Đằng sau việc các đại gia vào tù là gì?

- Quảng Cáo -

nguyenhuuvinh’s blog – RFA

Những vụ bắt bớ liên tục nhắm vào các “đại gia”.

Ngày 24/3/2022, công an Sài Gòn bắt Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam với tội danh theo điều 331 của Bộ luật hình sự: “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Năm ngày sau, ngày 29/03, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ Tịch Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC bị bắt vì hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

- Quảng Cáo -

Trước đó, ngày 17/11/2021, phiên tòa sơ thẩm lần 2 xét xử các bị cáo liên quan đến sai phạm việc hoán đổi giữa căn nhà 57 Cao Thắng với căn nhà 185 Hai Bà Trưng là tài sản của nhà nước, gây thất thoát 186 tỷ đồng, tòa tuyên mức án “Chung thân” đối với nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp (SN 1948, Giám đốc công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Sau đó, ngày 18/1/2022, một “đại gia” khác cũng đã làm chú ý dư luận xã hội, là Cường Gia Lai với những khiếu nại kiện tụng và cơ quan luật pháp báo chí đã làm rùm beng gây sự chú ý của xã hội liên quan đến dự án, đất đai…

Cách đây mấy năm, Phạm Nhật Vũ cùng với dàn 2 bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông, Phó ban tuyên giáo Trung ương Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn vào tù vì tội lập mưu chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng tiền ngân sách qua thương vụ AVG.

Trước đó, có thể kể đến những đại gia như Trần Bắc Hà với khối tài sản khổng lồ bị bắt và chết trong nhà tù. Hoặc đại biểu Quốc hội, đại gia Châu Thị Thu Nga, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Nhà đất (Housing Group).

Trong những năm gần đây, chúng ta thấy nhiều đại gia liên tục bị bắt, bị cho “vào lò” đi kèm với các quan chức tham nhũng hoặc với bất cứ lý do nào có thể. Rất nhiều vụ án mà các đại gia thuộc “thời kỳ rực rỡ nhất” trong lịch sử đất nước là thời kỳ đảng “đổi mới” đã vào tù hầu hết liên quan đến đất đai, bất động sản.

Với hai “đại gia” bị bắt gần đây nhất, người ta thấy một Nguyễn Phương Hằng đã gây ồn ào mạng xã hội thời gian khá dài qua những buổi livestream tố cáo hàng loạt các nhân vật khác nhau. Nổi bật ở đó, là hình ảnh một người đàn bà khoe của, khoe giàu… Cho đến khi bị bắt, thì báo chí, thậm chí là các luật sư đã mớm lời và “đưa quan điểm” rằng: rất có thể những tài sản, đồ vật là “hạt xoàn hàng ký, sổ đỏ hàng tạ”…sẽ bị tịch thu.

Còn Trịnh Văn Quyết.

Thông tin trên báo chí Việt Nam cho biết: Trịnh Văn Quyết ( năm nay 47 tuổi, quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) hiện được biết đến là một doanh nhân thành đạt, từng sáng lập và điều hành nhiều doanh nghiệp về bất động sản, du lịch, hàng không, luật…

Trong hàng “đại gia” tại Việt Nam hiện nay, với giá trị cổ phần đang nắm giữ tại Công ty CP tập đoàn FLC, Hãng hàng không Bamboo Airways…, Trịnh Văn Quyết có tổng tài sản vốn hoá ước tính hàng chục ngàn tỉ đồng. Năm 2019, ông Quyết từng được xếp hạng giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ sau Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, và Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO hãng hàng không Vietjet.

Và dù mới gần đây, Nguyễn Phương Hằng tuyên bố rằng chỉ giúp đời bằng từ thiện, chỉ đòi lại công bằng cho bản thân và người dân đen khi mà những người tố cáo bà ta thì được pháp luật thụ án, còn bà ta tố cáo thì luật pháp làm ngơ… điều mà đến giờ bà ta mới hiểu là người dân đen được luật pháp đối xử bình đẳng ra sao thì việc xộ khám vẫn là con đường để đem những tiền của, tài sản… đi “phân phối lại” theo quy luật Xã hội Chủ nghĩa.

Rồi dù cho Trịnh Văn Quyết có tuyên bố rằng: “Tôi giàu có bao nhiêu không quan trọng mà quan trọng là làm giàu chính đáng”, thì cái sự chính đáng đó không ngăn cản được việc cơ quan công an tống anh ta vào tù vì một cái tội mà có thể anh ta coi là “không  chính đáng”.

Bởi với tội “thao túng thị trường chứng khoán” của Trịnh Văn Quyết bằng cách làm trái quy định khi mua bán chứng khoán, dù cơ quan chứng khoán đã phạt anh ta số tiền 1,5 tỷ đồng và cấm tham gia giao dịch 5 tháng, nghĩa là cái “tội” đã được xử lý xong.

Và dù đã được xử lý xong thì cơ quan điều tra vẫn có thể xổ toẹt để bắt anh ta vào tù. Bởi ngay cả người xử lý anh ta, cũng đang đứng trước nguy cơ bị xử lý tiếp, bởi Ủy Ban Kiểm tra trung ương đảng vừa đề nghị kỷ luật.

Quả là cái “Nợ trần hoàn” trong chế độ cộng sản hôm nay.

Giàu là có tội?

Trong xã hội Việt Nam, chuyện người nghèo vào tù là chuyện quá bình thường. Bởi đơn giản là đại đa số người dân Việt Nam xưa nay là người nghèo, nhất là dưới thời cộng sản thì nghèo đã có thời được coi là một điểm ưu để xét lý lịch vì đã thuộc vào “thành phần cơ bản, giai cấp bần nông hoặc giai cấp công nhân tiên tiến”.

Mà đã nghèo, đã “bần cùng thì sinh đạo tặc”, đã đạo tặc thì vào tù là chuyện bình thường, thậm chí ở tù còn hơn ở nhà thì tại sao không vào tù vì có người nuôi.

Nhưng cái chuyện người giàu vào tù mới là chuyện không bình thường. Thế nhưng, cái không bình thường đó vẫn đã diễn ra xưa nay,. Có điều là những người giàu vào tù ngày nay khác với những người ngày xưa vào tù vì giàu có.

Điều mà ai cũng biết và biết rất rõ, là thời nay, hầu hết các “đại gia” Việt Nam, làm giàu đều dựa vào một thế lực quan chức cộng sản nâng đỡ ngầm và sự thành đạt của họ chủ yếu dựa vào những dự án, những sự bất công từ chính sách đất đai của cộng sản.

Với những thế lực nâng đỡ sau lưng, các đại gia này thực hiện các dự án với chính sách “thu hồi đất đai” lấy của dân như cướp, rồi bán như cắt cổ… đút túi những khoản tiền khổng lồ rồi chia chác lẫn nhau để thành “đại gia”, thành những nhân vật quan trọng, có thể lũng đoạn không chỉ kinh tế mà cả hệ thống chính trị, xã hội.

Vấn đề là ở chỗ: Trong một chế độ mà mọi điều đều mù mờ, u minh, không rành mạch rõ ràng, trắng đen lẫn lộn… thì việc được thế lực này nâng đỡ, nhưng bị thế lực khác dòm ngó, cạnh tranh là điều liên tục diễn ra. Sự ổn định, vững chắc là không thể có.

Thế nên, cũng như các “Đại gia” khác, bên cạnh những điều được ca ngợi là “thành công” thì gần đây, tên tuổi của ông Trịnh Văn Quyết cũng gắn liền với không ít tai tiếng liên quan đến các doanh nghiệp do ông ta điều hành. Trong đó, các dự án phát triển bất động sản, du lịch của Quyết tại nhiều địa phương từng bị người dân phản đối do liên quan đến môi trường, thu hồi đất…

Tuy nhiên, điều này không chỉ có Quyết mà hầu hết các “đại gia” đều liên tục được réo tên chỉ mặt là thủ phạm những vụ cướp đất cướp nhà, cướp tài sản đẩy hàng ngàn, hàng vạn người dân vào chỗ bần cùng rồi phải lưu vong ngay trên chính quê hương mình.

Có điều, là trong những điều tiếng, những trận chỉ trích, những lời kêu than ấy, ai trụ vững, ai được bao che… thì phụ thuộc vào bàn tay đỡ lưng là quan chức nào đang còn vững ghế, mạnh phe hay không.

Họ giàu có bằng cách bắt tay với quan chức, làm sân sau, làm bàn tay bẩn cho quan chức lũng đoạn quyền lực và tiền bạc của công lẫn của tư để hô biến, làm giàu cho mình.

Với những tập đoàn, những đại gia này, sự tồn tại của họ phụ thuộc vào chiếc ghế của kẻ nâng đỡ, phụ thuộc vào sự tồn tại của phe nhóm trong hệ thống cầm quyền và mối quan hệ của họ.

Mà cái ghế, thế lực chính trị thì cung như những chuyến đi buôn, khi lỗ khi lời không lượng định hết được thời cuộc. Và vậy là số phận các đại gia cũng bấp bênh và dập dờn theo làn sóng chính trị đổi thay.

Không chỉ mới thời gian gần đây, mới có những đại gia giàu sụ nhanh chóng bị bắt vào tù với đầy đủ những bi hài đầy kịch tính của thời cuộc.

Ngược dòng thời gian, chúng ta có thể thấy trong quá trình mấy chục năm “Xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, vẫn còn lưu trữ trên mặt báo rất nhiều những vụ án mà ở đó, các “đại gia” lần lượt được vào tù như một quy luật: “Giàu cũng là một cái tội”.

Nhìn lại lịch sử các “đại gia” trong thời cộng sản, người ta thấy một điều: Hầu hết, các “đại gia”, những người giàu có trong xã hội, đã làm giàu bằng trí tuệ và sức lao động sáng tạo một cách chân chính, họ đều phải hết lần này đến lần khác vào tù và tán gia, bại sản. Sau mỗi lần thất bại, ra tù, khát vọng làm giàu lại thôi thúc và họ lại tiếp tục lao động sáng tạo, để lại giàu có và lại bị tước sạch, cướp sạch để lại vào tù vì muôn ngàn lý do khác nhau.

Những vụ án như Vua Lốp, Núi Điện, Cự Doanh… và các nhà tư sản khác ở Miền Bắc một thời, ở cả nước sau năm 1975, những chính sách cải cách ruộng đất, cải tạo thương nghiệp, trưng thu, trưng mua, đánh tư sản mại bản… đều là một chính sách nhất quán xưa nay vẫn chưa hề thay đổi.

Bởi vì xã hội không có luật nào bảo đảm cho những người làm ăn chân chính được bảo vệ tài sản của mình một cách chắc chắn và trừng trị những thế lực đen.

Bởi vì, số phận và tài sản của các “đại gia” tốt lên, lớn lên nhờ vào việc luật pháp mơ hồ, loạn đả thì sự sụp đổ và tiêu điều của họ cũng bởi sự mơ hồ của luật pháp.

Bởi vì cương lĩnh, chính sách của Đảng cộng sản xưa nay, vẫn là tiến hành một cuộc “cách mạng” mà không có gì để mất nhưng “được thì được tất cả” – nghĩa là chỉ có cướp.

Thế nên, trong tất cả cương lĩnh, nghị quyết, văn văn bản của đảng và nhà nước, thì vẫn cứ nhất định phải “Định hướng Xã hội chủ nghĩa” dù vẫn luôn leo lẻo đề nghị các nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Bởi nếu không có “Định hướng XHCN” thì làm sao có thể đẩy người giàu có vào tù bằng mọi lý do để cướp lấy tài sản của họ?

Và thế là cái “Định hướng XHCN” vẫnlà cương lĩnh, là mục tiêu và luôn là chiếc thòng lọng lơ lửng trên đầu con dân nước Việt hôm nay. Nó sẽ được sử dụng khi những con mồi đã béo và có thể, có thời cơ mổ thịt.

Nhất là trong giai đoạn hiện nay khi mà cơn dịch bệnh đang đẩy cả đất nước, nhất là đảng và các cá nhân trong đảng vào cơn khó khăn.

31/03/2022

J.B Nguyễn Hữu Vinh

- Quảng Cáo -