Phạm Minh-Tâm
Hàng năm mỗi khi trời đất vào xuân, trong lòng tôi lại trào dâng một dư-vị đắng chát và cảm-xúc bi-thương về những mùa xuân cũ. Cứ nói đến Tết là lại nghĩ đến Mậu-thân 1968 và những nhân mạng oan-khiên; đến Nhâm-tý 1972, rồi so-đo với Mẹ Việt-Nam khi lật lại từng trang Việt-sử từ bao đời đánh Tầu. Cái nước bá-quyền phía bắc là kẻ thù không đội trời chung suốt dòng lịch-sử, sao bây giờ đã trở thành như răng với môi, hay đúng hơn như cha sinh mẹ dưỡng của những người cộng-sản Việt-Nam.
- Các mùa xuân lịch-sử
- Mùa Xuân Canh-tí, năm 40 sau Công-nguyên, Hai Bà Trưng đã dựng cờ
khởi-nghĩa đánh đuổi viên thái-thú Tô Định của nhà Hán về Tầu.
- Mùa Xuân Mậu-thìn, năm 248, bà Triệu cùng anh là Triệu Quốc Đạt, nổi
binh chống lại chính sách cai-trị hà-khắc của Nhà Ngô bên Tầu qua viên thứ-sử Giao-châu. Nhà Ngô phải cử Lục Dận sang đương-đầu với lực-lượng quân khởi-nghĩa của anh em Bà Triệu.
- Mùa Xuân Nhâm-tuất, năm 542, ông Lý Bôn cùng toàn-dân nổi dậy chống
quân xâm-lăng nhà Tây Hán. Hai năm sau, vào mùa xuân năm Giáp-tí, ông Lý Bôn xưng hiệu Lý Nam-đế, đặt quốc-hiệu Vạn-xuân.
- Mùa Xuân Kỷ-hợi năm 939, Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán, dựng
nền độc-lập và lên ngôi vua, đóng đô ở Cổ Loa.
- Mùa Xuân Bính-thìn năm 1076, Lý Thường Kiệt phá tan quân nhà Tống.
- Mùa Xuân Mậu-ngọ năm 1258, mùa xuân Ất-sửu năm 1285 và mùa xuân
Mậu-thìn năm 1288 là ba mùa xuân chiến-thắng của quân dân nhà Trần đánh tan-tác đoàn quân Nguyên sang xâm-lăng nước ta.
– Mùa Xuân Mậu-tuất năm 1418, Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi khởi-nghĩa tại Lam-sơn. Sau mười năm gian-khổ đã bình-định được giang-sơn, đuổi giặc Minh về Tầu.
– Mùa Xuân Kỷ-dậu năm 1789, vua Quang-Trung đại-phá quân Thanh.
Đó là hùng-sử Việt, khi Dân-tộc vẫn còn vuông-tròn ý-nghĩa của huyền-thoại Trăm Trứng Rồng Tiên, chưa có chủ-nghĩa, chưa có đảng; lại cũng không có đồng-minh hay ý-hệ nào khác ngoài tinh-thần dân-tộc bất-khuất.
- Các mùa xuân chủ-nghĩa
Vì muốn bảo-vệ nửa miền Đất Nước còn lại sau cuộc chia cắt năm 1954, Miền Nam phải gánh chịu cuộc chiến chống chủ-nghĩa cộng-sản suốt 20 năm; để rồi kết lại, đây là cuộc chiến không phải chỉ là kinh-nghiệm đơn-giản về Việt-cộng, mà còn là về chủ-nghĩa cộng-sản bành-trướng của Trung-cộng và tư-bản Mỹ, mà cả hai đều bá-đạo ngang nhau. Có lẽ rất nhiều người không chịu nhìn ra cái sự thật này, mà vô-tình chụp cho Việt-cộng cái hào-quang “bên thắng cuộc” trơ-trẽn. Bởi vì, Việt-cộng chẳng qua cũng chỉ là tay sai cho chủ-nghĩa bá-quyền Đệ-tam Quốc-tế mà cộng-sản Tầu giữ vai-trò giám-hộ, để khi nào cần thì Tầu và Mỹ đem ra làm con bài đặt cược trên bàn “hội-nghị” cho ván bài chính-trị của cả hai. Lê Duẫn đã chẳng từng dạy bảo con dân của Cộng-hoà Xã-hội Chủ nghĩa Việt-Nam rằng…ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên-xô, đánh cho Trung-quốc, cho các nước xã-hội chủ nghĩa…đó sao.
Và đây là Mùa Xuân Mậu-thân 1968 …Lê Duẩn phát biểu tại Hội nghị Trung ương 14, tháng 12-1967: “Muốn thắng nó, làm sập nó dữ, không phải đánh thường thường như bây giờ, mà phải chuyển qua một giai đoạn mới, giai đoạn đó là chuyển qua tổng công kích, tổng khởi nghĩa…Nếu Sài Gòn bị sập một cái, nửa triệu người, vài ba chục vạn người cầm súng cho ta đánh nó thì lắm vấn đề lớn lắm, không lường hết được… (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc II. Trang 161).
Tác-giả Huy Đức lại còn ghi rõ hơn…Trong Chiến dịch Mậu Thân, người Mỹ bắt được một tài liệu của tỉnh Bình Định gửi cán bộ, nói rằng: “Tổng tấn công 1.000 năm mới có một lần, sẽ quyết định số phận của đất nước, sẽ chấm dứt chiến tranh”. Chính ông Lê Duẩn trước chiến dịch cũng tiên đoán “Cuộc khởi nghĩa ta nói đây là một giai đoạn cuối cùng”. Ông Duẩn tin, khi quân chủ lực tiến vào thì Sài Gòn sẽ nổi dậy”. Ngay sau khi chiến dịch bắt đầu, Lê Đức Thọ đã đi thẳng vào miền Nam, nắm vai trò phó bí thư Trung ương Cục. Ông ở lại cho tới tháng 5-1968, khi tình hình chiến trường không còn dấu hiệu chiến thắng nào… Đợt “tổng tiến công” lần thứ nhất trong Chiến dịch Mậu Thân đã tạo ra được yếu tố bất ngờ; tuy nhiên, Sài Gòn đã không “bị sập một cái” và không có “nửa triệu người cầm súng cho ta” như dự đoán của Bí thư Lê Duẩn. Ngay trong đợt đầu, theo Đại tá Tư Chu, chỉ huy Biệt động Sài Gòn, đã có những hy sinh, tổn thất lẽ ra có thể tránh được. Nhưng, không chỉ tấn công đợt đầu, theo Tướng Giáp: “Khi yếu tố bất ngờ đã không còn mà vẫn kéo dài tiến công vào đô thị, chậm chuyển hướng về củng cố, mở rộng, giữ vững vùng giải phóng và làm chủ ở nông thôn, do đó đã gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất rất nặng nề. Từ chỗ đang giữ thế thượng phong trên chiến trường miền Nam, quân Giải phóng đã phải trải qua những ngày chống đỡ trong tuyệt vọng…
Tác-giả Huy Đức chú-thích thêm…Đại-tá Tư Chu giải thích: Theo kế hoạch chiến đấu đợt Một Mậu Thân thì các đơn vị biệt động có nhiệm vụ xung kích, cố giữ các mục tiêu trong vòng một giờ, sẽ có các tiểu đoàn bộ binh mũi nhọn của các phân khu tiến vào tiếp ứng để đánh chiếm toàn bộ mục tiêu, tiêu diệt cơ quan đầu não của Mỹ Nguỵ, đồng thời có binh biến của một số đơn vị ngụy quân, có nổi dậy của hàng vạn thanh niên và quần chúng ở các quận nội đô để giành quyền làm chủ các địa bàn, mục tiêu ta chiếm được. Trên thực tế không có binh biến cũng như nổi dậy. Bộ đội chủ lực thì có nơi không vào kịp, hoặc không vào được, chỉ có các đơn vị biệt động đánh vào 5 mục tiêu một cách đơn độc. Có đơn vị phải chiến đấu cho đến người cuối cùng…Ở Miền Tây, theo Đại tướng Phạm Văn Trà: “Tiểu đoàn chúng tôi, ngày xuất quân với 7 đại đội đủ quân, xấp xỉ một nghìn tay súng. Sau khi kết thúc đợt 1, chỉ còn trên một trăm cán bộ chiến sĩ. Có tiểu đoàn khi đánh vào Cần Thơ, bộ đội ngồi chật cả trăm xuồng, khi ra chỉ vài chục chiếc, mỗi chiếc chở vài ba anh em…(Trang 161-162). Vẫn trong phần chú-thích…Trên thực tế chiến trường, cuộc Tổng công kích và khởi nghĩa đã bị nghiền nát. Tài liệu kiểm điểm của Khu ủy Khu IX, nơi ông Võ Văn Kiệt làm Bí thư từ năm 1970, viết: Do“chăm bẳm vào khả năng giải phóng hoàn toàn”, Khu uỷ đã tập trung toàn lực tấn công cả đầu não đô thị. Quân đội Mỹ và Sài Gòn, nhân cơ hội ấy, tiến hành “bình định đặc biệt, “bình định cấp tốc”ở vùng nông thôn, gom dân vào ấp. Cán bộ đảng viên bị dạt ra khỏi dân. Quân đội Sài Gòn đóng thêm 1.000 đồn bót. Trong số 250 xã miền Tây Nam Bộ, cuối năm 1968 có 50 xã đảng viên phải ly hương; 40 xã khác chỉ còn một hoặc hai đảng viên. Các trung đoàn chủ lực cũng bị đánh dạt sâu về Trà Vinh, U Minh. Trong khi số lượng du kích sụt, tân binh lại không tuyển được ngay cả trong những “xã giải phóng”. Trong Chiến dịch Mậu Thân, ông Võ Văn Kiệt đã vào sâu tận nội thành Sài Gòn, chiều Mùng Một Tết, ông đã có mặt tại một xóm nhỏ gần đình Bình Đông, quận 8. Tiền phương của Sài Gòn cũng nhận được những lệnh liên tiếp tập kích vào đô thị để “giành thắng lợi tối đa”. Những người trực tiếp ở chiến trường như ông đã phải chứng kiến sự hy sinh quá lớn. Ông nói “Lúc đó tôi đau đến mức nhiều lần bật khóc. Hơn 11 vạn quân Giải phóng đã hy sinh trên toàn chiến trường. Còn thương vong của dân chúng thì không thể nào tính được. Phần lớn căn cứ địa quân Giải phóng ở nông thôn đã trở thành “đất trắng”. Chưa bao giờ quân Giải phóng ở trong tình trạng như vậy. Có những sỹ quan chỉ huy cấp sư đoàn cũng chịu không nổi, phải ra đầu hàng chính quyền Sài Gòn…(Huy Đức. Bên Thắng Cuộc II. Trang 162).
Lịch-sử luôn công-bằng, sẽ không quên sót để minh-bạch dần những điều mà cho dù lúc này vẫn còn những thị-phi chấp-mê bất-ngộ theo phe nhóm. Các phe nhóm từ trong quá-khứ đã chỉ giỏi quậy phá cho hậu-phương Miền Nam rối tung lên chứ không bao giờ dám lai-vãng đến gần nơi chiến-trận, nơi mà toàn những con cháu Việt-Nam chỉ biết đem xương máu bồi-đắp bờ cõi và đã thành-toàn trách-nhiệm. Còn lại, lẽ “thắng – thua” hiển-nhiên là phần của mỗi người giờ này phải tự xét lại cái tội “tôi làm tôi mất nước”. Đây là nố tội kiểu “những điều thiếu sót” trong kinh Cáo-mình của người Công-giáo, song giờ này hình như nhiều anh em ta đã quên hay coi nhẹ, mà lại hăng-hái còn hơn thuở đang độ tuổi phải “vung gươm ra sa-trường” để vào cuộc chiến mới nơi xứ lạ quê người. Cái cuộc chiến như ông bà vẫn nói là ngồi buồn kể ruốc nhau ra, kể chán thì chửi bới, chụp mũ, giật dây…và Việt-cộng hưởng nhờ.
- “Quân” đồng minh vô hí ngôn
Ngày 31-3-1968, vừa ngay khi biến-cố Mậu-thân được xem như tạm yên với thắng-lợi hiển-nhiên không ai có thể phủ-nhận của Quân-lực Miền Nam, đột nhiên Tổng-thống Hoa-kỳ Johnson công-bố ngưng oanh-tạc một phần Miền Bắc với lý-do để chuẩn-bị tìm một giải-pháp hoà-bình cho Việt-Nam. Đó là cái cớ, sự thật là Hoa-kỳ đang mùa tranh-cử, nên thời-sự nào sôi-nổi nhất thì được dùng làm chiêu-bài. Một kinh-nghiệm đã có, năm 1963, trước khi Tổng-thống Kennedy ra tranh-cử nhiệm-kỳ hai vào năm 1964, Chính-quyền Đệ-nhất Cộng-hoà bị đảo-chính, kéo theo cả một chế-độ sụp đổ mà phần lớn cũng do ảnh-hưởng từ chính-trường Hoa-kỳ vào mùa tranh-cử. Thành vậy, vào thời-điểm sau Mậu-thân, chiến-dịch tranh-cử tổng-thống cho nhiệm-kỳ 1968-1972 cũng diễn ra giữa bầu-khí náo-động tại Hoa-kỳ. Các cuộc bạo-động xẩy ra khắp nước Mỹ. Mục-sư Martin Luther King bị ám-sát ngày 04-4-1968, phong-trào chống chiến-tranh Việt-Nam nổi lên từ giới trẻ, nhất là tại các Đại-học ở Hoa-kỳ đã thành một chiêu-bài tranh-cử để Tổng-thống Lyndon Johnson đáp-ứng bằng cách đơn-phương công-bố ngưng oanh-tạc từng phần, xuống thang chiến-tranh với Miền Bắc cho Phó Tổng-thống Humphrey của đảng ông tranh-cử với ứng-viên Richard Nixon của đảng Cộng-hoà. Tiếp theo là tiến-trình tổ-chức hội-đàm tại Ba-lê về chiến-tranh và hoà-bình ở Miền Nam mà quên phắt đi là vừa ngay lên kế vị khi Tổng-thống Kennedy bị ám-sát, ông Johnson đã tuyên-bố…Tôi sẽ không để mất Việt-Nam. Tôi sẽ không là người tổng-thống đầu tiên để cho Đông Nam Á sụp đổ giống như Trung Quốc đã sụp đổ…I am not going to lose Viet Nam, I am not to be the first President who saw Southeasth Asia go the way China went (Nguyễn Tiến Hưng. Khi Đồng Minh nhảy vào. Trang 551). Không chỉ hí-ngôn mà còn xảo-ngôn, vì năm 1963 là lúc “đồng minh” đang muốn nhày vào; còn 1968 tìm cách mở đường tháo chạy.
Ngày Quốc-khánh 01-11-1968, Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu đọc diễn-văn trước Quốc-hội lưỡng-viện, chính-thức báo tin vào tối ngày 31-10-1968, Tổng-thống Hoa-kỳ đã loan báo việc ngưng oanh-tạc Bắc Việt, song đây chỉ là quyết-định đơn-phương của phía Hoa-kỳ, Việt-Nam Cộng-hoà đứng ngoài quyết-định này cũng như không tham-gia “lá bài hoà-bình” của Tổng-thống Johnson bằng việc không gửi phái-đoàn đi dự khai-mạc Hoà-đàm Ba-lê ngày 06-11-1968. Chính-phủ Việt-Nam Cộng-hoà vì muốn hoà-bình, chỉ trực-tiếp đàm-phán với Miền Bắc chứ không chịu một áp-lực nào và chỉ chấp-nhận sự có mặt của Mặt-trận Giải-phóng Miền Nam như một phần của phái-đoàn Bắc Việt mà thôi. Trong khi đó…Càng gần ngày bầu cử, áp lực từ Washington đến càng mạnh. Đại sứ Ellsworth Bunker tìm mọi cách thuyết phục ông Thiệu gửi phái đoàn sang Paris dự hoà đàm, càng sớm càng hay…Cùng lúc ấy, ông Thiệu lại nhận được những lời ve vãn từ phía đối thủ của ông Hubert Humphrey, đó là ông Richard Nixon. Thông điệp phía Nixon lại trái ngược hẳn: “Chớ tham gia hoà đàm Paris, cố trì hoãn càng lâu càng tốt để đợi ông Nixon lên Tổng thống, mọi chuyện sẽ tốt đẹp…(Khi Đồng Minh tháo chạy. Trang 11). Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu chọn đề-nghị của ông Richard Nixon, rồi khi Nixon đắc-cử thì chỉ là “hí-lộng”.
Phải nói là Chính-quyền Nguyễn Văn Thiệu và Miền Nam trong suốt giai-đoạn 1968-1975, đã bị ba triều Tổng-thống Mỹ gồm Lyndon B. Johnson, Richard Nixon và Gerald Ford ép đến sức cùng lực kiệt, vì cả ba cùng nghe chung một cố-vấn Henry Kissinger, người coi như được giao khoán toàn quyền về ngoại-giao của Hoa-kỳ; đã giữ vai trò then-chốt trong kế-hoạch Mỹ áp-dụng để bỏ chạy khỏi Miền Nam. Người đã từng mở miệng cay độc khi nói về Miền Nam là …sao chúng không chết phứt cho rồi (why don’t these people die fast…).Tác-giả Nguyễn Tiến Hưng đã trưng-dẫn lời này ngay trên bìa cuốn sách “Khi Đồng Minh tháo chạy” của ông. Và theo tài-liệu của “National Security Archive” đã giải-mật, được ký-giả Elaine Sciolino đưa lên “The New York Times” ngày 28-2-2002, thì trong biên-bản cuộc họp tại Bắc-kinh ngày 09-7-1971, Kissinger đã nói với Chu Ân Lai…Lập trường của chúng tôi là sẽ không duy trì bất cứ Chính phủ nào ở miền Nam cả, và nếu như Chính phủ miền Nam không được nhiều người ưa chuộng như ngài nghĩ, thì khi quân đội chúng tôi rút đi càng nhanh, nó sẽ bị lật đổ càng lẹ. Và nếu nó bị lật đổ sau khi chúng tôi rút, chúng tôi cũng sẽ không can thiệp nữa…(Khi Đồng Minh tháo chạy. Trang 137).
Từ ngày 06-11-1968, khai-mạc Hoà-đàm Ba-lê, cho đến ngày 30-4-1975, bang-giao giữa Việt-Nam Cộng-hoà với Hoa-kỳ, không còn ý-nghĩa là đồng-minh trong trận chiến ngăn chặn sự xâm-lăng của chủ-nghĩa cộng-sản tại Đông Nam Á nữa. Ngược lại, là con đường tắt cho Hoa-kỳ và Trung-cộng tiến đến giao-hảo về kinh-tế. Miền Bắc cũng chỉ là bàn đạp cho Bắc-kinh sử-dụng làm một hậu-trường chính-trị để hai siêu-cường thực-hiện các âm-mưu, các tính-toán của họ. Quân-lực Miền Nam vẫn nỗ-lực bảo-vệ miền đất tự-do của mình, mà không biết rằng đang từng ngày bị Hoa-kỳ không những lừa-đảo, phản-bội mà còn bán đứng.
Chiến-tranh leo thang nhiều hơn từ năm 1971. Trong khi các tin chiến-sự đủ làm đau lòng người, thì tin về Hoà-đàm Paris làm cho người quốc-gia thêm cay-đắng, nghi-ngại đây là cái trò Hoa-kỳ bày ra trước công-luận thế-giới, còn ở hậu-trường đã có Kissinger tới lui dàn-xếp với Trung-cộng.
Ngày 15-2-1972, cũng vào Mùng Một Tết Âm-lịch, người Miền Nam ăn tết Nhâm-tí vui-vẻ. Vui với niềm tin sau khi Hoà-đàm Ba-lê kết-thúc, quân-đội cộng-sản Miền Bắc phải lui hết về bên kia giới-tuyến, Miền Nam được an-bình để tiếp-tục phát-triển và tái-thiết một xã-hội hậu-chiến bằng khả-năng hiện có và tâm-huyết chung như đã từng được sống vào những năm đầu của Miền Nam mới thành-lập nền cộng-hoà trong không-khí tự-do và dân-chủ…Khi người lính chiến đã đấu-tranh hiến hoà-bình cho Đồng-tháp Cà-mâu. Ta người nông-thôn quen sương gió góp gian-lao lo được mùa mong cầu. Nhờ tình quân dân gây bao niềm thương ấm-cúng non-sông đón bình-minh. Gắng lên với ngày nay ta cùng tưới đồng xanh, rồi sống no lành. Đây quê-hương thân-yêu Miền Nam, nắng lên huy-hoàng đẹp mùa vui sáng…(Lam Phương. Nắng đẹp Miền Nam).
Ngày vui qua mau. Tin Tổng-thống Hoa-kỳ Richard Nixon đi Bắc-kinh từ ngày 21 đến 28-02-1972, đã như đám mây đen u-ám kéo đến phá bầu trời xuân. Bởi vì mới trước đấy, ngày 31-12-1971, ông Nixon gửi Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu bức điện-văn giải-thích: Vào lúc tôi đang chuẩn bị cho chuyến đi Bắc Kinh để gặp và nói chuyện với lãnh đạo nước Cộng hoà Nhân Dân Trung Quốc, tôi muốn chia sẻ với Ngài những tư tưởng của tôi về các cuộc đàm đạo tại đó…
Ngài có thể chắc chắn tuyệt đối rằng tôi sẽ không đi tới một thoả thuận nào tại Bắc Kinh nếu nó phương hại tới các quốc gia khác, hoặc về những vấn đề có liên hệ tới các nước khác…(As I prepare for my forthcoming trip to Peking to meet and talk with the leaders of the Peoplele’s Republic of China. I would like to share with you some thoughts concerning the conversations I expect to have there…You may be absolutely certain that I will make no agreements in Peking at the expense of other countries or on matters which concern other countries…(Nguyễn Tiến Hưng. Khi Đồng Minh tháo chạy. Trang 30).
Rồi cũng chính Nixon viết lại về những ngày ở Bắc-kinh, ông đã nói với Chu Ân Lai…Giả sử như tôi có thể ngồi đối diện với bất cứ ai là người lãnh đạo Bắc Việt, và giá như hai bên có thể thương thuyết một cuộc ngưng bắn và trả lại tù binh cho chúng tôi, thì tất cả quân đội Mỹ sẽ được triệt thoái khỏi Việt nam trong vòng sáu tháng kể từ ngày đó…(Khi Đồng Minh tháo chạy.Trang 30).
Sau chuyến đi Bắc-kinh về, Nixon lại gửi một công-điện ngày 05-3-1972, trấn-an Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu…Xin Ngài yên tâm rằng tôi sẽ làm mọi việc trong quyền hạn của tôi để cho những hy sinh to lớn của hai dân tộc Việt và Mỹ sẽ không thành vô ích…Chúng tôi đã không thương lượng điều gì đàng sau lưng những người bạn của Hoa kỳ; và đã không có sự đổi chác bí mật nào hết…
Ngày 30-03-1972, hoa mai hoa cúc mừng Xuân Nhâm-tí chưa tàn thì Miền Bắc xua quân vuợt qua giới-tuyến quy-định, ào-ạt tấn-công Miền Nam, thành “Mùa hè đỏ lửa”. Mặt trận khởi đầu diễn ra ở hai tỉnh Quảng-trị và Thừa-thiên thuộc Vùng I Chiến-thuật. Các chương-trình của Đài Phát-thanh Sài-gòn và Quân-đội vang-vang lời hát như nhạc chiêu-hồn-nuớc…Cộng quân gian-ác đang kéo quân xâm-lăng qua Đông-hà. Vuợt qua vĩ-tuyến gây tóc-tang thê-lương cho muôn nhà. Gieo hận-thù, gây tan-tác, lửa chinh-chiến thiêu đốt đi bao nhiêu hoài-bão quê-hương ngày hoà-bình…Và câu đầu một phiên-khúc…Từ Sài-gòn gửi máu ra Trung…làm tôi nhớ đến hội-nghị Diên-hồng xa xưa…Toàn dân nghe chăng sơn-hà nguy-biến. Rồi chiến-sự lan đến Dakto, Tân-cảnh tỉnh Kon-tum thuộc Vùng II Chiến-thuật và cũng mau chóng diễn ra tại Lộc-ninh, An-lộc tỉnh Bình-long thuộc Vùng III Chiến-thuật.
Quảng-trị là ải điạ-đầu giới-tuyến, một lợi-thế cho quân-đội cộng-sản Miền Bắc ào-ạt chiếm đóng và hoành-hành suốt gần ba tháng. Song vào đêm 14-9-1972, lá cờ Quốc-gia trở lại phất-phới tung bay trên kỳ-đài cổ-thành Đinh Công Tráng của Quảng-trị. Tin chiến-thắng vang đi khắp nước bằng tâm-tình hy-vọng …Cờ bay, cờ bay oai-hùng trên thành-phố thân-yêu vừa chiếm lại đêm qua bằng máu…Ta ôm nhau mắt lệ nghẹn-ngào, quỳ hôn đất thân yêu, Quảng-trị ơi chào Quê-hương giải-phóng…Qua đêm đen nhìn thấy ánh mặt trời…
Nếu Quảng-trị đã ghi dấu son chói đẹp về tinh-thần chiến-đấu của Quân-lực Miền Nam kiên-trì bảo-vệ nửa miền Đất Nuớc trước hiểm-hoạ cộng-sản thì cũng ở Quảng-trị đã để lại một kinh-nghiệm khủng-khiếp về những đứa con Việt-Nam, tuy cùng sinh ra trong một bọc huyền-thoại về giống Rồng Tiên nhưng khác sự giáo-dục khi Tầu phương Bắc đã đổi huyết-thống thành cộng-sản sắt máu. Trong ngày 01-5-1972, đoạn đường dài khoảng chín mười cây số của Quốc-lộ 1, thuộc phần đất quận Hải-lăng, đang khi lưu-thông bị dồn lại vì đủ loại xe cộ của một dòng trên hai ngàn người, gồm dân chúng nhập theo quân-đội thuộc các đơn-vị nhận được lệnh di-tản khỏi Đông-hà, đã bị tan xương nát thịt do từng đợt pháo-kích phía sau nhắm bắn tới và các lằn đạn trực-xạ của các cánh quân cộng-sản Bắc Việt phục-kích từ nhiều hướng, quyết dẹp đường đi giải-phóng Miền Nam. Hai tháng sau, dù chiến-trận còn tiếp-diễn, một nhóm ký-giả nhật-báo Sóng Thần tình-nguyện xin đến đây chung tay “nhặt xác người” và ký-giả Ngy Thanh đã gọi đoạn đường của tội-khiên oan-khuất này là “Đại-lộ Kinh-hoàng”.
Ngày 14-1-1973, Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu nhận được những lời đe-doạ của Nixon khi ông tuyên-bố sẽ không ký-tên vào hiệp-định của Hoà-đàm Ba-lê, vì không đồng-thuận với một số điểm trong bản dự-thảo xét ra bất lợi cho Miền Nam… Thưa Tổng thống, tôi nhất quyết cho phê chuẩn bản Hiệp định vào ngày 23 tháng 1, và sẽ ký vào ngày 27 tháng 1, 1973 tại Paris. Tôi sẽ làm việc này dù phải làm một mình, trong trường hợp đó, tôi sẽ công khai tố cáo Chính phủ của Ngài làm cản trở cho công cuộc vãn hồi hoà bình tại Việt nam. Kết quả không tránh khỏi sẽ là việc cắt viện trợ quân sự và kinh tế ngay lập tức, mà dù có sự thay đổi về nhân sự trong Chính phủ của Ngài cũng không thể cứu vãn được…” (Khi Đồng Minh tháo chạy. Trang 36)…Và cứ thế cho đến ngày 30-4-1975, ngày mà tác-giả Huy Đức dựa vào viết lên ba chữ làm nhan-đề “hấp dẫn” cho cuốn sách Bên Thắng Cuộc của mình, song trong nội-dung đã để chữ giải-phóng trong dấu ngoặc kép… Miền Nam “giải phóng”. Thật khó có thể hình dung điều gì sẽ xẩy ra cho miền Bắc Việt Nam nếu như không có sự kiện 30-4-1975. Cuộc chiến được nói là để giải phóng miền Nam đã thực sự mở mắt cho người dân miền Bắc. Tuy chính quyền miền Nam tìm mọi cách để hạn chế báo chí đối lập, nhưng Sài Gòn trước ngày 30-4 vẫn là nơi có luật pháp để phục vụ quyền tự do ngôn luận. Những tờ tạp chí in bốn mầu, những bộ tiểu thuyết diễm tình, đồng hồ Seiko, máy nghe nhạc Akai, cassette, tivi, tủ lạnh và những con búp-bê biết mở nhắm mắt được các anh bộ đội đưa về đã đánh thức nhu cầu văn hoá của người dân Miền Bắc. Miền Nam bắt đầu có vô tuyến truyền hình từ năm 1965, trước Miền Bắc hơn một thập niên. Nhưng điều quan trọng là các chương trình phát thanh, truyền hình ở Miền Nam được phát đi một cách đa dạng và phong phú…(Huy Đức. Bên Thắng Cuộc II. Trang 24). Tác-giả Huy Đức viết những dòng này sau ngày 30-4-1975 tại Hà-nội làm tôi nhớ đến bản tuyên-ngôn của các chính-khách trong nhóm Caravelle tại Miền Nam, đã một thời gay-gắt múa bút để nặng-nề lên án nền Đệ-nhất Cộng-hoà; cùng với các phong-trào này, lực-lượng nọ chống chính-quyền thời Đệ-nhị Cộng-hoà đã chỉ-trích chính-quyền và chê-bai xã-hội Miền Nam không còn thiếu sự xấu-xa nào.
Tuy với nội-dung tóm gọn này không thể nói trọn hết lẽ thắng thua, song cũng rất mong được thay cho nén tâm-hương ngày xuân, thành-kính tưởng-niệm anh-linh tất cả những người Chiến-sĩ Quốc-gia đã bỏ mình trong suốt 20 năm chiến-đấu vì mục-đích tìm kiếm và bảo-vệ tự-do no ấm cho đồng-bào. Các vị đã đạt đến giá-trị tuyệt-đối của một kiếp người khi hiến trọn đời mình cho lý-tưởng quốc-gia, như nhạc-sĩ Trường Sa đã cảm-nghiệm được qua lời hát… bao lớp người đi, đầu mây chân gió vai nặng gánh sông hồ….dâng nguồn sống cho đời…(Hành trang giã từ) và tôi đang thầm hát với giọt nước mắt trong tim.
Giờ đây, trong cõi siêu-sinh vô-oán vô-hối, xin hãy tha lỗi và xót thương cho chúng tôi còn đang long-đong trong kiếp tha-hương như những kẻ bị lưu-đầy biệt-xứ. Người xưa nói “thác là thể-phách, còn là tinh-anh” nên trong tâm-thức tinh-anh ấy, cầu nguyện cho chúng tôi, đang sống nơi xứ người, thay vì chia rẽ, chửi bới nhau thì chung lời cầu nguyện cho Đất Nước, cho chính mình, cho gần trăm triệu đồng-bào trên dải đất chữ S không bị mất hai chữ Việt-Nam.
Phạm Minh-Tâm
Xuân Quý-mão – 2023