Đại gian hùng Putin vừa níu kéo quyền lực quốc tế hoàng hôn của mình bằng cuộc họp thượng đỉnh với 54 nguyên thủ Châu Phi tại Saint Petersburg. Có vẻ như cuộc họp không mấy sáng sủa, càng phủ thêm bóng hoàng hôn lên ngai vàng của đại đế…
Cần nhắc lại buổi bình minh rực rỡ của Sa hoàng Putin, bắt đầu từ lúc Tổng thống Mỹ Barack Obama lúng túng chưa biết trừng phạt thế nào khi tổng thống Syria Bashar Al Assad sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân Syria trong cuộc nội chiến, vi phạm làn ranh đỏ của Mỹ. Nhanh như chớp, Putin nhảy vào giúp Obama giải trừ vũ khí hóa học của Syria. Ban đầu Obama rất hài lòng Putin, nhưng về sau, Putin láu cá chớp thời cơ hất cẳng Mỹ khỏi Syria khiến Obama đau như bò đá. Và đau hơn nữa khi Putin phát huy khí thế đang lên, đánh chiếm và sáp nhập gọn gàng bán đảo Crimea của Ukraina vào Nga trước sự bất lực của Mỹ và EU.
Nhưng Sa hoàng đã không ngờ bị “anh hề” Zelensky của Ukraina phủ bóng hoàng hôn lên quyền lực quốc tế của mình khi đại đế xua đại quân xâm lược Ukraina ngày 24/2/2022. Để giờ đây Sa hoàng phải gồng mình chống đỡ sự thất bại quân sự khó tránh tại Ukraina, phải lên bờ xuống ruộng chồng đỡ sự cấm vận kinh tế và ngoại giao của cộng đồng quốc tế, ê mặt trước lệnh bắt giữ của tòa án hình sự quốc ICC, không được đến tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS tại Nam Phi sắp diễn ra, dẫu Putin là thành viên đồng sáng lập nhóm kinh tế quan trọng này.
Và để trả đũa Ukraina đánh sập hai nhịp cầu Kerch lần thứ hai, là cây cầu biểu tượng cho uy tín và quyền lực Putin, nên Putin rút khỏi thỏa hiệp xuất cảng ngũ cốc trên Biển Đen do Liên hiệp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, tuyên bố sẽ tấn công bất cứ tàu dân sự nào vào các cảng của Ukraina ở Biển Đen. Đó là lý do khiến giá lúa mì thế giới tăng 10% gây khó khăn lương thực cho các nước Châu Phi. Đó cũng có thể là lý do khiến 2/3 trong số 54 nước Châu Phi chỉ cử những quan chức cấp thấp hơn đến Saint Petersburg, khiến sự níu kéo hoàng hôn quyền lực quốc tế của Putin trở nên ảm đạm hơn.
Putin những tưởng dùng đòn chèn ép lúa mì Ukraina trên Biển Đen để gây ảnh hưởng các nước Châu Phi vốn phụ thuộc vào nguồn lúa mì nhập cảng, tuyên bố Nga thừa sức cung cấp lúa mì cho Châu Phi, tặng lúa mì cho 6 nước nghèo ở Phi Châu. Song Putin đã không ngờ, các nước Châu Phi tuyên bố đến Saint Petersburg không phải để nhận quà, mà đến để yêu cầu Nga nối lại thỏa hiệp xuất cảng ngũ cốc trên Biển Đen, kêu gọi giảm nhiệt cuộc chiến, mưu cầu hòa bình Châu Âu trên cơ sở công lý quốc tế. Tóm lại, Sa hoàng cố níu kéo hoàng hôn, song có vẻ như càng níu kéo, hoàng hôn càng phủ dày hơn./.