An Vui (SGN)
Trong khi cộng đồng mạng Việt Nam đang tích cực tranh đấu bảo tồn 600ha rừng tự nhiên ở Bình Thuận không bị biến thành hồ thủy lợi Ka Pét thì dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng 6 sao Vĩnh Hy sẽ lấy mất 11,58 ha rừng thuộc Vườn quốc gia Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận).
Ngày 15 Tháng Chín 2023, trang du lịch của Lao Động quảng bá về khu nghỉ dưỡng 6 sao này như sau: “Một dự án nghỉ dưỡng cao cấp, chất lượng 6 sao với tổng cộng 100 biệt thự sẽ được đầu tư xây dựng tại vịnh Vĩnh Hy, Ninh Thuận. Dự án nghỉ dưỡng sẽ có quy mô gần 65ha, tọa lạc tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Tổng vốn đầu tư cho dự án khoảng 1.600 tỷ đồng…
Tỉnh Ninh Thuận được thiên nhiên ưu ái cho khí hậu thuận lợi, nhiều điểm tham quan, bao gồm khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa, di tích Tháp Chàm của người Chăm, thác nước Liên Sơn, đồi cát Phan Rang…
Đặc biệt, vịnh Vĩnh Hy của Ninh Thuận sở hữu bờ biển tuyệt đẹp. Đây là một trong những điểm du lịch biển đẹp nhất Việt Nam. Nơi đây cũng sở hữu nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, sang trọng, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng hàng năm”.
Lao Động không đề cập chủ đầu tư dự án là ai, nhưng bài báo ngày 13 Tháng Chín 2023 của VnExpress nói rõ tên là công ty Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam, đơn vị thành viên của BIM Group.
Dự án nhằm mục tiêu “khai thác tài nguyên du lịch kết hợp với sinh thái nghỉ dưỡng tại khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận” nghe thì rất hay nhưng thực chất là phá rừng tự nhiên – Ảnh: Lao Động
BIM Group là ai? Theo Wikipedia, BIM Group là Tập đoàn BIM, có trụ sở chính tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, được ông Đoàn Quốc Việt, một thương nhân thành công trong nhiều lĩnh vực tại Ba Lan sáng lập năm 1994. BIM Group đầu tư trong nhiều lĩnh vực, bao gồm BIM Land (bất động sản), BIM Foods (thực phẩm), BIM Energy (năng lượng), BIM Lifestyle (lối sống).
BIM Group giới thiệu đang sở hữu quỹ đất hơn 7 triệu m2 tại Quảng Ninh, Phú Quốc, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Ninh Thuận, Lào. Trong đó, công ty thành viên Syrena Việt Nam đã đầu tư một số dự án khách sạn, nghỉ dưỡng như Halong Plaza, Intercontinental Phú Quốc, Crowne Plaza Vientiane… và sắp tới là khu nghỉ dưỡng 6 sao Vĩnh Hy.
VnExpress cũng cho biết tỉnh đã chấp thuận cho công ty Syrena Việt Nam đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng 6 sao Vĩnh Hy từ Tháng Mười 2015. Đến đầu năm 2022, dự án được phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và sẽ thực hiện trong hai giai đoạn với mục tiêu khai thác tài nguyên du lịch kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng tại khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa.
Trong giai đoạn một, Syrena Việt Nam sẽ xây dựng 54 biệt thự nghỉ dưỡng, diện tích từ 150-250m2; giai đoạn hai, xây dựng thêm 45 biệt thự (2- 4 phòng ngủ) từ 150-350m2 và một căn biệt thự diện tích đến 1,500 m2 có 5 phòng ngủ.
VnExpress không giải thích mục tiêu “khai thác tài nguyên du lịch kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng tại khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa” của dự án này thực chất là gì!
Thế nhưng, bài báo ngày 13 Tháng Chín 2023 của Dân Trí thì “lật bài” luôn: “Dự án nghỉ dưỡng cao cấp “lấy” gần 12ha rừng của Vườn quốc gia Núi Chúa”!
Bài báo cho biết ngày 12 Tháng Chín, Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn cộng đồng về Báo cáo đánh giá tác động môi trường (TĐMT) dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy, tỉnh Ninh Thuận, trong đó có 11.58ha rừng thuộc quy hoạch rừng đặc dụng (bao gồm 10.6 ha rừng tự nhiên), do Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa quản lý.
Vườn quốc gia Núi Chúa thuộc địa phận huyện Ninh Hải, Ninh Thuận, được thành lập vào ngày 9 Tháng Bảy 2003 và hồi năm 2021 được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Báo cáo TĐMT được Bộ Tài nguyên và Môi trường tham vấn cộng đồng cũng nêu rõ các công trình sẽ bị ảnh hưởng khi thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy:
-Khu đất dự án nằm trong phân khu dịch vụ – hành chính của Vườn quốc gia Núi Chúa, cách ranh giới phân khu bảo vệ nghiêm ngặt khoảng 50m về phía Bắc, cách khu vực trung tâm vườn quốc gia khoảng 8km, quá gần, nên trong tiến trình thi công và hoạt động của dự án sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái và cảnh quan của khu vực này.
-Phía Tây của khu đất dự án chỉ cách vịnh Vĩnh Hy 100m, một trong bốn vịnh đẹp nhất Việt Nam, là vịnh trú ngụ, tránh bão của dân chài. Hiện tàu đậu trong vịnh chủ yếu của người dân địa phương và khoảng 50-100 tàu thuyền từ nơi khác đến.
Tại vịnh Vĩnh Hy hiện đang có một số hoạt động phục vụ du lịch như: Cảng tàu đáy kính Vĩnh Hy, cách dự án 500m; khu vực lặn ngắm san hô.
-Dọc ven biển xung quanh khu dự án có rạn san hô phong phú cùng với các loài thủy sinh đa dạng. Khu vực rạn san hô gần nhất chỉ cách dự án khoảng 150m về phía Nam.
-Báo cáo TĐMT thống kê được ở vùng biển khu vực Núi Chúa và lân cận có 333 loài thuộc 57 giống, 14 họ của bộ san hô cứng Scleractinia.
Ngoài ra, báo cáo TĐMT còn ghi nhận ở đây có bãi rùa đẻ. Hơn 3km bờ biển kéo dài từ bãi Ngang đến bãi Móng Tay ở thôn Thái An có quần thể rùa biển lên đẻ trứng.
Các dải sát ven bờ nơi rùa lên đẻ trứng thường xuyên là Bãi Thịt, Bãi Ngang và Bãi Hõm. Mùa rùa đẻ kéo dài từ Tháng Tư đến Tháng Mười Một, cao điểm là Tháng Bảy. “Đây là điểm đang được bảo tồn nghiêm ngặt”, báo cáo TĐMT cho hay.
Một công trình xây dựng khu nghỉ dưỡng chỉ đem lại lợi ích cho một công ty và BIM Group thế mà chỉ được Bộ Tài nguyên và Môi trường tham vấn cộng đồng trong 14 ngày – khi thông tin tham vấn này “lọt thỏm” trong dòng thời sự dày đặc bươi móc lỗi lầm của các ông/bà chủ đầu tư chung cư mini và hô hào quyên góp tiền gửi vào quỹ Mặt trận Tổ quốc để giúp các nạn nhân sống sót trong vụ cháy chung cư mini phố Khương Hạ?
Than ôi, những view biển đẹp nhất trên đất nước này đang dần trở thành “của riêng” của các ông bà chủ xây dựng resort và những cánh rừng còn sót lại tiếp tục bị gặm nhấm bởi lòng tham của nhà cầm quyền các tỉnh, bằng cách gật gù phê chuẩn việc chuyển đổi đất rừng tự nhiên thành… khu nghỉ dưỡng cho nhà giàu Việt và du khách quốc tế!
Bình luận của độc giả dưới bài viết của Dân Trí đều đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường không nên phê duyệt dự án này, kẻo các thế hệ sau của Việt Nam chỉ biết đến rừng trong chuyện cổ tích.
Độc giả TUẤN Bs hỏi: “Tại sao cứ phải phá rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh để làm dự án? Sao không lấy những vùng đất khô cằn, đồi trọc mà làm, vừa cải tạo đất đai, vừa tăng diện tích trồng rừng?”.
Độc giả Giang Đinh bày tỏ: “Không thể chấp nhận phá rừng để xây khu du lịch chỉ dành riêng cho một số ít người có tiền, còn người lãnh hậu quả môi trường lâu dài là đa số dân thường!”.