VietTuSaiGon – RFA
Chưa có thời đại nào mà ngành giáo dục thối nát như lúc này! Lạ ở chỗ là hình như sự thối nát này được ngấm ngầm công nhận hoặc nó đã được cài đặt từ trứng nước, nên nó dễ dàng chạy trong hệ thống một cách nhịp nhàng, chỉ có những sản phẩm của nó, từ nó là trở nên méo mó và đáng sợ hơn bao giờ hết.
Một ông Bộ trưởng dám mở miệng đưa ra ý kiến, đề xuất nữ sinh không được phép bán dâm quá ba lần.
Một hiệu trưởng làm môi giới mại dâm cho các nữ sinh của trường mà y quản lý bán dâm cho các quan chức địa phương.
Nạn mua bán bằng cấp xảy ra như cơm bữa và trong hệ thống giáo dục lúc nhúc những kẻ gian manh, thậm chí không đủ tư cách làm người, chưa bàn đến chuyện tư cách nhà giáo.
Những nhà trọ mọc ra khắp mọi nơi dường như nhắm đến hai nhóm đối tượng khách hàng thường xuyên là cán bộ và giáo viên. Hai nhóm khách hàng này thường chọn trọ theo giờ và rất chịu chi tiền.
Nữ sinh, đặc biệt sinh viên nữ ngành sư phạm bị xem là thành phần có thể bán trôn nuôi miệng và duy trì vốn liếng để tìm đường lọt vào ngành khi ra trường.
Không có ngành nào lương lại bèo bọt và người làm trong ngành lại bị khinh rẻ như ngành giáo dục, trong lúc này.Thế nhưng câu chuyện đâu chỉ dừng ở đó, sự khốn nạn nối tiếp khốn nạn, thay vì khắc phục, cải thiện nó, người ta khuấy cho nó đục thêm, bởi nước càng đục thì cò càng béo.
Hay nói khác đi, giới chức giáo dục và cả không ít giáo viên đã bị biến thái theo thời gian, đã tự biến bản thân họ trở thành một loại cò cuốc trong cái ao đời mang tên giáo dục, họ đã thay nhau sục bùn, thay nhau làm cho nước đục và thi nhau mà mổ vào cái ao bùn ấy không ngừng.
Chưa xong chuyện một giáo viên nữ phải tự kết thúc cuộc đời của cô bởi không chịu nổi những bức xúc, ép uổng, bất công và tàn nhẫn từ cái ngành cô đang làm việc và từng nuôi ước mơ về nó – nhà giáo – thế rồi cô cảm thấy đó là mối nhục, là ghê tởm… thì câu chuyện mới đây, nói là mới bởi nó mới bị phanh phui chứ thực tế nó đã có từ rất lâu và đã có biết bao nhiêu chuyện tương tự trong môi trường giáo dục này rồi.
Trường trung học Marie Curie tại thành phố Hồ Chí Minh, một ngôi trường điểm, thuộc giáo dục nhà nước, là ước mơ của nhiều gia đình có con em độ tuổi trung học… Đó là một thời, nó cũng giống như các trường Lê Hồng Phong, Lê Quý Đôn, Phan Châu Trinh hay Quốc Học… đó là trường điểm. Thế rồi người ta đã làm gì với trường điểm này?
Người ta khai thác miếng mồi ngon này bằng rất nhiều cách, trong đó không ngoại trừ nhận hối lộ để giáo viên được chọn vào trường điểm, nhận hối lộ của cha mẹ học sinh để con họ được vào trường điểm, thế rồi mọi sự cứ tiếp tục phát triển theo lòng tham của quan chức giáo dục, cụ thể ở đây là Hiệu Trưởng.
Việc thu tiền nghỉ trưa với giá mỗi em 15.000 đồng, gọi là thu tiền điện mà theo ước tính, một lớp có 30 em, vậy mỗi buổi trưa, nhà trường cho thuê tiền phòng là 450.000 đồng, trường có chừng 30 phòng thì mỗi buổi trưa thu về 13.500.000 đồng, số tiền nhà trường thu từ học sinh mỗi buổi trưa có thể cao hơn rất nhiều so với số tiền thu về mỗi buổi trưa ở một khách sạn loại vừa. Và mỗi tháng, trừ các ngày cuối tuần, số tiền nhà trường thu về ít nhất cũng gấp 20 lần con số 13.500.000, tức là hơn 270.000.000 đồng (hơn hai trăm bảy mươi triệu đồng).
Nếu các em không nộp tiền thì sẽ bị đuổi ra khỏi lớp, nằm ngồi dặt dẹo ở các gốc cây, ghế đá (rất có thể sẽ kèm theo nạn bảo kê và mua bán ghế đá giữa các học sinh với nhau, một khi mọi thứ đã biến thành cái chợ thì không chuyện gì là không thể!), Sài Gòn mùa này là mùa mưa, mưa có thể đến bất chợt bất kì giờ nào và chuyện học sinh bị đuổi ra khỏi lớp vì không có tiền nộp tiền phòng để được ngồi ngay trong vị trí ghế của mình trong lớp học, phải chui ra sân ngồi dang mưa, sau đó bị cảm nước, cảm lạnh… là chuyện chẳng thể tin nổi thế nhưng nó đã xảy ra giữa thành phố Sài Gòn, ngay lúc này.
Sở dĩ có chuyện đáng kinh tởm như vậy bởi dù không nói ra, người ta cũng thừa sức để hiểu rằng trong luật chơi hiện tại của ngành giáo dục Việt Nam, tay Hiệu trưởng kia đã phải chung chi rất nhiều khoản tiền mới có thể ngồi vào cái ghế lãnh đạo nhà trường, và đây là cách thu hồi vốn và lãi của ông ta. Bởi hơn ai hết, các quan chức giáo dục thừa sức hiểu rằng cho đến lúc này, việc tham nhũng, hối lộ, thậm chí hối lộ tình dục trong ngành giáo dục đã trở nên vô tội vạ, nó thành một thứ trào lưu xã hội. Và cho dù có cơ hội hay không có cơ hội, người ta cũng sẵn sàng hối lộ và nhận hối lộ tình dục từ phía giáo viên nữ. Vì sao?
Vì cái ghế quyền lực béo bở và đầy màu sắc của Hiệu trưởng vô hình trung đã định giá xã hội cho y/thị trong bối cảnh hiện tại, trong thang giá trị xã hội đương thời, một thứ thang giá trị được hình thành từ giáo dục và trở về với chính ngành giáo dục, lấy vật dục làm nền tảng và thước đo mọi thứ giá trị khác. Chính vì vậy, tri thức trở thành hàng rởm, thứ không cần bàn tới trong giáo dục mà quyền lực mới là thứ đáng để quan tâm đối với những người làm nghề giáo dục.
Vì thế, người ta ít hoặc không quan tâm đến hàm lượng tri thức có được của một con người trong ngành mà chủ yếu quan tâm đến các mối quan hệ quyền lực, chỗ đứng, chỗ ngồi trong hệ thống quyền lực ngành. Một khi có quyền lực, được hâm mộ bởi quyền lực thì chắc chắn cũng có kẻ muốn tiếp xúc gần, có kẻ muốn gần gũi với quyền lực và việc hối lộ tình dục đôi khi chẳng để làm gì, chỉ đơn giản là được gần với kẻ nắm quyền lực để thấy mình kì vĩ hơn trong hệ thống ngành và chỉ chừng đó cũng đủ, nếu may mắn hơn thì được cất nhắc lên một chút nữa, xem như đời mãn nguyện.
Cái nếp suy nghĩ chuộng quyền lực và vật dục đã nhanh chóng đẩy cả xã hội trở thành một đám sống bản năng, thiên về vật dục và lồng lên theo tiếng gọi bản năng, trong đó, ngành nhà giáo bị tác động nặng nề nhất bởi đây là cái ngành ức chế nhất, cái ngành mà bản năng luôn đi ngược với gương mặt đạo đức, cái ngành mà người ta vốn dĩ sống, nghĩ, làm việc và khao khát theo bản năng nhưng lại phải làm việc, thu nhập, chi tiêu và hành xử trong một môi trường luôn phải tỏ ra đạo đức, luôn diễn đạo đức (kì thực, cơ chế chính trị, văn hóa và kinh tế Cộng sản xã hội chủ nghĩa đã đào tạo ra con người của họ không phải vậy, nó thiên về tham vọng và đặt vật dục lên hàng đầu!). Và một mặt phải sống với đồng lương quá èo ọp, với khuôn mẫu đời sống đầy mô phạm nhưng bất an và bất công, một mặt người ta muốn leo lên, muốn cởi bỏ theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Điều này khiến cho ngành giáo dục đang ngày càng trở nên bệ rạc và xấu xí trong con mắt xã hội nói chung và trong cái nhìn của lương tri nói riêng. Và bù vào, thay vì khắc phục, người ta buông thả và biến mọi sự tệ hại trở thành một thứ mặt trái, một cuộc chơi ngầm đầy li kỳ và hấp dẫn của ngành nghề. Và để có những cuộc chơi như vậy, để duy trì độ nóng của cuộc chơi, không ai khác, học sinh, con em chúng ta và xã hội chúng ta phải trả giá cho cuộc chơi đầy băng hoại của họ.
Có thể nói rằng ngành giáo dục nói chung, cho đến lúc này là hết thuốc chữa, bệnh đã trầm kha, vấn đề là phải lọc máu nó như thế nào chứ không phải là tiếp tục dột đâu vá đó như bấy lâu nay vẫn thấy!