Nguyễn Huyền -VNTB
Đọc báo về chuyện chính trường xứ tư bản, thấy cứ hễ xã hội xảy ra chuyện gì ảnh hưởng đến dân sinh thì thường vị quan chức đầu ngành liên quan nếu không xử trí được, họ thường từ chức. Thậm chí có không ít trường hợp người từ chức là thủ tướng và sau đó là cả dàn nội các của thủ tướng đó.
Ở Mỹ hiện tại chẳng hạn, khi lá phiếu người dân không còn tín nhiệm nữa cho đảng Dân chủ ở hạ viện, rất tự trọng, gần như tức thì bà Nancy Pelosi thông báo sẽ từ chức lãnh đạo đảng Dân chủ tại hạ viện Mỹ, kết thúc nhiệm kỳ làm nên lịch sử của mình với tư cách là người phụ nữ đầu tiên giữ vai trò chủ tịch hạ viện Mỹ, và mở đường cho thế hệ mới nắm giữ vai trò lãnh đạo.
Việt Nam chỉ có một đảng cầm quyền, nhưng không phải vì thế mà không có những phiên bản tương tự về sự tự trọng của chính khách.
Từ những góc nhìn như trên, cho phép tôi nói thẳng: rất cần ông Tổng bí thư giữ sự tự trọng để còn có thể làm gương cho các thế hệ đảng viên khác tiếp nối trong việc quản trị quốc gia.
Dân gian có câu “nhà dột từ nóc”, do vậy với những gì mà chính ông Tổng bí thư đang chứng kiến, cho thấy nếu không phải là “thanh trừng nội bộ”, thì rõ ràng đây là năng lực quản trị nhân sự Đảng của ông Nguyễn Phú Trọng thật sự có giới hạn, dù ông đã ráng sức gần suốt 3 nhiệm kỳ liên tiếp trên cương vị Tổng bí thư.
Xin được dẫn chứng:
Ngày 18-11, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tin tức công khai từ cuộc họp này cho biết, từ sau phiên họp 21 (tháng 1-2022) đến nay, các cơ quan tố tụng cả nước đã:
– khởi tố, điều tra 2.474 vụ/ 4.646 bị can,
– truy tố 2.157 vụ/ 4.564 bị can,
– xét xử sơ thẩm 2.198 vụ/ 4.620 bị cáo về tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó về tham nhũng đã khởi tố mới 414 vụ/ 939 bị can.
Đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới:
– 10 vụ án/ 37 bị can;
– đã kết thúc điều tra 16 vụ án/ 248 bị can, kết luận điều tra bổ sung 8 vụ án/ 148 bị can;
– ban hành cáo trạng truy tố 13 vụ án/ 122 bị can;
– xét xử sơ thẩm 10 vụ án/ 101 bị cáo; xét xử phúc thẩm 9 vụ án/ 66 bị cáo.
Cơ quan chức năng đã khởi tố:
– nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang;
– đã khởi tố, điều tra 15 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có bốn ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng là bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy.
Từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 67 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó, có bảy ủy viên Trung ương Đảng, sáu nguyên ủy viên Trung ương Đảng. Đặc biệt, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII với ba ủy viên Trung ương Đảng.
Các địa phương đã miễn nhiệm:
– một chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh,
– hai chủ tịch UBND tỉnh theo các quy định về miễn nhiệm, từ chức, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật.
… Những con số nhảy múa ở trên cho thấy nếu năng lực quản trị nhân sự trong Đảng của ông Tổng bí thư tốt hơn cho yêu cầu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, có lẽ sẽ khó có chuyện các sai phạm kéo dài của “67 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý” như nêu tại buổi họp hôm 18-11-2022 của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực./.