Giới tinh hoa quyền lực Nga phải hạ bệ Putin

- Quảng Cáo -

Alfred H. Moses, “Russlands Machtelite muss Putin absetzen”, WELT, 22/03/2022 – nghiencuuquocte.org – Nguyễn Xuân Hoài dịch

Alfred H. Moses từng là Đại sứ Hoa Kỳ tại Romania và nhiều quốc gia khác. Ông giải thích lý do tại sao sự sợ hãi của người Đông Âu đối với Putin cũng có mặt tốt, và nền tảng quyền lực của ông chủ Điện Kremlin đang rạn nứt ở đâu.

Cuộc xâm lược hoàn toàn vô nghĩa của Nga vào Ukraine hiện đã bước sang tuần thứ tư và chưa có hồi kết. Ngày càng bộc lộ rõ đây là cuộc chiến của riêng Vladimir Putin. Chừng nào Putin vẫn còn nắm quyền, Nga sẽ còn bám trụ ở Ukraine, và là mối đe dọa về quân sự đối với Moldova, Gruzia, Azerbaijan và Armenia, tất cả đều là lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ.

Ngay từ đầu, Putin đã thể hiện rõ tham vọng đế quốc của mình, ông ta mong muốn giành lại cho “Nước mẹ Nga” những vùng lãnh thổ đã bị mất khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Ai phải trả giá cho sự vĩ cuồng này? Câu trả lời là: tất cả chúng ta, người Ukraine, người Nga (bao gồm cả những nhà tài phiệt của Putin và quân đội Nga). Ai được lợi? Không một ai. Đã đến lúc phải nêu đích danh kẻ tội đồ và kêu gọi “siloviki”, tầng lớp tinh hoa quyền lực (xuất thân an ninh – NBT) của Nga, hạ bệ Putin.

- Quảng Cáo -

Từ lâu đã có tình trạng bất ổn trong giới Siloviki. Theo lệnh của Putin, chỉ huy cơ quan tình báo nước ngoài FSB, tổ chức kế tục KGB của Liên Xô, đã bị bắt cùng với cấp phó của ông ta, có lẽ vì họ đã đánh giá sai sức đề kháng của Ukraine trước cuộc xâm lược của Nga. Sau cái chết của ba tướng lĩnh hàng đầu và hàng nghìn binh sĩ Nga, giới lãnh đạo quân đội Nga bắt đầu cảm thấy bồn chồn. Họ chưa bao giờ thực sự yên tâm với vị tổng thống xuất thân từ KGB này, bất chấp hàng tỷ rúp mà Putin đã đổ vào việc xây dựng lại quân đội Nga.

Và nếu chiến tranh còn kéo dài hơn nữa và ngày càng nhiều túi đựng xác được chuyển về nước thì tinh thần phản chiến càng có cơ sở để bùng phát ở Nga. Ngay cả những người bạn Trung Quốc của Putin sau đó cũng có thể thúc giục ông ta chấm dứt tình trạng điên rồ ở Ukraine, nếu không sự lên án hầu như khắp toàn cầu đối với Nga sẽ lan tràn và làm suy yếu các chế độ chuyên chế khác.

Điều quan trọng là mặc dù Putin gần như nắm độc quyền về nguồn thông tin, người dân Nga vẫn không ủng hộ chiến tranh. Không có các cuộc tuần hành biểu dương lực lượng ủng hộ cuộc chiến này. Thay vào đó, hàng nghìn người biểu tình Nga đã bị lực lượng an ninh của Putin bắt giữ, trong khi một lượng người lớn hơn nhiều lần đang sử dụng mạng xã hội để lên tiếng phản đối chiến tranh. Điều này trái ngược hẳn với sự nhiệt tình của năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea, hay thậm chí là sự ủng hộ điên đảo dành cho Hitler ở Đức Quốc xã vào giai đoạn đầu Thế chiến II.

Thậm chí, con gái của người phát ngôn chính thức của Putin, Dmitry Peskov, còn trương khẩu hiệu “Nói không với chiến tranh” trên mạng xã hội. Hãy tưởng tượng nếu con gái của vị trùm tuyên truyền của Đế chế Hitler là Joseph Goebbels công khai lên tiếng chống lại cuộc xâm lược Ba Lan năm 1939 hay chống lại cuộc xâm lược Hà Lan của Đức Quốc xã vào năm 1940 thì sao?

Rõ ràng, nỗi lo sợ của Putin về việc mở rộng NATO chỉ là một cái cớ và một nỗ lực rất rõ ràng để biện minh cho cuộc xâm lược. Sự phản kháng của Nga đối với sự mở rộng của NATO cũng không bắt đầu từ Putin. Boris Yeltsin, người tiền nhiệm của Putin, đã phản đối NATO mở rộng về phía Đông, song ông ta bất lực không ngăn chặn nổi các quốc gia vệ tinh cũ của Liên Xô ở Trung và Đông Âu gia nhập Liên minh Đại Tây Dương.

Tất cả các nước đó đều lo sợ, khi đó cũng như hiện nay, một khi nước Nga tỉnh dậy. Những người bạn Rumani của tôi đã so sánh Nga với một người bạn đến ăn tối rồi ăn vạ ở lì luôn trong nhà quyết không chịu ra về. Rumani vô cùng biết ơn việc nước này tham gia NATO và, nhờ Điều 5 của hiệp ước NATO, giờ được đặt dưới chiếc ô bảo vệ hạt nhân của liên minh an ninh này.

Một cuộc đảo chính từ bên trong có lẽ sẽ là cơ hội tốt nhất để thực sự loại bỏ được Putin. Nhưng bất kể xác suất Putin bị phế truất là như thế nào, thì kết cục thay thế vẫn là thêm nhiều cuộc chiến vô nghĩa, với nhiều thương vong hơn, nhiều nhà cửa, nhiều thành phố sẽ bị tàn phá hơn. Tóm lại đây là một thảm kịch đối với con người.

Alfred H. Moses từ năm 1994 đến 1997 là Đại sứ Hoa Kỳ ở Rumani, từ 1999 đến 2001 là Đại diện đặc biệt của Tổng thống Hoa Kỳ trong đàm phán giải quyết xung đột ở Síp, và Chủ tịch lâu năm của Tổ chức Giám sát Liên Hợp Quốc tại Geneva.

A.M.

- Quảng Cáo -