ chụp choẹt qua màn hình tivi mà đường truyền “xịn” lúc được lúc không…