Hàn Lam (VNTB)
FED có khả năng sẽ cân nhắc tăng lãi suất thêm 0,5 hay 0,75 % vào cuộc họp tiếp theo từ ngày 20-9 đến 21-9 tới đây.
Bộ Tài chính Việt Nam vẫn ‘tự tin’
Tại hội nghị ngân hàng trung ương ở Jackson Hole (Mỹ) ngày 26-8, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell có bài phát biểu vỏn vẹn 8 phút với thông điệp chính: cơ quan này sẽ không từ bỏ kiềm chế lạm phát để đổi lấy tăng trưởng.
Thông tin từ hội nghị này đang khiến giới làm ăn ở Việt Nam như ngồi trên đống lửa, vì đến hiện tại, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong hai thập niên qua bởi chính sách kiềm chế lạm phát mạnh tay của FED. Theo đó, tính đến ngày 26-8-2022, USD đã tăng khoảng 13,5% so với các đồng tiền khác trong năm nay.
Đồng USD mạnh có thể giúp hoạt động xuất khẩu và cán cân thương mại của một số quốc gia. Nhưng đồng bạc xanh mạnh lên cũng làm trầm trọng thêm các vấn đề khác như giá nhập khẩu tăng lên, hay việc giải quyết các khoản nợ bằng đồng USD của chính phủ các nước sẽ trở nên khó khăn hơn.
Ghi nhận vấn đề trên từ Bộ Tài chính Việt Nam, thì hiện nay khối lượng vay vốn trong nước của chính phủ chiếm 90%, và vay vốn nước ngoài chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị hàng năm.
Các khoản vay trong nước của chính phủ có xu hướng tăng nhanh và chiếm vai trò chủ đạo, nợ nước ngoài giảm dần. Do vậy, theo người có trách nhiệm ở bộ này thì rủi ro về tỷ giá đối với nợ nước ngoài giảm xuống, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của chính phủ bị tác động không nhiều trước việc đồng USD tăng giá.
Tuy vậy, cả Bộ Tài chính cùng giới làm ăn đều đồng ý rằng trong vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả tăng cao, khi Fed tăng lãi suất, khu vực doanh nghiệp sẽ tăng gánh nặng trả nợ vay nước ngoài.
Ảm đạm kinh tế cuối năm gần như hiển nhiên
“Ở thị trường châu Âu, việc đồng Euro mất giá là tín hiệu không tích cực cho dệt may xuất khẩu của Việt Nam, vì giá cao sẽ khiến khả năng cạnh tranh khốc liệt hơn. Thực tế cho thấy tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua, đơn hàng vào EU có sự chậm lại so với 5 tháng đầu năm.
Với đồng USD, khi Fed lại tăng lãi suất, đồng nghĩa với đồng tiền USD sẽ còn tăng giá. Đây là điều kiện để doanh nghiệp có những thuận lợi vào thị trường Mỹ, nhưng ngược lại, lạm phát cũng khiến nhu cầu tiêu thụ tại đây giảm. Do vậy, những tháng còn lại của năm 2022 tình hình trong ngành dệt may của Việt Nam có thể khó khăn hơn so với nửa đầu năm của 2022” – ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhận định.
Trong một hội luận ‘bỏ túi’ được trang Việt Nam Thời Báo tổ chức trực tuyến ngay sau khi nhận tin có thể Fed lại tăng lãi suất vào hạ tuần tháng 9 tới đây, ghi nhận ý kiến từ góc nhìn đa chiều thì FED và ngân hàng trung ương nhiều nước quyết định và dự định tăng lãi suất, sẽ gây áp lực mạnh mẽ lên chính sách tiền tệ nói chung, chính sách lãi suất nói riêng của Việt Nam.
Theo đó, năm 2022 Việt Nam dự định nới lỏng chính sách tiền tệ và nỗ lực hạ lãi suất, kể cả hỗ trợ lãi suất để phục hồi kinh tế nhân cơ hội lạm phát trong nước vẫn được kiểm soát tốt. Thế nhưng khi các quốc gia tăng lãi suất có thể làm cho cơ hội giảm lãi suất và kiểm soát lạm phát ở mức thấp của Việt Nam năm 2022 giảm đáng kể, đặc biệt là khả năng nhập khẩu lạm phát đang tăng trở lại bên cạnh lạm phát do cầu kéo cũng có dấu hiệu quay lại.
“Nếu USD tiếp tục lên giá so với VND ngay trong năm 2022 thì Việt Nam sẽ rơi vào trạng thái chưa kịp nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để phục hồi kinh tế, thì đã phải thắt chặt do nguy cơ lạm phát cao” – đó là cảnh báo được đưa ra sau hội luận ‘bỏ túi’ của trang Việt Nam Thời báo hôm 28-8-2022./.