RFA
Ai là cha già dân tộc Việt Nam?; Ai sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta?; Ai đã cho ta một mùa Xuân đầy ước vọng?; Ai đã cho ta sáng mắt sáng lòng?; … là những câu hỏi được người dân trong nước đưa ra qua ChatGPT những ngày qua.
Câu trả lời mà ChatGPT đưa ra được cho là khác hoàn toàn với những gì người dân trong nước được nghe lâu nay. Chẳng hạn như: Không có người được chỉ định là cha già dân tộc Việt Nam; Không có ai sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta vì chúng ta là con người tự do và tự quản lý cuộc đời mình; Không có một người hoặc tổ chức nào cung cấp cho chúng ta một mùa Xuân đầy ước vọng; Không có ai cụ thể đã cho bạn sáng mắt sáng lòng …
ChatGPT (Chat Generative Pre-trained Transformer) là một chatbot do công ty công nghệ OpenAI phát triển. ChatGPT có thể được hiểu đơn giản là một công cụ sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo). Điểm đặc biệt của AI này nằm ở kỹ thuật diễn giải ngôn ngữ một cách rất tự nhiên cùng với kho kiến thức mà ChatGPT có được từ bộ dữ liệu huấn luyện ban đầu do OpenAI dựng sẵn.
Nhiều người cho rằng, dân mạng đặt ra những câu hỏi về Đảng chỉ với mục đích chứng minh những gì mà họ được nghe lâu nay là dối trá. Cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí cho rằng, đây là điều đáng mừng. Ông phân tích:
“Việc cư dân mạng đưa ra những câu hỏi kiểu như vậy phản ánh rất rõ mối quan tâm của những con người có chút hiểu biết cả về công nghệ, khoa học và về xã hội. Nó thể hiện rõ mối quan tâm của họ. Nói thực, bản thân tôi cảm thấy rất đáng mừng vì họ không hỏi những chuyện tào lao khác.
Họ hỏi những câu có tính chất suy luận và họ mong chờ câu trả lời ngược lại vẫn những điều họ phải nghe xưa nay, mà họ thấy hết sức vô lý. Trí tuệ nhân tạo nó trả lời rõ ràng, đầy đủ và thuyết phục hơn hẳn và những câu hát lâu nay là nực cười. Đáng mừng ở chỗ đấy.”
Ông Nguyễn Quang Vinh, một cựu chiến binh hiện sống tại Hà Nội, nêu quan điểm của ông với RFA qua ứng dụng Facebook messenger:
“Theo tôi nghĩ, chế độ Cộng sản ở Việt Nam hiện nay không còn một chút lòng tin nào trong nhân dân. Nhiều người đã mượn ChatGPT để mang ra giễu cợt những gì mà chế độ Cộng sản vẽ, thêu dệt để lừa mị nhân dân. Bản thân tôi đã từng là đảng viên Cộng sản nhận thấy bị Đảng Cộng sản lừa dối không xứng đáng với lòng tin của bản thân tôi nói riêng và nhân dân nói chung. Kể cả nhiều đảng viên đang còn sinh hoạt.”
Tuy mới trình làng vào cuối tháng 11 năm ngoái, ứng dụng ChatGPT đã đạt tới hơn 100 triệu người dùng. Việt Nam không là ngoại lệ khi ChatGPT đang tạo nên cơn sốt. Theo các chuyên gia đánh giá, ChatGPT đạt được lượng lớn người dùng bởi sản phẩm trí tuệ nhân tạo này đang được phát hành miễn phí.
Trở lại với những câu hỏi về Đảng mà người dùng đặt ra cho ChatGPT, ông Nguyễn Đăng Kế, kỹ sư xây dựng, chia sẻ với RFA quan điểm cuả ông:
“Theo tôi, không phải tự nhiên người ta đặt những câu hỏi như thế đâu mà trong đó có hàm ý mỉa mai. Họ muốn cho thấy những điều mà đảng và nhà nước thường nói chỉ là tuyên truyền. Họ tự đặt ra và tự ca ngợi.
Thay vì người dân họ nói thẳng là không tin ‘đảng cho mùa Xuân’ hay ‘Chủ tịch HCM được phong là danh nhân văn hóa’. Nói ra họ dễ bị kết tội chống đối… thì họ dùng công cụ ChatGPT này để hỏi.”
Chia sẻ với truyền thông nhà nước, ông Nguyễn Quang Thủ (kỹ sư công nghệ thông tin) lo ngại với một phần mềm trí tuệ nhân tạo thông minh như vậy, nhiều đối tượng có thể lợi dụng để sử dụng vào mục đích xấu. Cũng cùng suy nghĩ, luật sư Hoàng Kim Minh Châu (Đoàn Luật sư TP.HCM) đưa ra đề nghị kiểm soát ChatGPT bằng pháp luật để tránh tình trạng bị lạm dụng.
Mới đây, trả lời trên Báo điện tử Chính phủ – cơ quan thông tin, truyền thông đa phương tiện, tiếng nói của Chính phủ – PGS.TS Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin cũng cho rằng, cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu và ban hành các khuôn khổ pháp lý liên quan, bảo đảm việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các công việc một cách tường minh và có trách nhiệm rõ ràng. Theo ông Thắng, nếu kho tài liệu này chứa các dữ liệu không phù hợp với hoàn cảnh kinh tế – xã hội của Việt Nam, khả năng cao là ChatGPT sẽ như một “đứa trẻ” bị nhồi các kiến thức, quan điểm không đúng về Việt Nam. Và hệ quả là các phản hồi của nó sẽ không chính xác, dẫn đến nguy cơ nhận thức lệch lạc cho người dùng.
Ông Bằng Phi, một người dân ở TP.HCM cho rằng, rồi nhà nước Việt Nam sẽ ‘nhúng tay’ vào ứng dụng ChatGPT để ứng dụng này có những câu trả lời phù hợp với định hướng của chính quyền. Ông nói:
“Dân hỏi những câu về Đảng, về Bác là cách mà dân ‘chơi khăm’ Chính phủ thôi. Nhưng sau này sẽ có những người nói những câu họ muốn đưa vào và từ từ ứng dụng ChatGPT sẽ học được. Nếu mình hỏi câu đó mà nó trả lời như lâu nay Chính phủ tuyên truyền thì chắc chắn Chính phủ có can thiệp. Một là có người nhập câu trả lời vào; hai là có người hỏi và trả lời theo cách đó để nó tự học.”
Một số người mà RFA trò chuyện nhận định rằng, tư duy của chính quyền Việt Nam lâu nay là “quản không được thì cấm”. Nếu không cấm được thì sẽ ban hành luật để trừng phạt người dân. Luật an ninh mạng là một ví dụ.
Luật An ninh mạng của Việt Nam được Quốc hội thông qua vào ngày 12 tháng 6 năm 2018 và có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2019 với hơn 86% phiếu của đại biểu Quốc hội tán thành, bất chấp những phản đối của nhiều người dân và những quan ngại được một số tổ chức quốc tế và Hoa Kỳ nêu ra trước đó.
Phía Nhà nước cho rằng, Luật An ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Các nhà hoạt động xã hội và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã chỉ ra rằng, luật này đã không phát huy được tính hiệu quả bảo vệ an toàn mạng mà thường được dùng để đàn áp các tiếng nói mà Chính phủ cho là bất đồng quan điểm với Đảng và Nhà nước.