Kính thưa quý thính giả, phần một bài bình luận nhan đề : “Hãy vì tướng Ngọ mà điều tra đến nơi đến chốn” của tác giả Ngô Đình Thu, được gửi đến quý vị trong mục bình luận kỳ vừa qua đã nêu ra những lý do rất hiển nhiên về nhu cầu phải tiếp tục điều tra vụ án gọi là “tiết lộ bí mật quốc gia” mà nhân vật trung tâm là tướng Phạm Quý Ngọ, để làm rõ trắng đen những khuất tất mà dư luận đã rộ lên sau cái chết đáng ngờ của tướng Ngọ, hầu bảo vệ thanh danh của lãnh đạo đảng CSVN cũng như thanh danh của bản thân tướng Ngọ và gia đình. Ngoài hai đối tượng vừa kể còn có những ai khác cũng có nhu cầu này. Mời quý vị nghe sau đây phần hai bài viết của tác giả Ngô Đình Thu bàn về vấn đề này.
Đối với Trưởng và Phó ban Nội Chính
Liệu có còn ai sợ những tuyên bố “bắt hết, hốt hết, không cần nói nhiều” của Trưởng ban Nội Chính Nguyễn Bá Thanh và Phó ban Phạm Anh Tuấn nữa không, khi vừa có chỉ dấu đường dây tội phạm có gốc từ Bộ Chính Trị là lập tức trở thành “dẹp hết, đóng hết, cấm nói nhiều” ?
Ban Nội Chính khó có thể giải thích vì ông Ngọ chết nên mất đầu mối để điều tra tiếp. Bà Lan, người đưa tiền hối lộ hơn một triệu đôla, còn đó. Đại úy Phạm Mạnh Hùng, người giao liên tín cẩn nhất của ông Ngọ, còn đó. Và hầu hết những người mà ông Dương Chí Dũng nhắc đến tên tuổi, còn đó. Nếu nhắm mắt làm ngơ trước bằng đó đầu mối thì rõ ràng Ban Nội Chính chỉ là một thứ đồ chơi riêng của vài lãnh tụ ở thượng tầng. Còn cách giải thích nào khác không?
Riêng cá nhân ông Nguyễn Bá Thanh cũng cần chứng minh cho quần chúng thấy bản chất “Bao Công” của ông mà nhiều người vẫn đồn thổi và đặt kỳ vọng. Tại sao ông rất thẳng tay với tướng công an Trần Văn Thanh năm 2009 – dù bị tai biến mạch máu não vì bị xe cứu thương chở đến tòa để xử – nhưng nay lại im ngay về vụ Tướng Ngọ khi còn đủ loại đầu mối? Hay cọp Bá Thanh chỉ ở rừng Đà Nẵng là hết cỡ, ra tới Hà Nội chỉ còn là mèo?
Đối với những cán bộ thân cận dưới quyền tướng Ngọ
Có lẽ đây là những người cần lên tiếng yêu cầu lãnh đạo đảng tiếp tục điều tra hơn ai hết, vì đây không còn là chuyện thanh danh nữa mà là chuyện sinh mạng của họ và gia đình họ.
Ai cũng biết tướng Ngọ không thể và không muốn lộ mặt trong mọi khâu làm ăn. Chắc chắn ông Ngọ phải tuyển mộ và dùng nhiều đàn em thân tín để “chạy việc” và mỗi đàn em đó đều phải biết ít nhiều những bí mật của ông Ngọ. Những kẻ đã dám dàn xếp cái chết bất ngờ và đầy bí ẩn cho một thượng tướng kiêm thứ trưởng thì chẳng ngại ngùng hay thương xót gì những cán bộ cấp thấp hơn để bịt cho kín mọi lỗ rò. Và những kẻ này có nhu cầu làm nhanh trước khi các bí mật lan ra xa hơn vì người sợ thường đi kiếm rượu và kiếm bạn.
Vấn đề là không phải ai dưới quyền ông Ngọ đều được ông tin cẩn cho làm đàn em chạy việc đặc biệt. Có người biết bí mật của ông Ngọ và có người không. Tuy nhiên những người muốn bịt kín các bí mật không phân biệt được 2 loại cán bộ nói trên và cũng không tin những người tự khai báo là họ không biết gì. Chuyện giết quá tay cho chắc ăn kiểu Tào Tháo không còn là điều xa vời. Chỉ cần nhìn cảnh tướng Ngọ nằm nghe văn tế là cảm được.
Sự sợ hãi trong hàng ngũ dưới quyền tướng Ngọ hẳn đang ở mức rất cao, không chỉ cho cá nhân mà cho cả gia đình họ. Vì không cao cấp như ông Ngọ nên cái chết nếu đến với gia đình họ nhiều phần sẽ rất âm thầm và được gọi là “tai nạn”. Sự sợ hãi này có thể thấy được ở sự trống vắng các cán bộ dưới quyền ông Ngọ tại tang lễ ngày 23/2, theo lời tường thuật của vài người có mặt.
Chính vì vậy mà những cán bộ từng làm việc dưới quyền ông Ngọ nhưng không dính dáng gì đến các vụ chạy án, các vụ làm ăn riêng của ông, cần lên tiếng chung thỉnh cầu lãnh đạo đảng điều tra và công bố kết quả. Khi chẳng còn gì là bí mật thì nhu cầu “triệt khẩu” cũng không còn nữa.
Ở mức tối thiểu, các cán bộ vô can này cần tìm đến gõ cửa Trưởng và Phó Ban Nội Chính, tình nguyện hợp tác trong việc điều tra và cùng lúc cho thấy rõ mình không dính dáng gì với các đường dây làm ăn của tướng Ngọ.
Đối với những người có vẻ thương xót tướng Ngọ
Những người đặc biệt quan tâm đến thanh danh của tướng Ngọ như Đại tá công an kiêm Tổng biên tập báo Petro Times Nguyễn Như Phong lại càng phải dùng mọi phương tiện truyền thông trong tay để yêu cầu mở lại và mở rộng cuộc điều tra về các tố giác đối với tướng Ngọ.
Ông Phong quan tâm đến độ vừa cho đăng luôn bản tự khai viết tay của ông Dương Chí Dũng trong tù. Đây là một tài liệu cho một vụ án chưa xong nên theo luật định, việc tung ra là hành động phạm pháp, nhưng ông Phong vẫn làm vì tướng Ngọ. Việc có người cung cấp tài liệu này cho ông Phong cũng cho thấy trong ngành công an có người chia sẻ quan điểm của ông Phong. Nhưng liệu các sĩ quan công an cấp tá này có vượt qua được nỗi sợ khi bước điều tra kế tiếp trên Thứ trưởng Ngọ phải là Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang không?
***
Tóm lại, rõ ràng vì lợi ích của Bộ Chính Trị, của Gia Đình ông Ngọ, của Ban Nội Chính, và của nhiều người khác, lãnh đạo Đảng cần điều tra vụ tướng Ngọ cho đến nơi đến chốn. Đóng vụ án này là tự hại mình đấy!