Quân đội Liên bang Đức thiếu vũ khí thì làm sao cung cấp cho Ukraine?

- Quảng Cáo -

Lưu Thủy Hương

Chính phủ liên bang Đức sẽ cung cấp phương tiện tài chính để Ukraine có thể tự mua vũ khí…. trực tiếp từ các nhà sản xuất Đức, càng sớm càng tốt.

Trước sự chỉ trích căng thẳng của các chính trị gia trong nước, hôm 23.3.2022, Bộ Quốc phòng Đức thông báo, họ sẽ cung cấp thêm cho Ukraine 2000 hỏa tiễn.

Dù rằng, vài ngày trước đó, bà Bộ trưởng Quốc phòng Lambrecht đã lên tiếng báo động: “Nhà kho của Quân đội Liên bang đã cạn kiệt. Chúng ta phải tìm một phương án khác.” Bà Bộ trưởng Ngoại giao Baerbock cũng cho biết: “Sự thật là, chúng ta không có đủ vũ khí. Chúng tôi đang cố gắng hết khả năng.”

- Quảng Cáo -

Sự thật là, Đức là nước có kim ngạch xuất khẩu vũ khí hàng thứ tư trên thế giới! Tại sao Quân đội Liên bang Đức thiếu vũ khí?

Vấn đề nằm ở đâu?

Từ năm 2015 đến 2019, nước Đức đứng hàng thứ tư trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu vũ khí, chỉ sau Hoa Kỳ, Nga, Pháp.

Giao dịch xuất khẩu vũ khí của Đức là hoạt động ngoại thương rầm rộ của các công ty tư nhân, tập đoàn, gồm các mặt hàng về quân trang quân bị và vũ khí chiến tranh. Tuy nhiên, việc xuất khẩu các loại hàng hóa này phải tuân theo Đạo luật Kiểm soát Vũ khí Chiến tranh và cần có sự chấp thuận của Hội đồng An ninh Liên bang.

Đạo luật Cơ bản của Đức quy định, vũ khí chiến tranh chỉ được sản xuất, vận chuyển và xuất khẩu khi được Chính phủ Liên bang cho phép. Trong trường hợp giao dịch ở các quốc gia bị lên án về vi phạm nhân quyền, độc tài… phải cần quyết định của Hội đồng An ninh Liên bang. Ví dụ: Từ năm 2014, vũ khí và đạn dược bán cho Nga chỉ là những loại nằm trong danh mục vũ khí thể thao.

Về cơ bản, các công ty và tập đoàn vũ khí của Đức cũng xuất khẩu quân trang, quân bị cho khu vực có khủng hoảng an ninh, các nước có vấn đề vi phạm nhân quyền, chế độ độc tài… nhưng không được phép xuất khẩu vũ khí chiến tranh. Căn cứ vào đạo luật này, chính quyền Đức đã tự trói tay mình: họ không thể xuất khẩu vũ khí chiến tranh sang cho Ukraine, là nơi có khủng hoảng. Ban đầu là chia sẻ vài ngàn cái nón trong danh mục quân trang quân bị. Sau đó là xé rào, chia sẻ vũ khí cũ trong kho của Quân đội Liên Bang.

Nếu kho của Quân đội Liên Bang gần như “đã cạn kiệt”, tại sao Hội đồng An ninh Liên bang không ký lệnh xuất khẩu?

Vấn đề nằm ở đâu?

Là tội phạm chiến tranh, nước Đức phải ký vào cam kết “đầu hàng vô điều kiện” tại hội nghị Jalta 1945. Theo đó, ngành công nghiệp vũ khí của Đức bị đồng minh giải thể theo tiến trình “phi quân sự hóa nước Đức”.

Văn kiện đầu hàng tuyên bố rằng: “Vương quốc Anh, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết sẽ có quyền tối cao đối với Đức. Khi thực hiện thẩm quyền đó, họ sẽ thực hiện các bước bao gồm giải trừ toàn bộ vũ khí, phi quân sự hóa và chia cắt nước Đức, nếu họ cho là cần thiết cho hòa bình và an ninh trong tương lai.”

Tuy nhiên, vào giữa thập niên 50, Cộng Hòa Liên Bang Đức trong bối cảnh hội nhập vào phương Tây và tái vũ trang đã bắt đầu chế tạo những vũ khí xuất khẩu đầu tiên. Nhưng, đây là một ngành kinh doanh không được chính quyền liên bang công khai hóa.

Năm 1971, “Nguyên tắc chính trị của chính phủ Liên bang về xuất khẩu vũ khí chiến tranh và các loại quân trang, quân bị khác” được ban hành. Trong đó:

– Đức sẽ không có hạn chế về xuất khẩu vũ trang (vũ khí + trang bị) sang các nước NATO.

– Nhưng, Đức không được phép xuất khẩu vũ khí chiến tranh sang các nước khác (ngoài NATO) và việc xuất khẩu quân trang quân bị phải hạ thấp như có thể.

Phiên bản mới được đưa ra vào năm 1982, thêm một lần nữa, buộc nước Đức phải đảm bảo rằng, các loại vũ khí xuất khẩu cho các nước NATO sẽ chỉ nằm trong khu vực NATO. Việc xuất khẩu sang các nước khác phải căn cứ vào chính sách đối ngoại và an ninh để ngăn chặn sự phát triển quân sự của các nước đó.

Nước Đức cũng phải tuyệt đối đảm bảo rằng, vũ khí chiến tranh, quân trang quân bị, những sản phẩm liên quan đến chiến tranh, khi xuất khẩu sang các nước nằm ngoài NATO chỉ cho họ sử dụng để tự vệ. Theo đó, Đức sẽ không được xuất khẩu các loại máy bay thả bom, máy bay chiến đấu… sang các nước ngoài NATO.

Dù rằng nước Đức có số lượng lớn vũ khí công nghệ tinh vi để xuất khẩu theo những áp đặt của NATO, quân đội Đức vẫn lệ thuộc vào luật giải trừ quân bị. Nghĩa là, họ chỉ được phép có số vũ khí rất hạn chế.

Vậy, làm sao có vũ khí để cung cấp cho Ukraine?

Ngày 22.03.2022, bà Bộ trưởng Ngoại giao Baerbock cho biết: “Chính phủ liên bang Đức sẽ cung cấp phương tiện tài chính để Ukraine có thể tự mua vũ khí. Các tiểu bang sẽ hỗ trợ thêm tiền. Từ phía EU, số tiền cho vũ khí sẽ tăng lên một tỷ euro. Chúng tôi sẽ làm việc hết sức để đảm bảo việc mua vũ khí trực tiếp từ các nhà sản xuất Đức, càng sớm càng tốt.”

Trên danh nghĩa, nước Đức sẽ hỗ trợ tiền cho Ukraine. Sau đó, Ukraine tự mua vũ khí, mà thật ra là mua vũ khí của các công ty tư nhân, tập đoàn sản xuất vũ khí của Đức. Bộ Ngoại giao Đức và Bộ Quốc phòng sẽ làm việc với nhà sản xuất và vận chuyển vũ khí sang cho Ukraine. Với lý do “tự vệ” Ukraine chỉ nhận các loại vũ khí của Đức để tự vệ.

Đó là con đường đi lòng vòng của các chính trị gia Đức, khi “tiền có mà kho trống”./.

Tham khảo:

https://www.n-tv.de/…/Deutschland-liefert-Ukraine-2000…

https://www.zeit.de/…/waffenexporte-ruestungsindustrie…

https://de.wikipedia.org/wiki/Deutscher_R%C3%BCstungsexport

https://de.wikipedia.org/…/Bedingungslose_Kapitulation…

http://ruestungsexport-info.de/…/Politische-Grundsaetze…

https://www.facebook.com/thuphuong.vo.75436/posts/1133816627420757

- Quảng Cáo -